14/11/2018 13:26 GMT+7

Ở cùng đàn bò vì nhà bị bít lối

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Dù có nhà được xây cất đàng hoàng nhưng do không có lối ra vào nên nhiều năm qua, vợ chồng ông Trần Văn Nê phải dọn ra ở chung với đàn bò của mình.

Ở cùng đàn bò vì nhà bị bít lối - Ảnh 1.

Căn nhà của ông Nê không có lối ra vào... vì đã bị rào bít, không thể ra đường - Ảnh: M.Trường

Điều đáng nói, dù việc tranh chấp lối đi đã được tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phía gia đình Trần Văn Nê thắng, thi hành án cũng đã hoàn thành phần việc của mình, nhưng 5 năm qua ông Nê vẫn không có lối vào nhà, phải dọn ra ở chung với đàn bò của mình trong căn chòi cất tạm.

Gần nhà xa... cửa ngõ

Từ đường cái nhìn vào ruộng lúa khoảng 50m, ngôi nhà tường của gia đình ông Trần Văn Nê (53 tuổi) và bà Võ Thị To (57 tuổi) ngụ ấp 1, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre bị án ngữ bởi căn nhà của người anh ruột mình là ông Trần Văn Huệ.

Trước đây để vào nhà, ông Nê chỉ cần đi băng qua vườn ông Huệ và bà Nguyễn Thị Xem (vợ ông Huệ), nhưng 8 năm nay, từ khi xảy ra mâu thuẫn, bị gia đình anh trai rào đường, bít lối đi, cuộc sống của gia đình ông Nê, bà To bị đảo lộn.

Ông Nê cho biết ngôi nhà của ông được xây cất trên phần đất của cha mẹ để lại, do mảnh đất của ông nằm phía trong nên muốn đi ra đường lộ lớn phải đi qua đất của gia đình vợ chồng ông Huệ. 

Đến năm 2010, do hai gia đình phát sinh mâu thuẫn nên gia đình ông Huệ đã rào chắn xung quanh vườn, không cho gia đình ông Nê đi qua phần đất của mình nữa. Từ đó, gia đình ông Nê mất lối đi nên đã khởi kiện ra tòa.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 9-10-2012, TAND huyện Ba Tri đã chấp nhận yêu cầu của phía ông Nê, buộc phía ông Huệ phải mở một lối đi vĩnh viễn có diện tích 51,4m2 cho ông Nê.

Sau đó, gia đình ông Huệ kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11-1-2013, TAND Bến Tre không chấp nhận kháng cáo mà chỉ sửa án sơ thẩm phần bồi thường, buộc ông Nê phải thanh toán toàn bộ thiệt hại về tài sản trên đất và giá trị phần diện tích mở lối đi 51,4m2 số tiền tổng cộng 6.060.000 đồng.

Đến ngày 12-3-2014, Chi cục Thi hành án huyện Ba Tri đã tiến hành cưỡng chế, buộc gia đình ông Huệ mở một lối đi vĩnh viễn có diện tích 51,4m2 cho gia đình ông Nê. 

Ông Nê có nghĩa vụ thanh toán số tiền hơn 6 triệu đồng bồi thường thiệt hại tài sản trên đất và giá trị phần diện tích này.

Thế nhưng, 12 ngày sau gia đình ông Huệ lại tiếp tục dỡ hàng rào lối đi của gia đình ông Nê và rào chắn, bít lối đi này. Kể từ đó đến nay, gia đình ông Nê - bà Xem phải men theo bờ ruộng để vào nhà.

Do bản án chưa rõ ràng?

"Sau khi bị gia đình ông Huệ tiếp tục rào lối đi, hai vợ chồng tôi đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Từ cấp xã đến cấp huyện rồi tỉnh nhưng vẫn không được giải quyết. Ngay cả sự việc hàng rào dây kẽm gai rào dọc lối đi bị dỡ bỏ, tôi có báo công an địa phương xuống ghi nhận hiện trường nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín" - bà To nói.

Không còn cách nào khác, gia đình ông Nê đành vay mượn tiền mua một mảnh đất sát lộ rồi dựng một căn nhà tạm vừa làm chỗ ở vừa làm chuồng bò. Đã hơn 2 năm nay, thỉnh thoảng ông Nê mới về nhà để thắp nhang, bật đèn cho ngôi nhà ấm cúng, có hơi người.

Muốn đi vào nhà, gia đình ông Nê phải đi men theo bờ ruộng của người khác, xa gấp đôi đường đi cũ, nhưng do đây chỉ là bờ ruộng nên đi lại rất khó khăn. 

"Lắm lúc thấy con gái mặc áo dài đi học trượt chân té xuống ruộng mà thương đứt ruột. Tôi thật sự bất lực trong việc đi đòi quyền lợi chính đáng cho mình và gia đình. Đơn từ gửi rất nhiều đến các cơ quan cấp xã, huyện và tỉnh Bến Tre nhưng không có kết quả" - bà To than thở.

Trao đổi về vụ việc, ông Bùi Tấn An - chủ tịch UBND xã An Ngãi Trung - cho biết ngay từ khi mới xảy ra sự việc, địa phương đã tiến hành các bước hòa giải, lập biên bản và chuyển hồ sơ vụ việc lên cấp trên. 

Tuy nhiên, những phát sinh sau khi thi hành án, ông An cho biết cấp xã gặp khó khăn trong việc giải quyết.

Cụ thể, theo ông An, khi tòa tuyên án chỉ tuyên mở lối đi cho gia đình ông Nê, còn quyền sử dụng đất trên lối đi đó vẫn thuộc phía ông Huệ nên không thể xử lý ông Huệ hành vi lấn chiếm lối đi được. 

"Ở góc độ địa phương, chúng tôi chỉ dừng lại ở mức hòa giải và hướng dẫn gia đình ông Nê tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết để đòi quyền lợi" - ông An nói.

Phát sinh vụ tranh chấp mới

Đối với vụ việc này, cơ quan thi hành án của huyện Ba Tri đã tổ chức bàn giao lối đi cho phía ông Nê, đồng thời giao cho ông bà được trọn quyền sử dụng vĩnh viễn diện tích lối đi này.

Như vậy coi như cơ quan thi hành án đã thi hành xong bản án hoàn toàn, kết thúc quá trình tranh chấp lối đi giữa 2 bên.

Sau khi tổ chức thi hành án xong 12 ngày, ông Huệ có hành vi rào lại lối đi, đập phá hàng rào mà ông Nê, bà To đã rào trước đó.

Hành vi này lại phát sinh một vụ tranh chấp mới, có thể gọi đó là tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Vì trước đó bản án phúc thẩm có hiệu lực đã công nhận diện tích lối đi của phía ông Nê rồi, mà phía ông Huệ lại ngăn cản quyền sử dụng đất đó.

Để giải quyết việc tranh chấp này, ông Nê có thể gửi đơn ra UBND xã để hòa giải, nếu hòa giải không thành thì có thể khởi kiện ra TAND huyện Ba Tri để yêu cầu giải quyết tranh chấp này.

Trong quá trình đó ông Nê vẫn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại hàng rào mà ông Huệ đã đập phá trước đó trong cùng một vụ kiện.

Luật sư NGUYỄN THỊ BIẾT (Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia Bến Tre)

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên