TTCT - Những cụm khói bao dung, nhưng chúng không bao giờ cho ta biết đâu là cuộc gặp cuối cùng. Minh họaBà già bưng rổ rau đắng đất. “Mua đi con, về nấu canh ăn mát lắm. Tao hái từng cọng luôn. Về chỉ rửa sạch rồi nấu, khỏi lặt lại gì hết...”. Màu xanh non của những ngọn rau cọng nhỏ li ti dòm thấy gần gũi và thương khó, những muốn bê cái rổ đưa lên mũi hít hà. Nhưng đây là chợ, chớ phải đâu cái rổ rau ngày xưa của nội hay của má.Không dưng, rổ rau hiền lành này, vụt chốc biết quay ngược thời gian, đưa tôi trở lại là đứa nhỏ của mấy chục năm về trước. Thức dậy sau giấc ngủ trưa bên hiên nhà nội thì tấm tức khóc vì khi giở cái lồng bàn thấy trên mâm có tô canh rau đắng đất và chén nước mắm cắt ớt xanh trong veo. Vị đắng mà ngày nhỏ tôi hiểu là vì người lớn muốn “giành ăn” với đứa trẻ nhưng không nói ra, thành ra đứa trẻ khóc vì tủi thân bởi nó hiểu mình là đứa trẻ không được người lớn quan tâm và yêu thương. Hoặc người lớn, thường cho rằng đứa nhỏ là nhân vật phụ, nên không cần phải quan tâm tới cảm xúc. Những món ăn đầy vị cay, vị đắng là theo miệng người lớn mất rồi.Nhưng hết cơn sầu tủi thì cũng phải ăn. Bao tử đứa nhỏ đâu chịu được cơn cồn cào đói. Con cá rô to cỡ bàn tay, nội nấu chung ngấm nước rau sẫm thịt màu xanh. Đứa nhỏ ăn trong tiếng dỗ dành: “Nè, nội giẽ cá cho để khỏi bị xương! Cá rô mùa này béo thịt, con nhai chậm sẽ thấy nó ngọt. Nội để riêng cái trứng cá rô cho con nè, ăn ngậm nghe luôn”.“Ăn ngậm nghe” là cách mà má hay nội diễn tả món gì đó ngon. Nhưng tôi vẫn là đứa con nít ghét vị đắng. Chén cơm nội chan nước canh rau cũng biến màu xanh lè. Cái tên là rau đắng thì sao mà ngọt ngào như nội nói cho được. Tôi ăn trong nỗi buồn thảm thê. Giữa tiếng củi lửa vẫn còn nổ lép bép trên cái cà ràng, mùi trầu trên áo nội, vị đắng chui vào cổ họng như chén thuốc bắc má sắc và bóp mũi bắt “ực một cái” để đẩy lui cơn sốt.Nội vẫn ngồi kế bên rủ rỉ chuyện trò. Nội kể hồi ba từ chiến khu về, nội cũng nấu món canh rau đắng y chang như vầy. Ba tôi cũng vừa ăn vừa sụt sịt, mà chắc mắc cỡ với nội nên quay đi lấy chiếc khăn chấm vội vào mắt. Ba tôi khóc vì điều gì? Giận nội cho ăn món canh đắng nghét, hay vì tuổi nào rồi mà còn được má nấu cho ăn?Mùa tháng sáu, những cánh đồng gặt xong nằm trơ trọi, những bụi rau đắng không biết rụng hạt từ lúc nào mà mọc lên phủ xanh. Tôi xách cái rổ nhỏ ra hái mang về cho ba, thử vò chiếc lá non thấy ngón tay mình cũng xanh. Đứa con nít quên mất chuyện phải hái nhanh cho đầy rổ, cứ ngồi trên ruộng bóp bóp vò vò, sơn màu xanh lên khắp các móng tay, quẹt quằn quện cả lên mặt. Nghe cái mùi rau kỳ lạ đọng ở cánh mũi, mùi của đất khô, của rơm rạ.Rổ rau đầy đưa ba nấu với cá lóc đồng. Nấu xong đem dọn lên chiếc bàn cũ, ngồi hít hà nồi canh bốc khói. Chắc gì ông đã hít hà vì cái vị cay của trái ớt xiêm dầm trong chén nước mắm.Tôi luôn thấy mình là đứa nhỏ có số phận không may khi mỗi lần ba biểu cầm rổ đi hái rau đắng đất. Những cọng rau mảnh mai li ti này hái thật lâu mới đầy rổ. Tôi đâu có nghĩ nội cũng mằn mò một mình trên cánh đồng vắng. Đem vào nhà nấu nồi canh thơm ngút, mà hết con đến cháu, ai cũng nước mắt đầm đìa.Nên bữa nhìn thấy bà già duy nhất còn mặc áo bà ba, ngồi lọt thỏm giữa sạp thịt và sạp rau, với tấm nilông trải tạm trên mấy miếng gỗ thấp tè, trên bày rau mùi, ớt, hành, sả, mấy cái trứng vịt còn bám rơm, tôi tưởng đây là bà già bước ra từ một bộ phim cũ. Ngoắc tôi lại, rồi tiếp thị hàng hóa bằng kiểu làu bàu với con cháu: “Mua trứng vịt đi mày, bà hai mới lượm ngoài ruộng. Canh mấy con vịt đi lượm trứng mệt luôn, chuyên gia đẻ rớt. Nè, mày đừng bỏ mấy cọng quế, rau thơm, thấy rễ nó đây không, ăn xong cắm xuống đất là nó mọc cây mới”.Bà già làm tôi đứng trân. Thấy cuộc đời của mình quả tình kỳ lạ khi bị một người lạ hoắc bới lên những điều tưởng chừng bén rễ sâu, thấy cồn lên nỗi nhớ má, nhớ nội. Thấy y như đây là sạp rau của nội, nơi nội tỉ mẩn gói từng loại rau vào lá chuối. Những cọng rau xanh thò ra, coi nhỏ nhẻ, ngon lành. Đứa trẻ hồi ấy có giúp nội mời người ta mua rau hay chỉ ham vui nhìn ngó, chỉ nhớ xong buổi chợ nội vui vẻ mở kim tây, lật túi áo bà ba lấy mớ tiền quăn queo mua trầu cau, mua cho đứa cháu gói xôi bắp chan đầy nước cốt dừa.Bà già ở chợ đào lên giúp tôi những bén rễ sâu ngút của những quá vãng. Rồi bà cũng làm tôi đau, nếu một mai thấy cái sạp bỏ không tôi chắc mình sẽ như người bước hụt.Đứng giữa chợ sớm, cái rổ rau mình ghét suốt thời thơ ấu giờ lại thấy thương. Chợt như đốn ngộ giọt nước mắt của ba lúc ngồi bên mâm cơm của nội, hay cái hít hà của ông ở bữa cơm chiều xa xôi. Đó là khói, là ông nuốt vào lồng ngực mình những cụm khói đang sắp thành tản mát, ở chúng có mùi của làng mạc, của quê nhà.Những cụm khói bao dung, nhưng chúng không bao giờ cho ta biết đâu là cuộc gặp cuối cùng. ■ Tags: Tạp bútMẹLàng quêRau đắng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.