Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu cho rằng nếu các cơ quan chức năng chậm vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp, nhiều người nuôi tôm sẽ đua nhau treo ao vì thua lỗ. Điều này không chỉ dẫn đến việc thiếu nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy xuất khẩu, mà ngành tôm Việt Nam sẽ bị các nước qua mặt.
Dịch bệnh hoành hành, giá tôm xuống thấp
Nuôi tôm công nghiệp gần 10 năm, nhưng ông Nguyễn Văn Kha (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) buồn rầu nói chưa vụ nào thất bại như năm nay. Dù đã đầu tư, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, nhưng tôm nuôi trong sáu ao của ông Kha đều bị chết khi chưa tới 70 ngày tuổi.
"Tôi tăng cường sử dụng thuốc dưỡng, mong kéo dài thêm 10 - 20 ngày để tôm lọt cỡ bán được giá, nhưng rồi đành phải thu hoạch non. Do tôm cỡ nhỏ, thương lái chỉ mua với giá khoảng 80.000 đồng/kg, trừ chi phí sau hai vụ, tôi bị lỗ gần 1 tỉ đồng. Thiệt là đau. Bây giờ tôi treo ao, chứ nếu cứ tiếp tục thả giống, chưa chắc đã có tôm thu hoạch", ông Kha buồn bã.
Tương tự, cả hai đợt thả giống từ đầu năm đến nay, các ao tôm của ông Trần Văn Tý (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đều bị dịch bệnh và tôm chết ở giai đoạn khoảng 45 ngày tuổi. "Đợt đầu tôm nuôi bị bệnh đốm trắng chết, đợt sau bị bệnh gan tụy. Tôi đã sử dụng nhiều thuốc cứu tôm nhưng không ăn thua gì, tỉ lệ chết hơn 70%, tính sơ sơ lỗ gần 300 triệu đồng", ông Tý cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Tính (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), người thả nuôi tám ao tôm, cho biết từ 20 ngày tuổi trở đi, tôm lủi đầu vào bờ chết do bị bệnh phân trắng. "Giá tôm đang thấp mà chữa trị tốn kém tiền bạc, đầu tư nhiều chưa chắc đủ vốn nên tôi bỏ luôn, vậy mà cũng bị lỗ gần 200 triệu đồng", ông Tính thở dài.
Không chỉ bị dịch bệnh tấn công, giá tôm quá thấp trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng khiến cho người nuôi tôm điêu đứng. Ông Nguyễn Hoàng Thống (xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết chưa năm nào giá tôm lại rớt thê thảm như năm nay. "Vụ nuôi vừa rồi tôi bán chỉ 98.000 đồng/kg loại 40 con/kg, lỗ vốn nặng sau khi trừ chi phí", ông Thống cho hay.
Trong khi giá tôm giảm sát đáy, giá thức ăn vẫn ở mức cao. Theo ông Thống, từ khi thả giống đến lúc đạt 100 con/kg mất chi phí khoảng 78.000 đồng/kg tôm, nhưng giá bán chỉ có 80.000 đồng/kg, tính ra chỉ còn 2.000 đồng/kg. "Nếu cộng tiền công và tiền lãi vay, người nuôi tôm lỗ không ít. Có lẽ tôi phải treo ao, đợi khi nào giá tôm ổn định mới nuôi tiếp", ông Thống nói.
Theo ông Trịnh Văn Mến (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), vài năm trở lại đây giá tôm luôn đứng ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào luôn tăng. "Cứ vào mùa vụ thả giống, giá con giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản... lại đua nhau tăng. Nhiều người nuôi giỏi, đạt năng suất cao mới có lời chút ít hoặc huề vốn. Đa phần người nuôi bị lỗ vì giá, vì tôm bệnh. Năm nay tính sơ sơ tôi bị lỗ gần 1,5 tỉ đồng", ông Mến cho biết.
Người nuôi treo ao, nguy cơ thiếu nguyên liệu
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương đều cho rằng nguyên nhân tôm chết do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, môi trường ô nhiễm.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Nghĩa (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), tôm bị dịch bệnh có khả năng từ con giống. "Một số người ham rẻ nên mua con giống không đảm bảo chất lượng, không qua kiểm duyệt về thả nuôi nên tôm hay bị bệnh", ông Nghĩa nhận định.
Ông Nguyễn Văn Kha (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cũng cho biết đã lấy con giống của một công ty nổi tiếng với nguồn gốc, xuất xứ tôm giống rõ ràng nhưng tôm vẫn bị dịch bệnh sau khi được thả nuôi.
"Mô hình của tôi rất hiện đại, không thể do nguồn nước hay môi trường được. Tôi nghi con giống nhiễm bệnh, nhưng công ty nói không. Từ vụ sau, tôi sẽ đổi mua con giống của một công ty khác xem sao", ông Kha cho biết.
Không chỉ có các hộ nuôi tôm riêng lẻ ở miền Tây bị thiệt hại, ngay cả những "đại gia" có quy mô vài trăm ha cũng đang lên bờ xuống ruộng. Theo một "đại gia" nuôi tôm công nghiệp ở Sóc Trăng, nếu không có giải pháp kịp thời, ngành tôm Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau.
"Chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán thấp, tôm thường bị bệnh nên khả năng sẽ có nhiều người treo ao. Khi nhiều người không nuôi nữa, nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu sẽ trở thành hiện hữu hơn bao giờ hết", người này cảnh báo.
Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, cho biết do dịch bệnh, sản lượng tôm thương phẩm giảm mạnh. Do vậy chỉ có các doanh nghiệp tôm có dự trữ mới hy vọng kịp giao hàng cao điểm ba tháng tới.
"Khả năng là khi kết thúc năm 2024, ngành tôm duy trì tăng trưởng 10% nhưng góc độ hiệu quả thì người nuôi và doanh nghiệp chế biến rất khó khăn. Các mắc xích còn lại trong chuỗi giá trị con tôm khó lòng đạt kế hoạch", ông Lực chia sẻ.
Ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, cảnh báo nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam.
"Thị trường xuất khẩu tôm sang các thị trường truyền thống rất lạc quan. Tiếc là nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến đang thiếu trầm trọng. Các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn cho ngành nuôi tôm", ông Phục đề xuất.
Hàng ngàn ha tôm bị dịch bệnh tấn công
Tỉnh Cà Mau có hơn 278.600ha nuôi tôm. Do điều kiện thời tiết bất thường nên dịch bệnh xảy ra rải rác ở nhiều nơi. Chỉ tính riêng mô hình tôm nuôi thâm canh, từ đầu năm đến nay đã có nhiều diện tích bị thiệt hại, tập trung tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn.
Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, địa phương đã xuống giống khoảng 28.400ha/hơn 31.000ha nuôi tôm theo kế hoạch, cho biết đến nay đã có 374ha nuôi tôm sú với 79,8 triệu con giống bị thiệt hại, và 616ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng với 445,82 triệu con giống bị thiệt hại.
Do tình hình thời tiết không thuận lợi, cùng với giá tôm xuống thấp, đến nay người dân Sóc Trăng mới thả nuôi tôm trên 40.000ha, giảm 4,7% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó đã có 1.832ha bị thiệt hại, chiếm tỉ lệ 4,6% diện tích thả nuôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận