Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị thủng ruột non do nuốt xương cá, sau phẫu thuật - Ảnh: THÁI LŨY
Nữ bệnh nhân N.T.H. (45 tuổi, ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) bị hóc xương cá rô, tự lấy cơm cháy nuốt vào để trôi xương. Sau 2 tuần, chị bất ngờ bị đau bụng âm ỉ, đau ngày càng tăng không rõ nguyên nhân.
Đến khi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, siêu âm bụng thấy có khối viêm ở vùng hố chậu, chụp CT bụng có cản quang thấy hình ảnh dị vật dạng xương cá đâm xuyên thành quai ruột non ở vùng hố chậu trái. Bác sĩ phát hiện ruột non bị xương cá đâm thủng, gây viêm phúc mạc.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu. Kết quả bóc tách khối viêm ở thành bụng (kích thước 3x4cm) bám vào mạc nối lớn. Bên trong khối viêm ở thành bụng có dị vật xương cá dài 3cm, tiến hành súc rửa và đặt dẫn lưu ổ bụng.
Theo các bác sĩ, phần lớn dị vật đi qua đường tiêu hóa sẽ ra ngoài một cách an toàn trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, đối với các dị vật sắc nhọn như kim, lưỡi lam, tăm xỉa răng, xương khi trôi xuống có thể xuyên qua thành ruột gây thủng ruột, viêm phúc mạc.
Theo lời kể của chị H., hai tuần trước chị ăn cá rô vô tình bị hóc xương, tự chữa bằng mẹo dân gian, lấy cơm cháy nuốt vào để đẩy xương trôi xuống. Sau đó thấy xương không còn mắc ở cổ nên chị cũng không chú ý đến, cho đến khi bị đau bụng.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu bệnh nhân vô tình nuốt xương cá (hay dị vật sắc nhọn) nên đến bệnh viện để được can thiệp. Không nên sử dụng những kiểu chữa dân gian như: nuốt cơm, uống nhiều nước, vuốt ngược hoặc tự ý móc họng… gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận