Lại có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” hoặc “Nụ cười của người đẹp làm nghiêng ngả một thành trì”... Tuy nhiên, không phải ai cũng tự tin khi cười, khi nói, bởi “cái gốc” không được như ý muốn.
Cái “gốc”... khó chịu
Có câu chuyện tiếu lâm kể rằng: "... Nghe tiếng chuông, họ đun sôi ấm nước rồi lững thững ra mở cửa. Lúc này khách mới tới nơi, bởi hàm răng đã đến trước ông chủ chừng 10 phút!". Những người có hàm răng hô được gọi theo kiểu văn nghệ văn gừng là “dưới mái tây hiên”. Cái "mái tây hiên" làm khổ 2 làn môi không đóng nắp được, có tô trát kiểu nào cũng chẳng ai thèm dòm.
Lại có người răng không chịu xếp hàng mà giương Đông, kích Tây, chen lấn, xô đẩy nhau lô nhô, lố nhố chẳng khác cảnh kẹt xe ngoài phố. Lại có bạn được sở hữu gương mặt xinh ơi là xinh, nhưng không dám hé môi vì bị viêm nha chu, hơi thở bay ra mùi mà các nhà vệ sinh học gọi là “mùi phàn nàn”. Có người đau khổ, thậm chí phải chuyển hộ khẩu cả 2 hàm răng thật màu vàng xỉn do thuở thay răng sử dụng Tetracyclin nhiều, thay bằng hàm răng giả cho nụ cười thêm tự tin. Đàn ông hút thuốc lá khói thuốc nhuộm men răng thành màu vàng đen.
Có người mắc hội chứng... quên đánh răng, nên cặn thức ăn dính vào chân răng thành một lớp màu nâu mà các nha sĩ gọi là cao răng.
"Gốc" đau, thân lãnh đủ!
Cái răng nó bệnh, đâu chỉ bản thân nó chịu? Các bác sĩ đã khẳng định nhiều bệnh lý tim mạch (như viêm màng tim, van tim,...) có nguyên nhân từ răng miệng. Chảy máu răng, chân răng là một dấu hiệu của nhiều bệnh lý răng như viêm lợi, viêm quanh chân răng, và các bệnh lý nha chu khác.
Viêm là quá trình của cơ thể phản ứng lại với tác nhân (thường là vi trùng), biểu hiện là sưng, nóng, đỏ & đau. Chảy máu là do quá trình viêm làm cho mô chân răng bị tổn thương & vỡ mạch gây chảy máu, cơ thể huy động đội quân bạch cầu đến đánh nhau, xác bạch cầu, xác vi khuẩn thối rữa tạo thành mủ. Một khi vi khuẩn có điều kiện tích tụ lại ở chân răng qua các mảng bám, cao răng, cùng với môi trường axít, chúng phá hủy men răng, tổ chức nướu, gây viêm và bốc mùi.
Bệnh lý về răng có thể kể mỏi miệng suốt ngày không hết, và dường như tất cả chúng ta trong cuộc đời đều không hài lòng về cái “gốc con người” này của mình.
Tại ải tại ai?
Thành phần cấu tạo của răng bao gồm men răng, ngà răng (phần bao bọc tủy răng), tủy răng, nướu răng, dây chằng nha chu, lớp ximăng (giữa ngà răng & dây chằng nha chu) & xương ổ răng. Trong đó, men răng là phần cứng nhất, có thể ví như cái áo bọc bên ngoài. Nếu lớp áo bảo vệ bị thương tổn, chúng sẽ biến màu, có khi “rách rưới” làm răng trở thành lởm khởm.
Răng mắc bệnh đa số là do chúng ta sống không lành mạnh (rượu, bia, thuốc lá, không đánh răng sau khi ăn). Khi bạn bị bệnh toàn thân, răng cũng chia sẻ, cũng đau đớn, bởi phần dinh dưỡng cho răng bị cắt xén, hoặc không đi vào răng được.
Hàm răng mọc mất trật tự lỗi phần lớn ở các vị phụ mẫu. Nhiều bà mẹ thường quan niệm rằng răng sữa rồi sẽ thay bằng răng vĩnh viễn, nên khỏi cần chăm sóc. Ít ai hiểu “mảnh đất” xương hàm có ngon lành trên cơ thể khỏe mạnh, đủ dinh dưỡng thì “cây” răng mới mọc thẳng, ngà răng, men răng mới đẹp. Trẻ bú, ăn dặm, ăn kẹo xong không đánh răng nên men bị phá hủy gây sún, sâu, rụng răng sớm… tất cả đều làm ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này.
Tại sao vậy? Dù là răng sữa, nhưng chúng cũng được cấu tạo bài bản dùng để nhai những thức ăn từ mềm đến cứng cho đến tuổi thay răng. Răng sữa mọc và đứng trên cung hàm. Sau 5 - 6 năm, chân răng sẽ tiêu dần nhường chỗ cho một mầm răng vĩnh viễn trồi lên đúng vị trí đó. Răng sữa bị sâu, bị sún bị viêm phải nhổ sớm, mầm răng phía dưới chưa kịp “chào đời”, lỗ nhổ răng bị bít cứng lại như đổ bêtông thì răng vĩnh viễn chỉ còn nước là mọc chếch, mọc xiên tạo ra một đội hình xếp hàng không thẳng, để sau này bạn phải ngậm ngùi nhổ bớt, chỉnh lại.
Răng sữa cũng là một thành viên trong bộ máy phát âm, nếu phải nhổ nhiều răng và nhổ sớm, giọng của trẻ có thể ngọng nghịu hoặc “dính” như người già mất răng. Ngoài ra, động tác nhai của bé là yếu tố giúp xương hàm phát triển hoàn chỉnh hơn. Nếu mẹ để bé có thói quen mút tay, xương hàm sẽ đưa ra phía trước, răng vĩnh viễn cứ theo đà đó mà tiến ra, bà con phía Bắc gọi là “vẩu”, bà con phía Nam gọi là “hô”.
Chỉ cần ít phút mỗi ngày
Vậy chăm sóc bộ nhai như thế nào? Trẻ chưa mọc răng vẫn cần uống nước như một động tác rửa miệng sau khi bú. Mỗi ngày 1 lần quấn gạc quanh ngón tay, nhúng vào nước sạch để chùi răng, lợi cho bé. Sau 2 năm, bé đã mọc đủ 20 răng sữa, cần đánh răng cho bé bằng kem hơi ngọt, có mùi thơm. Cha mẹ chú ý cho trẻ ăn những thực phẩm giàu flour như cá biển, trứng, sữa, gan động vật, để men răng cứng chắc cho đến tuổi thay răng. Ngay cả khi bé ăn đêm bằng sữa nhân tạo cũng cần súc miệng để tránh sự lên men của vi khuẩn làm hỏng.
Với hàm răng vĩnh viễn việc chăm sóc càng cần chu đáo. Các cụ đã đúc kết “thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” để chỉ sự khó chịu khi mắc bệnh ở nơi đây. Đánh răng sau khi ăn, giữ chế độ dinh dưỡng hợp lý trong đó canxi là “cốt” của răng, flour là chất bảo vệ men. Cần nhắc thêm rằng: Đường trong đồ ăn thức uống là món khoái khẩu của các loại vi khuẩn gây sâu răng, nên nếu bạn hảo ngọt cũng chỉ nên thỏa mãn cơ thể vào những bữa chính, không nên ăn vặt.
Đồng bào phía Nam thường có tật nhai nước đá làm thay đổi nhiệt độ men răng quá nhanh, rất dễ hỏng “lớp áo” bảo vệ này. Theo Đông y: "Răng là phần dư của xương", mà "Thận chủ xương", vì vậy khi bị các chứng răng lung lay, răng đau ê ẩm khi uống nước đá... nên nghĩ đến thận. Thật không quá lời khi nói rằng: Lừa đảo, động đất và đau răng là 3 thứ kinh khủng như nhau. Mong là các bạn mỗi ngày bỏ ra ít phút chăm sóc răng cho con và cho mình để tai nạn thứ ba đừng xảy ra mới là hiểu biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận