15/07/2016 10:18 GMT+7

Ổ bệnh bạch hầu ở Bình Phước chưa lan rộng

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Ngành y tế cho biết chưa thể khẳng định thời gian chính xác dập tắt ổ bệnh bạch hầu ở Bình Phước. Trong khi đó, nhiều người lại lo ngại nguy cơ lây lan của căn bệnh này.

Tiêm chủng phòng ngừa bệnh bạch hầu cho người dân có nguy cơ mắc bệnh cao tại hai xã Thuận Phú và Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước - nơi xuất hiện ổ dịch bạch hầu ngày 15-7. Ảnh: BÙI LIÊM
Cán bộ y tế đang ráo riết tầm soát và tiêm ngừa bệnh bạch hầu cho người dân tại hai xã Thuận Phú và Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước ngày 15-7. Ảnh: BÙI LIÊM

Trong ngày 14-7, sở đã tham mưu với UBND tỉnh và sẽ công bố dịch bệnh trên phạm vi huyện Đồng Phú trong thời gian sớm nhất

Ông Nguyễn Đồng Thông (giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước)

Ngày 14-7, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo về dịch bệnh bạch hầu diễn ra tại tỉnh từ cuối tháng 6 khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Tiêm rồi vẫn mắc bệnh

Từ cuối tháng 6 đến nay, tại tỉnh Bình Phước có 47 người nghi mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 3 người chết, những người còn lại đang được theo dõi tại bệnh viện (Tuổi Trẻ ngày 14-7). Cả ba bệnh nhân tử vong sau khi nhập viện được vài ngày.

Ông Nguyễn Đồng Thông - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước - cho biết đây là lần đầu tiên bệnh bạch hầu xuất hiện tại tỉnh này, đối tượng mắc bệnh chủ yếu từ 6 đến 26 tuổi. Bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, đau họng, ho nhiều, đau đầu nên thường bị chẩn đoán nhầm với viêm amiđan.

Qua điều tra dịch tễ, có thể khẳng định đây là ổ bệnh bạch hầu cư trú, lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao cho người bệnh và không liên quan đến yếu tố ô nhiễm môi trường.

Theo ông Thông, về nguyên nhân gây bệnh, có thể do sau một thời gian dài bệnh ít xuất hiện nên lượng kháng thể kháng bệnh bạch hầu giảm sút.

Thông tin thêm tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Sáu - phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước - cho hay huyện Đồng Phú trước đây đạt 95% tỉ lệ tiêm chủng, số còn lại chưa được tiêm chủng tích lũy qua các năm, đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.

Cũng theo ông Sáu, 2 trong số 3 bệnh nhân đã tử vong vẫn còn lưu giữ sổ tiêm chủng cho thấy đã tiêm phòng bệnh bạch hầu. Trường hợp còn lại theo người nhà bệnh nhân tuy không còn lưu sổ tiêm chủng nhưng đã tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa các loại bệnh.

“80-90% sau khi tiêm chủng phòng ngừa bệnh bạch hầu sẽ miễn nhiễm được bệnh, tỉ lệ còn lại vẫn có thể mắc bệnh do trong quá trình tiêm chủng bị lỗi kỹ thuật, dẫn đến thuốc không phát huy được tác dụng” - bác sĩ Sáu nói.

Cũng theo ông Thông, sở phối hợp cùng Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phun thuốc phòng bệnh tại địa điểm xảy ra dịch bệnh.

Sở Y tế đã nhận về 10.000 liều văcxin, trong chiều 14-7 đã tiêm ngừa cho người dân có độ tuổi từ 7 đến 26, có nguy cơ mắc bệnh cao tại hai xã Thuận Phú và Thuận Lợi (huyện Đồng Phú) là nơi bùng phát bệnh bạch hầu.

Tỉ lệ tiêm chủng thấp

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ tiêm chủng văcxin có thành phần ngừa bạch hầu cho trẻ em trong độ tuổi ở huyện Đồng Phú khá cao trong 3 năm gần đây, nhưng trước đó các năm 2008, 2010 và 2013 thì tỉ lệ này giảm thấp, đỉnh điểm năm 2013 tỉ lệ này chỉ đạt trên 54%, rất thấp so với yêu cầu.

Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định rằng dịch xuất hiện nếu số người chưa có miễn dịch như chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi tăng lên, và tính trong 8 năm gần đây có đến 3 năm có tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp.

“Vì vậy tuổi các đối tượng mắc bệnh và có biểu hiện mắc bệnh như sốt, đau họng, viêm amiđan, viêm amiđan mủ nằm trong diện cần giám sát ở phổ tuổi rất rộng, từ 4-52 tuổi. Còn nhóm mắc bệnh thì từ 6-26 tuổi” - đại diện Bộ Y tế cho biết.

Trả lời câu hỏi về lý do bệnh bạch hầu là căn bệnh có văcxin miễn phí phòng bệnh nhiều năm nay, nhưng năm 2015 xuất hiện dịch tại Quảng Nam, 2016 tại Bình Phước và cả 2 vụ dịch đều có trường hợp tử vong, một chuyên gia về dịch tễ cho rằng vùng dịch bạch hầu năm 2015 là vùng trắng tiêm chủng (có nơi không triển khai được tiêm chủng thường xuyên vì không có điện), nhưng Bình Phước thì lý do chính là 3/8 năm gần đây tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp, trong khi người dân sống tập trung và sinh hoạt cùng nhau, điều kiện vệ sinh không đảm bảo...

Một vấn đề đáng lo ngại là diễn tiến nặng của căn bệnh này như khuyến cáo của ông Trần Đắc Phu, nếu số mắc cao mà không kịp uống thuốc dự phòng thì nguy cơ tử vong do bạch hầu là rất lớn (tỉ lệ tử vong của người mắc bạch hầu tới 5-10%). May mắn là ở Bình Phước, người trong diện phải giám sát đã được uống kháng sinh dự phòng rất kịp thời.

Đề phòng nguy cơ lây lan

Ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng dịch vẫn đang khu trú tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú mà chưa lan rộng ra các huyện và tỉnh thành lân cận.

Viện cũng đề nghị Sở Y tế Bình Phước cử cán bộ về tăng cường cho Thuận Lợi và Thuận Phú (nơi có 3 người chết do bạch hầu vừa qua), triển khai tiêm văcxin ngừa bạch hầu cho 9.000 người trong nhóm 6-26 tuổi của 2 xã, nhóm trẻ 18-48 tháng tuổi và dưới 18 tháng tuổi sẽ được tiêm vét văcxin có thành phần ngừa bạch hầu. Việc tiêm ngừa và tiêm vét này sẽ triển khai từ hôm nay 15-7.

Trong đợt tiêm và tiêm vét lần này, mục tiêu tối thiểu là 95% đối tượng được tiêm ngừa đủ mũi, đặc biệt tại khu vực vùng sâu vùng xa. Nếu không, bệnh bạch hầu vẫn có thể quay lại và xuất hiện ngay tại TP.HCM.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 năm gần đây thì ngay năm 2005-2006 TP.HCM vẫn có tới hàng chục trường hợp mắc bạch hầu, khu vực Đông Nam bộ cũng có số ca mắc rải rác dù không nhiều. Nhưng nếu tỉ lệ tiêm chủng giảm sâu và tiêm không đủ 4 mũi cơ bản cho trẻ trong độ tuổi, bệnh hoàn toàn có thể xuất hiện trên diện rộng tại địa bàn dân cư đông.

PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh các ổ dịch bạch hầu thường xuất phát từ những nơi đông đúc, miễn dịch chưa đầy đủ, điều kiện vệ sinh kém. Đặc biệt dịch bạch hầu vẫn xảy ra ở nhiều nước trong khu vực và việc giao lưu đi lại nhiều như hiện nay cũng là một điều kiện thuận lợi làm gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh.

Người đứng đầu Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo để tạo nên cộng đồng đủ miễn dịch với bệnh bạch hầu, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tiêm đúng lịch, đúng liều trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Điều trị muộn, nguy hiểm tính mạng

Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bạch hầu lây truyền mạnh chủ yếu qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất dịch tiết ở đường hô hấp có chứa vi khuẩn bạch hầu.

Biểu hiện bệnh tùy thuộc vào biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân và mức độ lan tràn độc tố trong máu. Bệnh có nhiều thể như bạch hầu mũi, bạch hầu họng - amiđan, bạch hầu thanh quản…, trong đó bệnh hầu họng- amiđan thường gặp hơn cả.

Người bệnh có biểu hiện chán ăn, sốt nhẹ, viêm họng trong vòng 1-2 ngày, có màng giả ở amiđan. Bệnh có biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên.

Người bệnh điều trị muộn thì màng giả sẽ phát triển, lan nhanh xuống phía dưới thanh - khí phế quản gây tắc nghẽn đường hô hấp.

Viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ. Đây là biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc chặt chẽ, điều trị tích cực và thông thường là tiên lượng xấu.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên