Mỗi tầng của tòa nhà có 12 căn hộ, hầu hết mọi người đều đã quen biết nhau từ trước nên khi tôi chân ướt chân ráo chuyển về thì họ "mặc định" tôi cũng phải thân thiện, gần gũi như "truyền thống" của tầng.
Công việc của tôi đòi hỏi có không gian riêng và sự tập trung, vì thế ban ngày tôi thường đóng cửa mỗi khi làm việc ở nhà, cũng e ngại sang nhà hàng xóm để làm quen. Mỗi lần gặp những người cùng tầng ở thang máy, tôi chỉ chào hỏi xã giao chứ không trò chuyện. Có lẽ vì thái độ khép mình đó khiến những người hàng xóm rất tò mò về cuộc sống của tôi.
Mấy tháng sau, tôi sinh con đầu lòng, mẹ tôi xuống giúp chăm sóc em bé nên có lúc phải đi ra đi vào. Hàng xóm hay mời bà vào chơi nhưng mẹ tôi thường lấy cớ bận để từ chối, bà bảo tôi: "Mình sang nhà họ thì họ sẽ có cớ sang nhà mình, đang nuôi con nhỏ nên hạn chế người ngoài đến chơi để tránh nhiễm bệnh cho trẻ con".
Mọi chuyện bắt đầu!
Đến khi con tôi được gần một tuổi, thỉnh thoảng bé đòi ra hành lang để tập đi, những người hàng xóm hay lân la bắt chuyện nên tôi cũng phải đáp lại đôi câu. Thế là nhiều chuyện bắt đầu…
Có hôm buổi tối đang ru con ngủ thì nghe gọi cửa, ra mở thấy cô trưởng tầng cầm cái bát sang xin chút mỡ gà về nấu xôi gấc, tôi rất kinh ngạc không hiểu sao cô ấy biết nhà tôi có mỡ gà nhưng vẫn sẻ cho một ít.
Có bữa tự dưng thấy một bà ở cách đó mấy căn cầm con gà làm sẵn bọc trong túi nylon mang sang bảo: "Tủ lạnh nhà bác rộng cho tôi gửi nhờ con gà mấy hôm, tủ nhà tôi chật quá".
Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhưng không biết từ chối thế nào vì đúng là tủ lạnh nhà mình không trữ nhiều đồ.
Mấy đứa trẻ con học cấp 1 thì cứ thiếu cái bút, cục tẩy, tờ giấy A4, thậm chí bị hỏng con chuột máy tính cũng chạy ngay sang gõ cửa nhà tôi để xin hoặc mượn, chúng nói rất...thản nhiên: "Mẹ cháu bảo bên nhà bác có nhiều lắm".
Chưa kể bất cứ lúc nào thấy nhà tôi hé cửa là y như rằng có người sang chơi, phần lớn là những người đã về hưu ở nhà trông cháu hoặc mấy cô chuyên làm nội trợ nên khá rảnh. Họ vào ngó nghiêng từ giá sách đến phòng ngủ, tự tiện mở tủ lấy bánh kẹo cho cháu của họ ăn, rồi mở cả mấy hũ rượu ngâm ra hít hà...
Thú thật tôi vô cùng khó chịu mà không biết nhắc nhở cách nào. Chọn giải pháp luồn tay ra khóa trái cửa khi mình đang trong nhà cũng không được bao lâu vì có người nhanh chóng phát hiện ra và tiếp tục gọi cửa.
Những dịp cuối năm mới thực sự khủng khiếp, các nhà hàng xóm bàn nhau tổ chức ăn tất niên tại sảnh ngay chỗ ra vào thang máy, mà nhà tôi lại ở vị trí mở cửa là nhìn ra sảnh.
Năm đầu tiên lấy lí do con nhỏ không tham gia được, tôi bị mọi người nói ra nói vào mãi. Đến năm thứ hai, vì quá sợ cái cảnh "hậu tất niên" đồ ăn rơi vãi nhem nhuốc cả sảnh không ai chịu lau kỹ như năm trước nên tôi đề nghị đóng tiền để ra nhà hàng gần đó liên hoan. Mọi người đồng ý và cả tầng kéo nhau đi, mang theo cả con cái rất rôm rả. Ăn xong, lúc thanh toán tiền bị thiếu một ít nên một người ứng trước để trả nhà hàng. Sau đó về chia số còn lại cho mọi người để đóng thêm, có người lại ì xèo chuyện nhà đi đông người, nhà đi ít, rồi có người ăn kiêng nên không ăn được nhiều...
Tóm lại là toàn chuyện tủn mủn nhưng gây ức chế, "bằng mặt nhưng không bằng lòng" với nhau.
Cao trào là chuyện cô trưởng tầng đi vay tiền khắp cả 11 nhà còn lại, mỗi nhà chỉ vài trăm nghìn đến một triệu đồng, nhưng cứ chây ỳ không chịu trả đúng hạn hoặc mỗi lần trả lại đưa "nhỏ giọt" vài chục nghìn. Đã vậy, cô ấy còn hay ngồi lê mách lẻo, dựng chuyện người này nói xấu người kia dẫn đến hiểu lầm, cãi vã ầm ĩ gây mất đoàn kết, rồi cấm con cái chơi với nhau.
Trưởng tầng mất uy tín nên mỗi lần tổ dân phố huy động đóng góp quỹ là không ai chịu nộp, trừ khi phải có trưởng tòa nhà đi cùng...
Bán nhà cũng chưa yên
Cuối năm ngoái, con đã lớn hơn nên tôi cần chỗ ở rộng rãi một chút, tôi rao bán căn hộ để mua nơi khác phù hợp. Vừa rao bán nhà, tôi đã phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi tọc mạch của hàng xóm: Tại sao lại phải bán nhà? Vỡ nợ phải bán hay "trúng quả" nên mua chỗ khác đẹp hơn?...
Khách đến xem nhà vừa đi ra khỏi cửa cũng bị hỏi han đủ thứ, lại còn nghe dèm pha đắt rẻ khiến họ cứ ngần ngại không muốn mua.
Bán xong, tôi tìm mua căn hộ mới. Trước khi quyết định "an cư" ở đây, tôi đã tìm hiểu kĩ những người hàng xóm cùng tầng, họ đều là những gia đình trẻ, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, lịch sự khi giao tiếp và biết tôn trọng sự riêng tư của người khác. Sau gần nửa năm ở nhà mới, tôi thấy thực sự dễ chịu và vui vẻ khi không phải đối phó với lối sống còn mang nặng tính "làng xã" như ở khu nhà cũ.
Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.
Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.
Ý kiến gửi về email: [email protected] (từ nay đến hết ngày 31-5).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận