31/05/2015 12:08 GMT+7

Nứt đường băng, sập hầm thủy điện...: Đừng đổ do trời!

TÔ VĂN TRƯỜNG
TÔ VĂN TRƯỜNG

TT - Báo chí đã đăng thông tin theo giải thích của những người trong cuộc, sân bay Cát Bi (Hải Phòng) nhiều lần gặp sự cố do nắng nóng gây vết rạn nứt ở đường băng có lúc phải đóng cửa để sửa chữa.

Sau đó, ông cục trưởng Cục Hàng không phản bác rằng nứt đường băng không phải do nắng nóng. Ông phản bác là đúng.

Trong nghề xây dựng, ở đường bộ cao tốc thường xây dựng nền đường bêtông, để đảm bảo độ êm cho xe chạy người ta thường phủ lên lớp asphalt (vật liệu của lớp nhựa phủ trên mặt bêtông). 

Đối với sân bay, khi thiết kế người ta phải tính đến việc chọn vật liệu, công nghệ thi công, điều kiện bảo dưỡng để không những chịu đựng được cường độ áp lực lớn của máy bay khi cất và hạ cánh cũng như điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.

Nhân có đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40OC, không cần xem xét nguyên nhân sâu xa của “sự cố” một cách thấu đáo và khoa học, người ta đã vội đổ cho yếu tố thời tiết là “thủ phạm” chính.

Thật khó có thể tin được vì đường băng (đường cất, hạ cánh) đều được làm bằng bêtông cốt thép cường lực cao, thi công đúng quy trình quy phạm, ở giữa các tấm môđun kết cấu này với kích cỡ tiêu chuẩn là khe chống giãn nở nhiệt tiêu chuẩn (thường làm bằng nhựa cao su - bi tum) để loại trừ sự ảnh hưởng do sự thăng giáng nhiệt.

Nếu đường băng ở sân bay Cát Bi làm đúng theo tiêu chuẩn như đã nói ở trên thì sự cố rạn nứt đường băng chắc chắn không thể xảy ra, dù nhiệt độ còn cao hơn cả đợt nóng nắng vừa qua ở khu vực.

Theo đánh giá chủ quan, nguyên nhân ở sân bay Cát Bi có thể là do yếu tố kỹ thuật, đó là chất lượng bêtông không đạt tiêu chuẩn, kích cỡ khe hở chống giãn nở nhiệt không đúng kích thước (quá nhỏ, hoặc không được xử lý kỹ thuật đúng theo yêu cầu) và việc sử dụng lớp asphalt...

Do đó, nhiệt độ ngoài trời không phải là nguyên nhân chính, chỉ là phần “tiếp tay” cho các nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc nói trên.

Trong cùng điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng sân bay Nội Bài, Nghệ An... không bị sự cố rạn nứt đường băng như Cát Bi là do yếu tố chọn vật liệu làm đường băng.

Người đọc chia sẻ, đường băng bị nứt ở sân bay Cát Bi là đường băng cũ lâu ngày cũng bị lão hóa, cho nên phải sửa lại tận gốc, không thể hỏng đâu vá đấy.

Hay nói cách khác, sân bay Cát Bi vẫn sử dụng đường băng cũ, đường băng mới đang làm, nên nguyên nhân chung của sự cố là chất lượng lớp bêtông asphalt không đảm bảo chất lượng do xuống cấp là đúng.

Để duy trì hoạt động, Bộ Giao thông vận tải quyết định cố gắng duy trì, duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo tối thiểu bề mặt khai thác.

Sau đó, đường băng số hai sẽ được xây dựng. Đến khi khai thác đường băng số hai thì mới bắt đầu sửa chữa lớn đường băng số một.

Không riêng gì những người trong cuộc ở sân bay Cát Bi, khi gặp sự cố, nhiều người cũng thích đổ do trời.

Chẳng hạn trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (tỉnh Lâm Đồng) hồi năm ngoái, đại diện chủ đầu tư giải thích: sập là do nền địa chất yếu, cộng với mưa nhiều làm nước đọng khiến đất nhũn.

Rồi đường nứt, ngập lụt trong thành phố... cũng đổ hết trách nhiệm cho trời: nền địa chất yếu, biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, nói tại ông trời chỉ nghe tạm được khi thiên tai vượt quá khả năng kỹ thuật hay tài chính của nhân loại. Đằng này, trong thi công ứng với điều kiện địa chất, thời tiết nào thì có thiết kế nấy.

Khi xảy ra sự cố phải xem xét cùng lúc nhiều yếu tố như con người, kỹ thuật, khí hậu... Vì vậy, đổ hết cho trời chẳng qua là một cách né trách nhiệm.

Đáng buồn là những chuyện nghe trái tai như vậy cứ lặp đi lặp lại. Ước gì có quy định chế tài những người đổ oan cho trời!

TÔ VĂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên