09/02/2025 13:24 GMT+7

Nút giao nhiều tầng ở TP.HCM: Làm sao để dân không rối?

TP.HCM ngày càng nhiều giao lộ khác mức - nút giao nhiều tầng với cầu vượt, hầm chui và các nhánh đường kết nối. Những công trình này giúp giảm ùn tắc nhưng cũng khiến người dân bối rối vì biển báo dày đặc.

Nút giao nhiều tầng ở TP.HCM: Làm sao để dân không rối? - Ảnh 1.

Khu vực quanh nút giao nhiều tầng Nguyễn Hữu Cảnh (tầng giữa là đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường dẫn lên cầu Thủ Thiêm 1, đường rẽ vào Ngô Tất Tố) cũng có khá nhiều biển báo giao thông - Ảnh: CHÂU TUẤN

Liên quan nút giao nhiều tầng, không ít tài xế phản ánh rằng chỉ cần lơ đễnh một chút là có thể đi sai làn, vi phạm giao thông hoặc thậm chí gây nguy hiểm.

Nhiều người dân cho biết tại một số nút giao lớn như An Sương, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, hay vòng xoay Mỹ Thủy… hệ thống biển báo khá dày, nhiều khi đứng sát nhau khiến việc quan sát khó khăn.

Không ít trường hợp, tài xế vừa phải tập trung lái xe vừa cố gắng đọc biển báo, nhưng khi kịp nhận ra thì đã đi sai làn hoặc bỏ lỡ lối rẽ.

Anh Minh Khôi, một tài xế chạy tuyến TP.HCM - Tây Ninh, chia sẻ: "Tôi chạy xe qua vòng xoay An Sương phải căng mắt nhìn biển báo, có khi thấy mà không kịp xử lý, thế là lỡ đường, phải đi vòng lại rất mất thời gian.

Tương tự, tại một số nút giao khác mức ở thành phố cũng có hệ thống biển báo khá rối, không biết mình có được đi thẳng hay phải rẽ, rồi loay hoay ngay giữa dòng xe cộ đông đúc, rất nguy hiểm".

Về vấn đề này, đại diện Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết các cơ quan chức năng thành phố đang đánh giá, lên kế hoạch điều chỉnh lại hệ thống biển báo, vạch kẻ đường để người dân dễ dàng nhận diện và di chuyển thuận lợi hơn.

Trong những năm gần đây, TP.HCM tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, giải quyết tình hình kẹt xe tại các giao lộ trọng điểm.

Trong đó ngành giao thông đã xây dựng các nút giao khác mức - nút giao nhiều tầng bằng tổ hợp các công trình cầu vượt hoặc hầm chui và nhánh nối, để tối ưu diện tích đất và hạn chế xung đột các dòng xe.

Việc phân luồng và tổ chức giao thông tại các khu vực này tương đối phức tạp và được chỉ dẫn, báo hiệu bằng hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Để đảm bảo việc đi lại ở các khu vực này đòi hỏi người lái xe phải hiểu quy định về đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường, tuân thủ quy định về làn đường và tốc độ, đồng thời tập trung quan sát.

Trong thời gian tới để đảm bảo thuận lợi và an toàn cho người dân, thành phố sẽ rà soát, lưu ý việc sắp xếp lại biển báo hợp lý hơn (không đặt quá nhiều biển báo dồn vào một chỗ, mà bố trí cách nhau hợp lý để người đi đường có đủ thời gian thấy).

Tăng kích thước và độ phản quang của biển báo giúp tài xế nhìn rõ từ xa, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi trời mưa.

Vạch kẻ đường rõ ràng hơn, tăng cường chỉ dẫn ngay trên mặt đường để người lái xe có thể nhận diện nhanh hơn. Nghiên cứu lắp đặt bảng điện tử chỉ đường hoặc đèn tín hiệu hướng dẫn từ xa…

Với những giải pháp này, TP.HCM kỳ vọng sẽ giúp việc đi lại tại các nút giao phức tạp trở nên thuận tiện và an toàn hơn, tránh tình trạng "đi đúng đường mà vẫn bị phạt" do không kịp quan sát biển báo.

Nút giao nhiều tầng ở TP.HCM: Làm sao để dân không rối? - Ảnh 4.Các nút giao 3 tầng ở TP.HCM: Giải pháp giảm kẹt xe

Hiện nay, tại những đô thị có lượng giao thông lớn như TP.HCM, việc kết hợp hầm, cầu vượt trên cao, đường bộ ở giữa (nút giao 3 tầng) đang là cách làm tốt để giải quyết bài toán kẹt xe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên