Biểu tình chống người đồng tính tại thủ đô Kampala, Uganda - Ảnh: Rex Features
Nghiên cứu, đăng tải trên tạp chí The Lancet HIV ngày 7-10, phân tích dữ liệu của 45.000 người đồng tính nam tại 28 nước châu Phi, bao gồm Kenya, Malawi và Nigeria.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy chỉ 1 trong 4 người nhiễm HIV trên được điều trị và trong 12 tháng qua, chỉ nửa trong số 45.000 người trên làm xét nghiệm HIV/AIDS.
Nhóm cho rằng tỉ lệ làm xét nghiệm thấp là do luật chống LGBT (cộng đồng người đồng tính, chuyển giới...) tại nhiều nước châu Phi, thúc đẩy sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bỏ rơi các chương trình HIV/AIDS dành cho người đồng tính nam.
"Chúng tôi nhận thấy các quốc gia có luật chống LGBT cứng rắn hoặc các hình phạt nghiêm khắc đối với quan hệ tình dục đồng giới thì có tỉ lệ làm xét nghiệm HIV thấp" - bà Kate Mitchell, một nhà nghiên cứu của Imperial College London, cho biết.
Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), khoảng 470.000 người nhiễm HIV tại châu Phi tử vong mỗi năm vì không thể hoặc không được xét nghiệm và điều trị, chiếm hơn 60% ca tử vong vì HIV trên toàn cầu.
Nhà nghiên cứu Mitchell cho biết dù không có số liệu chính thức về các ca tử vong của những người đồng tính nam nhưng ước tính có hàng ngàn nam đồng tính không biết mình nhiễm HIV hoặc không thể tiếp cận thuốc chết đi mỗi năm.
Theo hãng tin Reuters, một báo cáo năm 2019 của Hiệp hội LGBT Thế giới cho thấy có đến 32 trong tổng 54 quốc gia châu Phi hình sự hóa quan hệ đồng tính. Những người bị phát hiện quan hệ đồng tính tại các quốc gia này thường bị phạt từ bỏ tù đến tử hình.
Nam Phi là nước duy nhất hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Các nhóm về quyền đồng tính nam cho biết luật pháp chống đồng tính tại châu lục này khiến những người đồng tính phải chịu sự phân biệt đối xử khi tìm việc, thuê nhà, đi học và nhận chăm sóc y tế.
"Nếu những luật chống đồng tính này bị hủy bỏ, sẽ có sự cởi mở hơn, vận động nhiều hơn và nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Những người đồng tính nam nhiễm HIV có thể tiếp cận điều trị khi biết rằng họ được tôn trọng" - Andrew Maina, điều phối viên của tổ chức phi chính phủ HIVOS, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận