Một trong các vết nứt tại nhà ông Lưu Ba, người vừa được tăng tiền hỗ trợ từ 2.000 đồng lên 180.000 đồng - Ảnh: Trường Trung |
Phòng hạ tầng kinh tế sẽ rà soát toàn bộ quá trình kiểm định và kiểm tra lại các mức áp giá đền bù cho dân so với mức quy định hiện hành để báo cáo lại với huyện |
Ông NGUYỄN VĂN KHÁNH (quyền trưởng Phòng hạ tầng kinh tế huyện Duy Xuyên) |
Sau khi báo Tuổi Trẻ có tin, bài phản ánh về bị nứt nhà do thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) thấp một cách vô lý thì một bảng giá đền bù mới xuất hiện với giá đền bù tăng vọt.
Dự toán mới tăng 200%
Chiều 20-5, ông Nguyễn Văn Khánh, quyền trưởng Phòng hạ tầng kinh tế huyện Duy Xuyên, cho biết vừa mới nhận được hồ sơ dự toán công trình sửa chữa nhà dân tại xã Duy Trinh do Công ty giám định và tư vấn kỹ thuật Raco cung cấp.
Ông Khánh cho biết trước đây việc hỗ trợ do các đơn vị thi công và người dân trực tiếp thỏa thuận nên phòng không can thiệp. Tuy nhiên, vừa rồi do người dân phản ứng vì giá quá thấp nên lãnh đạo huyện yêu cầu đơn vị này cung cấp hồ sơ kiểm định để huyện kiểm tra.
Điều đáng nói là dự toán mà đơn vị này gửi đến Phòng hạ tầng kinh tế so với giá gửi cho dân và chính quyền trước đó lại tăng vọt, nhiều hộ tăng gấp ba lần.
Theo dự toán mà Phòng hạ tầng kinh tế cung cấp cho Tuổi Trẻ, giá hỗ trợ đối với ông Lưu Ba (xóm Nam Sơn, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh) nay tăng lên 180.000 đồng (so với mức gần 2.000 đồng trước đây, xem Tuổi Trẻ ngày 20-5).
Hộ được hỗ trợ cao nhất trước đây hơn 4 triệu đồng nay cũng tăng hơn 7,5 triệu đồng. Tổng số tiền dự toán hỗ trợ cho 110 hộ dân trong hồ sơ cũ là 98,5 triệu đồng, nay tăng lên gần 200 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Công Vân, phó chủ tịch UBND xã Duy Trinh, tỏ ra bất ngờ với bảng dự toán mới này.
“Hồi đầu tháng 5, các đơn vị đưa chúng tôi bảng dự thảo để gửi đến dân. Khi ấy tôi thấy mức giá quá thấp, có hộ chưa tới 2.000 đồng nên có hỏi họ nhưng họ nói căn cứ theo khung quy định. Tối qua tôi có nghe người dân nói các đơn vị có đến đọc cho họ bảng giá mới nhưng chính quyền xã chưa nhận được bảng dự toán mới này” - ông Vân nói.
Liên quan đến việc này, ngày 20-5 đoàn kiểm định đã đến nhà dân thực hiện việc kiểm định lại. Ông Lưu Ba cho biết chiều 20-5, đại diện các đơn vị thi công đã vào hầm đường bộ vận động người dân ngừng cản trở thi công, đồng thời thông báo mức hỗ trợ mới nói trên.
Theo ông Ba, tuy giá mới có tăng nhưng cũng chẳng thấm tháp gì so với những thiệt hại mà gia đình ông phải chịu.
“Ngoài hai vết nứt phải xử lý, nhà tôi còn bị giật toàn bộ chân tôn nên số tiền nói trên chẳng thể nào đủ sửa lại nhà” - ông Ba nói.
Vòng vo trách nhiệm
Chiều 20-5, ông Phan Đại Thắng, phó giám đốc chi nhánh Công ty bảo hiểm PVI tại Đà Nẵng, cho biết bảo hiểm chỉ thông qua nhà thầu, trả tiền cho nhà thầu vì mọi thứ nhà thầu làm với dân, sau đó nhà thầu làm việc lại với bảo hiểm.
“Chuyện xảy ra là do nhà thầu thông tin cho người dân và đổ lỗi cho bảo hiểm vì thực chất bảo hiểm chưa bao giờ làm việc với dân” - ông Thắng nói.
“Bảo hiểm chỉ mua với nhà thầu về trách nhiệm bảo hiểm cho bên thứ ba (ở đây là người dân - PV), nên bảo hiểm chỉ chi trả cho nhà thầu trong trường hợp xảy ra tổn thất. Sau đó nhà thầu trả lại cho người dân về các tổn thất đó” - ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng bảo hiểm rất muốn đền đúng, thậm chí nhiều hơn nữa cho dân, nhưng phải đúng khung quy định của Bộ Xây dựng và đơn giá xây dựng của tỉnh Quảng Nam, nếu không Kiểm toán Nhà nước sẽ xuất toán những khoản chi sai đó.
Chúng tôi hỏi: “Khung quy định của Bộ Xây dựng và đơn giá xây dựng của tỉnh Quảng Nam thế nào mà ra số tiền dự toán bồi thường cho dân rất thấp như Tuổi Trẻ ngày 20-5 phản ánh?”.
Ông Thắng trả lời: “Bảng giá áp dụng gây xôn xao dư luận vừa qua chỉ là bản thảo ban đầu, nhưng nhà thầu vội vàng làm cho việc ra như thế và con số áp dụng này là không đúng. Và bảng giá áp dụng chính thức bây giờ phía bảo hiểm PVI vẫn chưa có. Hiện giờ bảo hiểm đang yêu cầu đơn vị giám định độc lập đến gặp dân kiểm định nhà, tính toán lại toàn bộ tổn thất”.
Trả lời câu hỏi tại sao bảng giá áp dụng chính thức chưa có mà nhà thầu đã có bản dự toán đền bù cho dân, ông Thắng cho rằng việc này do đơn vị giám định độc lập làm việc với chủ đầu tư, bảo hiểm chưa nắm.
“Chúng tôi chỉ nắm về quy tắc bảo hiểm. Đơn vị giám định họ chuyên biệt hơn về góc độ kỹ thuật, họ là những kỹ sư xây dựng, chỉ số giá thế nào thì họ biết hơn mình” - ông Thắng nói.
Còn đại diện chủ đầu tư, ông Đỗ Ngọc Ân cho biết giá bảo hiểm thì theo quy định của hợp đồng và được nhà thầu mua. Việc đánh giá của đơn vị bảo hiểm dựa trên cơ sở, số liệu được cung cấp bởi đơn vị kiểm định là Công ty giám định Raco.
Dựa trên đánh giá này, nhà thầu cùng người dân đánh giá mức độ thiệt hại bao gồm: vết nứt, sơn... để đi đến thống nhất khối lượng thiệt hại và đây chưa phải là đánh giá cuối cùng.
Bên cạnh đó, đơn vị bảo hiểm cũng sẽ phải trình cho phòng cơ sở hạ tầng của huyện Duy Xuyên để đánh giá về đơn giá đền bù và đưa ra quyết định cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận