20/08/2024 19:03 GMT+7

Nuôi tôm ở Đồng Tháp Mười: Long An càng siết, diện tích càng tăng!

Liên tục có văn bản chỉ đạo siết diện tích nuôi tôm thẻ ở vùng Đồng Tháp Mười nhưng chưa hiệu quả, lần này Long An yêu cầu lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Nuôi tôm ở Đồng Tháp Mười: Long An càng siết, diện tích càng tăng ! - Ảnh 1.

Cánh đồng Đồng Tháp Mười "cò bay thẳng cánh" từ mấy năm nay tràn ngập ao nuôi tôm - Ảnh: AN LONG

Ngày 20-8, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết UBND tỉnh này đã có văn bản về việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Văn bản này cũng nhắc đến việc thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý việc sử dụng đất để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Tuy nhiên, diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục tăng. Năm 2021 là 225ha, đến năm 2022 đã tăng lên hơn 346ha. Năm 2023, diện tích tiếp tục tăng lên hơn 444ha và tính đến tháng 7-2024 đã hơn 522ha.

Cụ thể, huyện Vĩnh Hưng đang có 21ha, Tân Hưng hơn 105ha, Mộc Hóa 281ha, Tân Thạnh hơn 53ha, Thạnh Hóa hơn 50ha, thị xã Kiến Tường hơn 11ha...

Diện tích ao nuôi tăng thêm, nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế hiện nay người nuôi vẫn bị lỗ do giá tôm giảm. Nguyên do là điều kiện nuôi không còn thuận lợi, người dân đầu tư ao nuôi chưa đảm bảo để tôm phát triển tốt.

Do đó, trong chỉ đạo mới của UBND tỉnh Long An vẫn tiếp tục yêu cầu các địa phương, sở ngành liên quan phối hợp quản lý về con giống, phòng dịch bệnh thủy sản, sử dụng chất cấm.

Bên cạnh đó thường xuyên thanh tra, xử lý vi phạm về sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, khoan giếng để lấy nước mặn và bảo vệ môi trường nuôi tôm thẻ.

Đáng chú ý nhất trong nội dung văn bản chỉ đạo lần này, UBND tỉnh Long An yêu cầu đối với các trường hợp đào ao mới từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ không đúng quy định pháp luật, phải kiên quyết xử lý và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kiến Tường chịu trách nhiệm trong việc người dân sử dụng đất không đúng mục đích.

Tính đến giữa năm 2023, 5 huyện và thị xã vùng Đồng Tháp Mười đã lập biên bản 57 trường hợp vi phạm liên quan đến việc khoan giếng tầng sâu lấy nước mặn nuôi tôm thẻ, chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi thủy sản. Trong đó Tân Hưng lập biên bản 32 vụ, Kiến Tường 4 vụ, Mộc Hóa 10 vụ, Tân Thạnh 7 vụ và Thạnh Hóa 4 vụ.

Nuôi tôm ở Đồng Tháp Mười: Long An càng siết, diện tích càng tăng ! - Ảnh 2.Nuôi tôm ở rốn nước ngọt Đồng Tháp Mười

Mấy năm nay, đi dọc các tuyến đường về các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường (Long An) thường xuyên bắt gặp những chiếc quạt tạo oxy tung trắng nước dưới nhiều ao nuôi tôm mọc lên giữa đất lúa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên