Trong khi đó, 12 mỏ cát đưa ra đấu giá năm 2022 và 2023 cho đến giờ vẫn chưa có mỏ nào được cấp quyền khai thác.
Doanh nghiệp thực làm thì vướng đủ khó khăn, doanh nghiệp "đấu giá xong để đó" địa phương cũng không có cách nào thu hồi mỏ.
Thiếu cát trên "núi" cát
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có ba mỏ cát đang khai thác, trữ lượng ít. Mỏ cát Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) trữ lượng còn lại khoảng 40.000m3 nhưng phải "gồng gánh" cho nhu cầu của bảy huyện. Hai mỏ ở huyện miền núi Trà Bồng trữ lượng chỉ 34.000m3 và đã khai thác lâu nay, khối lượng không còn bao nhiêu và khó khăn trong vận chuyển.
Tổng hợp của Sở Xây dựng, đến ngày 30-6 nhu cầu sử dụng cát của 9/16 đơn vị trong tỉnh ít nhất khoảng 1,2 triệu m3. Riêng ba đơn vị gồm: Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Ban giao thông, Ban dân dụng cần hơn 850.000m3 cát; 6/13 huyện, thị và thành phố ở đồng bằng cần trên 352.000m3.
Có thời điểm Quảng Ngãi tính dùng đá bụi thay cát, bởi nhu cầu cấp thiết từ các dự án trọng điểm. Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu như ngồi trên lửa. Sắp đến, hàng triệu mét khối cát thi công cao tốc Bắc - Nam sẽ là bài toán căng thẳng cần giải quyết.
Ông Lê Quốc Đạt, giám đốc Ban giao thông, cho biết: "Sau thời gian dài chờ mỏ cát hoạt động, chúng tôi phải trình xin chỉ định mỏ cát thi công khu tái định cư. Không thể chờ thêm nữa, bởi khu tái định cư không hoàn thành, không thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam được".
Thiếu cát trầm trọng, giá cát vì thế được đẩy lên rất cao. Giá cát xây dựng tại đảo Lý Sơn lên đến 700.000 đồng/m3 vẫn không có để mua. Các huyện miền núi ở mức 500.000 đồng/m3. Không chỉ các dự án đầu tư công, người dân có nhu cầu mua cát xây dựng cũng không mua được khi cát quá khan hiếm và giá quá cao.
Đấu giá rồi, bao lâu mới khai thác được?
Năm 2022, Quảng Ngãi đưa ra đấu giá 5 mỏ cát, năm 2023 đấu giá thêm 7 mỏ cát. 12 mỏ cát này có trữ lượng hơn 4 triệu m3, nếu hoạt động sẽ giải quyết được tình trạng thiếu cát. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa mỏ nào đưa vào khai thác.
Ông Nguyễn Đức Trung, quyền giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, cho biết hiện nay, việc đấu giá dựa trên khối lượng tài nguyên dự báo, đơn vị trúng đấu giá phải tự làm các công việc đánh giá trữ lượng, thỏa thuận với dân về đường đi, đền bù diện tích mỏ (nếu có). Rồi trình các cơ quan thẩm định và giải quyết các thủ tục hành chính mới cấp quyền khai thác.
"Trước kia đấu giá mỏ cát là có khối lượng thực tế kèm theo, số tiền trúng đấu giá là thực tế, đơn vị trúng đấu giá nộp tiền cho Nhà nước và tiến hành khai thác. Còn giờ đấu giá dựa theo trữ lượng dự báo (đánh giá bằng mắt và kinh nghiệm), số tiền đấu giá dù có chục tỉ hay trăm tỉ đồng/trữ lượng dự báo cũng chỉ để quy ra bao nhiêu tiền/m3 cát. Xong mới khảo sát, thẩm định trữ lượng thực tế", ông Trung nói.
Vì sao không tổ chức đấu giá như trước kia, ông Trung cho biết Kiểm toán Nhà nước từng chỉ ra việc Nhà nước bỏ tiền ra "hoàn thành mỏ" trước khi đấu giá là sai. "Từng có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường bị kiểm điểm, kỷ luật vì vấn đề này. Hiện nay đấu giá trữ lượng dự báo thay vì thực tế như trước đây", ông Trung nói.
Một đơn vị trúng đấu giá mỏ cát từ năm 2022 cho biết đã đồng loạt làm các "đầu việc" ngay sau khi đầu giá xong, để sớm cấp quyền khai thác. Nhưng cho đến nay vẫn phải tiếp tục chờ.
"Chúng tôi làm xong thẩm định mỏ, đánh giá trữ lượng thực tế và lên phương án khai thác. Nhưng thỏa thuận với dân đường đi vào mỏ, người dân không đồng ý. Hiện phải điều chỉnh phương án khai thác từ múc sang hút. Quá nhiêu khê, từ tỉnh đến huyện xã đốc thúc mà cả năm vẫn chưa ra mỏ", đại diện doanh nghiệp nói.
Chưa thể gỡ khó?
Đấu giá trữ lượng dự báo cũng dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh. Như mới đây mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng trữ lượng dự báo lên đến 3,4 triệu m3, nhưng khi khoan thăm dò thực tế chỉ còn 1,95 triệu m3. Hay mỏ cát ở xã Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành) trữ lượng dự báo 97.000m3, khoan thăm dò trữ lượng thật chưa bằng 1/2 dự báo.
"Đơn vị trúng thầu đã trả mỏ vì khối lượng quá ít, không đáp ứng nhu cầu. Sở cũng không có cách nào chế tài được, coi như tổ chức đấu giá tốn công vô ích", ông Nguyễn Đức Trung nói.
Cùng với đó "đấu giá dự báo" cũng xảy ra bất cập. Theo quy định trong vòng sáu tháng sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp phải trình phương án cấp phép thăm dò. Sau khi thăm dò có trữ lượng, doanh nghiệp không làm các bước tiếp theo, cũng không thể thu hồi mỏ, bởi quy định không có.
"Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ các nút thắt, bộ đã trả lời nhưng cũng không có cơ sở để đẩy nhanh tiến độ, hay xử lý các doanh nghiệp chây ì", ông Trung nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận