Phóng to |
Các cháu đang đi trên “Đoàn tàu cổ tích” tại Công viên Văn hóa Đầm Sen |
Hiếm hoi lắm các em mới có dịp được đi dã ngoại, những trò chơi dân gian, những cánh đồng quê dần trở nên xa ngái trong ký ức tuổi thơ.
Tôi còn nhớ như in những ngày hè thuở bé. Khi những cánh phượng bắt đầu đơm lửa, lũ chúng tôi từ biệt sách vở đúng 3 tháng ròng. Chẳng học thêm, học bớt gì, cứ thế chúng tôi theo trâu ra đồng hay đuổi bướm bắt ve trên những triền đồi.
Nhu cầu được chơi của trẻ
Mấy lần 2 thằng cháu í ới gọi dì về chơi và để đòi quà vì kết quả học tập rất tốt. Nhưng tôi bận bù đầu bù cổ, đã khất lần khất lữa đám trẻ mấy bận. Chiều nay thằng út mếu máo trong điện thoại: “Dì hứa về chơi, dạy cháu xếp con cào cào, ngày nào cháu cũng đợi. Cả tuần nay cháu tự xếp mà không được. Dì không đến, thứ hai tới cháu đi học hè rồi, cháu bo... xì dì!”.
Cuối ngày, tôi vội vã ghé về. Cô giúp việc nghỉ về quê đã gần 10 hôm, nhà cửa bề bộn. Bố mẹ chúng đi làm chưa về. Thằng lớn đang mải mê với game online. Thằng út mếu máo kêu đói. Vào bếp, tủ lạnh chỉ toàn thức ăn nguội. Thằng lớn bảo: “Mẹ đặt, đến bữa người ta mang cơm hộp vào, muốn ăn thêm thứ gì thì lấy trong tủ”.
Thằng út kiện nài, anh hai suốt ngày giành vi tính không cho em. Thằng lớn tố lại, bảo thằng út mấy lần lấy chìa khóa cửa lẻn ra ngoài đi chơi.
Chín giờ tối, chị gái tôi mới đi làm về. Hai thằng nhóc nhao nhao hỏi mẹ xem có mua đồ chơi gì mới không. Sau khi phàn nàn chuyện công việc đầu tắt mặt tối, chị tôi bảo rằng muốn cho bọn trẻ đi chơi mà không thể thu xếp được thời gian.
Chị cho biết, các đồng nghiệp của chị cũng đang “sôi” lên với bọn trẻ trong dịp hè. Nhà nào bạo gan thì gửi tụi nhỏ về quê chơi vài hôm. Nhà nào cưng con và lo không an toàn thì cứ nhốt bọn trẻ ở nhà. Chủ nhật cho đi công viên, gọi là thay đổi không khí.
Sân chơi quá thiếu!
Như cảnh cá chậu, những giây phút thực sự được giải phóng thật hiếm hoi đối với các em. Và để tiện cả đôi đường, các em nhỏ thường tụ tập đá banh và bày trò ngay trên những con hẻm đông người. Mặc kệ nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các em vẫn chơi say sưa.
Khi tôi lân la hỏi chuyện, em Trần Sơn Phú, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học An Hội, Gò Vấp - TPHCM, đang chơi game ở một tiệm Internet trên đường Phan Huy Ích cho biết: “Cháu không có trò gì chơi, bố mẹ cho tiền cháu để dành, đủ thì ra chơi game hoặc đi thú nhún chứ ở nhà chán lắm”.
Được đi chơi là niềm khao khát của trẻ. Nhiều em phấn đấu học tập để được bố mẹ thưởng bằng những dịp đi chơi. Tuy nhiên khi hè về, lý do để được thưởng không còn nữa. Cháu Vân Nhi, con của chị Nguyễn Thúy Nga, phường 12, Gò Vấp đã khóc sướt mướt và bỏ bữa với lý do “mẹ không cho tham gia trại hè Thanh Đa”. Khi tôi động viên chị nên cho cháu đi vì đây là dịp sinh hoạt rất tốt đối với các em, chị cười và bảo rằng: “Chị cũng muốn cho con bé đi lắm chứ! Nhưng ngặt là không thu xếp nổi thời gian. Mà để nó đi một mình thì chị không thể, nhỡ ra có chuyện gì”.
Tôi hỏi sao không cho cháu đến sinh hoạt ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi, chị nói: “Để cháu tham gia hoạt động thường xuyên thì không có thời gian mà thỉnh thoảng đưa con tới thì không biết chơi trò gì”.
Tôi đảo một vòng về các nhà thiếu nhi xem thực hư ra sao. Ở quận Tân Phú, hỏi hoài cuối cùng một bác cán bộ phường thật thà: “Quận làm gì có nhà văn hóa mà hỏi”. Quận Phú Nhuận, Gò Vấp và một số nơi khác, tuy đã có nhà văn hóa tương đối khang trang nhưng thiếu bàn ghế, thiết bị âm thanh, ánh sáng, các phương tiện, trò chơi thiếu thốn, lạc hậu.
Ngay như Thảo Cầm Viên, một sân chơi lớn thu hút nhiều bậc phụ huynh và các tổ chức đưa các cháu đến chơi nhưng khu dành cho thiếu nhi lại trông nghèo nàn, nhếch nhác phát tội.
TPHCM hiện có 1,4 triệu thiếu nhi, chưa kể trẻ em theo cha mẹ từ các tỉnh đến lập nghiệp, mưu sinh. Sân chơi và quyền chơi của trẻ đã bị xếp vào hàng có cũng được mà không có... cũng chẳng sao? Bạn bè và người thân tôi thường than vãn về con em mình là “thế hệ gà công nghiệp”, nghĩ cũng không biết trách ai bây giờ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận