Anh Nhân (phải) và anh Luân luôn bên nhau trong hành trình chống chọi bệnh tật cho đến khi hiến tạng cứu người - Ảnh: Facebook nhân vật
Lời căn dặn của anh Trần Truyền Nhân (32 tuổi) với em trai Trần Truyền Luân (30 tuổi, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) khởi đầu cho câu chuyện tử tế sau cùng của một đời người.
Tôi thấy rất tự hào khi mọi người khen anh trai sống tử tế. Chết là hết, cái gì mình không dùng nữa nên nhường lại cho người khác dùng. Giữ lại cũng về cát bụi thôi.
Anh Trần Truyền Luân
Anh Nhân chạy thận nhân tạo đã 10 năm, hạn kỳ đời người qua bệnh tật thật ngắn ngủi. Nhưng cái chết hóa thành bất tử khi đôi mắt của anh Nhân kịp để lại cho cuộc đời.
Cái chết khởi đầu sự sống
Anh Luân vẫn nhớ tối 22-9, sau khi về nhà thắp hương cho ba mẹ, trở lại phòng trọ cạnh Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, anh Nhân đau lưng, đau đầu, rồi ngất lịm. "Tôi đưa anh qua Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, bác sĩ thông báo phải chuyển lên tuyến trên hoặc chuyển về. Trong đêm, tôi đưa anh ra Đà Nẵng, anh đã hôn mê sâu".
Ba lần ký vào giấy xác nhận chết não, anh Luân vẫn không tin thực tại. Chiều hôm qua thôi, anh Nhân vẫn còn lạc quan và nói về phận số của đời người. "Cho đi là còn mãi, mình có chết đi nhưng vẫn nhường lại quyền sống cho ai đó thì quá ý nghĩa" - anh Nhân nói với Luân trên chuyến xe về phòng trọ.
Dường như anh Nhân đã cảm nhận được chuyến đi cuối cùng của mình và chuẩn bị tâm thế ra đi khi nói nhiều về cái chết và giá trị của sự sống. Ngày 25-9, anh Luân run sợ khi bác sĩ gọi vào khuyên rút ống thở để anh Nhân ra đi nhẹ nhàng. Trong thời khắc ấy, anh Luân nhớ đến lời căn dặn của anh trai, đề nghị được hiến giác mạc. Bác sĩ bất ngờ bởi người hiến tạng thường đăng ký từ trước. Lần đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đón nhận một ca hiến tạng đầy cảm xúc đến vậy.
Bác sĩ bối rối, anh Luân lên mạng tìm hiểu, có quá nhiều thông tin, chẳng biết nơi nào tiếp nhận tạng. "Tôi nghĩ nếu không hiến tạng của anh trước khi rút ống thở thì coi như anh tôi xui, không lấy cái chết của mình giúp người khác được" - anh Luân tâm sự.
Đúng lúc rối bời ấy, bác sĩ lại gọi anh Luân vào hỏi: "Có chắc chắn hay không?". Anh gật đầu... Ngày 26-9, chuyến xe đưa bác sĩ Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Người trực tiếp lấy giác mạc của anh Nhân là bác sĩ Nguyễn Thành Nhân (Bệnh viện Trung ương Huế) chia sẻ rằng: Lúc từ Huế vào Đà Nẵng, bệnh viện cử đi 4 êkip gồm tim, gan, thận và mắt. Khi hỏi ngoài mắt còn hiến gì nữa không thì nhận được từ anh Luân câu trả lời: "Có gì hiến được sẽ hiến hết".
Làm nghề cứu người, bác sĩ Nguyễn Thành Nhân thấy sự tử tế đủ đầy trong câu nói. Nhưng rồi bệnh tật ròng rã 10 năm đã phá hủy nội tạng, anh Nhân chỉ còn duy nhất đôi mắt.
"Trước khi mang giác mạc của anh Nhân về Huế, tôi đã hứa với Luân sẽ tìm hai bệnh nhân nặng nhất, họ gần như bị mù để ghép. Chúng tôi phải mang sự tử tế này đi xa" - bác sĩ Nhân nói.
Sau khi trao giác mạc, hơi thở anh Nhân hóa thinh không, bình thản đi về cõi khác. Anh Luân giữ đúng tâm nguyện của anh mình, thân thể được hỏa táng, tro cốt hòa vào dòng sông Trà Khúc quê hương.
"Tôi thấy tự hào về cái chết của anh mình. Ở đâu đó, đôi mắt của anh lại sáng trong một hình hài khác. Tôi không mong gặp hai người nhận giác mạc. Tất cả cứ tùy duyên như cách anh tôi lạc quan chống chọi bệnh và thanh thản ra đi" - anh Luân nói.
Một cuộc đời thật đẹp
Đám tang của anh Nhân ít người thân nhưng lại nhiều bằng hữu. Cũng thật lạ khi tại miền Trung lại có đám tang nhiều tiếng cười. Cả nghìn người lần lượt đến tiễn đưa. Huấn luyện viên võ vovinam Phạm Tiến Dũng bảo rằng "dù mang bệnh trong người nhưng chục năm qua Nhân vẫn là huấn luyện viên vovinam tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Quảng Ngãi".
Anh Nhân và những người bạn cùng thế hệ đã khơi dậy võ Việt tại Quảng Ngãi sau thời gian dài vắng bóng. Khi sức khỏe không còn cho phép khiến anh yếu đi, anh vẫn đến lớp dạy, truyền cho học trò tinh thần thượng võ.
"Tôi nhớ nhất là Nhân luôn hỏi han học trò chuyện học tập ở trường, dạy trò biết lễ phép, biết nhường nhịn... Với tôi, Nhân đã sống một cuộc đời thật đẹp" - anh Dũng tâm sự.
Cậu học trò Nguyễn Hoàng Hoàng đang tham gia nghĩa vụ quân sự khi nghe thầy Nhân mất đã xin phép đơn vị về thắp nén nhang. Hoàng nhớ về người thầy đã dạy cho anh nghị lực sống, sự lạc quan trước số mệnh và không than vãn, gục ngã lúc khó khăn.
"Thầy Nhân ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Nhất định tôi sẽ dạy tinh thần thượng võ như thầy Nhân đã dạy tôi" - Hoàng trầm tư.
Từng người, từng người kể về anh Nhân bằng sự trân trọng và tự hào. Cô Trần Thị Phúc - giáo viên Trường tiểu học Quảng Phú 2 - là người rất thân thiết với anh Nhân, nhớ trong rất nhiều lần trò chuyện, anh Nhân luôn nói đến hiến tạng cứu người. Hôm bác sĩ lấy giác mạc anh Nhân, cô Phúc không buồn mà nở nụ cười.
"Tôi vui vì Nhân đã hoàn thành tâm nguyện. Hôm đó lu bu quá, nếu không tôi cũng đã đăng ký hiến tạng với bác sĩ rồi. Tôi muốn cái chết của mình sau này cũng có ý nghĩa như Nhân" - cô Phúc chia sẻ.
Ánh nắng chiều nhạt màu xuyên qua tán cây rọi vào di ảnh anh Nhân rạng rỡ nụ cười. Cô Phúc đứng nhìn di ảnh rồi nói thêm: "Nhân quá tử tế. Năm 2016, lúc Nhân phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, chi phí rất nhiều. Chúng tôi kêu gọi và mọi người giúp đỡ. Vậy mà vừa khỏe lại Nhân từ chối nhận thêm và xin nhường lại khoản tiền mọi người trợ giúp cho người khác. Biết từ chối cũng là sự tử tế rồi".
Lúc nào anh Nhân cũng cảm thấy mang ơn cuộc đời này và chọn cách hiến tạng như lời cảm tạ những người đã giúp đỡ mình. Cái chết của anh khởi đầu cho một hành trình khác với hai người khác. Trong tang lễ đơn sơ, nhiều người đã nói đến chuyện hiến tạng mà trước đây không được quan tâm. Tôi thấy những người trẻ tìm hiểu hiến tạng, họ rủ nhau đi đăng ký. Những lịch hẹn được đưa ra ngay trước di ảnh của anh Nhân kéo sự tử tế nối dài.
Cô Phúc bảo: "Nhân sống ý nghĩa và thành công hơn cả những người có tiền tài, công danh, sự nghiệp khi truyền cảm hứng đến nhiều người".
Tình anh em cảm động
Khâm phục anh Nhân, người ta khâm phục cả anh Luân, người em ấy đã từ chối tình cảm lứa đôi để đồng hành cùng cha tai biến, mẹ ung thư. Khi cả cha mẹ mất, anh Luân chăm anh trai ròng rã 10 năm. Cô Nguyễn Thị Minh Thu - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phú 2 - nói về thầy giáo Trần Truyền Luân bằng từ "Tuyệt vời". Cô Thu bảo rằng: Luân không gục ngã, không cầu xin lòng thương của cuộc đời, điều ấy khiến cô và ban giám hiệu cảm phục.
Những mảnh ghép từ câu chuyện kể của nhiều người trong hành trình ròng rã của anh Nhân và anh Luân như bất tận. Mỹ Hảo - cô em gái út trong nhóm múa - kể về hai tô hủ tiếu 24.000 đồng nhưng tô 10.000 đồng Luân ăn, tô 14.000 đồng mua cho anh Nhân. Thấy ai khó, anh Luân cũng giúp dù hoàn cảnh của bản thân còn éo le hơn.
Đôi mắt Truyền Nhân để lại là cảm hứng cho biết bao người. Cái chết hóa thành sự sống. Anh Luân nở nụ cười khi mơ hồ nghĩ đến đôi mắt của anh trai sẽ soi sáng cho người nào đó ở một nơi khác. Một sự kết thúc của khởi đầu mới...
Cuộc sống tươi đẹp
Bác sĩ Lê Đức Nhân - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng - cho biết: "Hiến tạng vẫn còn chưa nhiều ở Việt Nam nhưng chắc chắn câu chuyện của anh em Nhân sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người. Hiến tạng cứu người cũng là chính mình sống mãi.
Một nghĩa cử tử tế mà Nhân để lại".
Bài thơ trước di ảnh
Trước di ảnh của anh Nhân có bài thơ của thầy giáo Trần Hòa Ngọc viết và cô giáo Cao Phương Trang đã nắn nót chép lại để trước di ảnh anh Nhân như một lời từ biệt.
"Ba tấc đất buồn sinh ly tử biệt - một đời người như gió thoảng mây trôi - chiều thu muộn hồn em còn vương vấn - và ngày mai em sẽ mãi xa rồi - thắp nén nhang thương mấy dòng tưởng niệm - đưa em về đất mẹ xa xôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận