Phóng to |
Anh Phạm Văn Hoàng (Kim Giang, Hà Nội) bên con chó ngao Tây Tạng có tên Thiết Bao Kim - Ảnh: Hoàng Điệp |
Đây là những con chó hung dữ, rất đắt tiền - có khi lên tới hàng trăm triệu đồng. Những con chó này thường được huấn luyện kỹ, ít khi cắn người, nhưng đôi lúc cũng gây ra tai họa không nhỏ.
Theo một chủ nuôi chó, chó “ngoại hạng” có nhiều loại, trong đó ngao Tây Tạng và pitbull là hai giống chó được nhiều người ưa thích. Hiện trên toàn quốc có chừng 300 con ngao Tây Tạng và cũng chừng ấy con pitbull, chủ yếu tập trung ở miền Bắc.
Ngao hung dữ
Trưa hè nắng nóng, anh Phạm Văn Hoàng từ cơ quan vội vã về nhà (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) để làm mát cho con chó ngao Tây Tạng. Vừa dừng xe trước cổng, lạch cạch cái khóa cửa, con Thiết Bao Kim nặng gần 70kg màu lông đen pha vàng lừng lững đi ra, nghếch cái mũi hít hít, rồi thè chiếc lưỡi dài đỏ hồng liếm vào tay chủ. Bị hấp dẫn bởi cuốn sách Chó ngao Tây Tạng của một tác giả Trung Quốc, anh Hoàng đã dành nhiều công sức để tìm hiểu về loài chó này, trước khi bỏ ra 30 triệu đồng để mua nó.
Anh Hoàng cho rằng con Thiết Bao Kim vốn được nuôi dạy và yêu thương nên rất hiền lành, thậm chí buổi tối khi đi dạo nó còn thích chơi với đám trẻ con. Thế nhưng cũng có lần nó nổi giận. “Hôm ấy tôi chuẩn bị đi công tác nên không đưa nó đi tập thể dục như thường ngày. Nó cứ đòi đi hoài. Khi vừa mở cửa nó liền chạy tọt ra ngoài. Tôi đuổi theo bắt về nhà, nó không chịu. Xách cái roi vụt cho mấy cái vào mông thì nó chồm lên cắn nát bét cái roi. Tôi tức giận dùng tay đập một cái và mắng “đồ hư thân”. Nó bỗng chồm lên vồ lấy bàn tay tôi ngoạm một cái. Tuy không đau nhưng cũng ớn lạnh”. Hoàng thừa nhận: “Tôi là chủ mà nó còn thế, nếu là người ngoài kích động thì chẳng biết thế nào”.
Phạm Huy Hoàng (Quảng Ninh), một du học sinh từng học chuyên ngành điện tử và công nghiệp tại Hàn Quốc, cũng là một tay chơi chó ngao có hạng. Huy Hoàng cho biết đã nhân giống thành công hai lứa ngao Tây Tạng. Một trong những nguồn cung cấp chó cho trang trại của Huy Hoàng chính là các chợ chó ở Trung Quốc (Nam Ninh, Quảng Châu, Bắc Kinh). Theo Huy Hoàng, hiện số chó ngao được nuôi tại VN đều được nhập lậu theo đường bộ.
Kể về một con chó ngao từng nuôi, Huy Hoàng tâm sự: “Khi bán ở Trung Quốc, người ta đã nói nó là một con ngao hung dữ. Khi chuyển về VN, người ta trừng phạt nó bằng cách cho nằm trong chiếc cũi có chiều cao thấp hơn chiều cao của thân hình để nó không thể đứng lên được”. Sau ba tháng thì Huy Hoàng thuần phục được nó và chuyển nó cho một người chủ mới. Từ ngày sang với chủ mới, con ngao lại tỏ ra hung dữ. “Nó tấn công nhiều người lắm rồi. Tiền lo viện phí thuốc thang cho người bị cắn nhiều hơn cả tiền mua chó” - người chủ mới than thở.
Không mua chó ở chợ như Phạm Huy Hoàng, Trí Quân - một người chơi chó ở TP.HCM - từng đích thân sang các trại nuôi chó tại Trung Quốc tìm chó ngao. Con chó ngao mà Quân đang sở hữu có giá hơn 500 triệu đồng thuộc dòng chính của con ngao, mang tên Sư Vương (sống tại Bắc Kinh). Với tham vọng nhân giống đàn chó ngao tại VN, Quân mua thêm cả một con chó mẹ có gia phả rực rỡ để ghép đôi. “Thật ra giống chó ngao đối với chính người Trung Quốc cũng còn nhiều bí ẩn. Bây giờ họ cũng đang tìm hiểu chứ không phải đã thuần thục gì”.
Phóng to |
Anh Phạm Huy Hoàng (Quảng Ninh) và một con chó ngao Tây Tạng - Ảnh: HUY TUẤN |
Pitbull hiếu chiến
Đỗ Tuấn Anh (Láng Thượng, Hà Nội) đang sở hữu một bầy bảy con chó pitbull, được coi là một trong những loại chó dữ thiện chiến nhất thế giới. Nằm cuối một con ngõ ở Láng là căn nhà to và khu sân vườn rộng, bảy con pitbull của Tuấn Anh sủa ông ổng khi thấy khách đến nhà, cái miệng ngoạc ra khoe hàm răng sắc nhọn. “Trước đây, nguồn nhập chó chủ yếu là từ Trung Quốc, nhưng giờ người ta đã nuôi sinh sản thành công giống pitbull tại VN”. Tuấn Anh nói và chỉ vào một con pitbull lông màu trắng đang bị nhốt riêng: “Nó đã sinh được hai lứa và đang trong thời kỳ động dục nên tôi phải nhốt lại để tìm con đực cho nó”.
Trong nhà Tuấn Anh có một con pitbull đen bóng và lực lưỡng (đã 7 tuổi) đang được tròng bằng xích sắt ở một góc sân. Tuấn Anh cho biết nó được một người ở TP.HCM mang về từ Nga, nhưng do tính tình hung dữ nên phải bán. Qua mấy cuộc mua bán lòng vòng nó mới đến tay Tuấn Anh. Để dạy dỗ con chó dữ sẵn sàng nổi cơn cuồng nộ mỗi khi thấy người lạ, Tuấn Anh đã dành rất nhiều tâm sức cho nó. Đầu tiên là dắt đi lúc 1g sáng, khi đường phố ít người nhất, rồi chuyển lùi lại sang 0g, 23g và bây giờ là 20g. “Lúc đầu ra đường chỉ nhìn thấy người hoặc con chó khác là nó giằng xích xông vào cắn xé. Đến nay, dù vẫn còn rất hung dữ nhưng nó chỉ tấn công người khi bị kích động”.
Theo Tuấn Anh, chó dữ hay không dữ ở mục đích người nuôi chó. Bản chất pitbull là chó chiến đấu nên đương nhiên nó mạnh mẽ và hiếu chiến. Nhưng nếu người nuôi dạy dỗ đàng hoàng thì nó sẽ không cắn người, thậm chí còn tỏ ra rất thân thiện. Tuấn Anh kể: “Cách nhà tôi không xa có người nuôi pitbull dạy nó cắn người, hễ thấy người là nó xông vào. Ngay khi tôi đến nhà anh ấy chơi nó cũng xông ra gầm gừ. Và nếu nhìn thấy con chó khác đi ngang nó sẽ xông vào cắn cho bằng chết”.
Tuấn Anh còn cho hay chó pitbull được các tay xã hội đen ở nước ngoài nuôi, thậm chí cả cánh buôn ma túy nuôi và huấn luyện thành chó chiến đấu để chống lại cảnh sát. Tuy nhiên, Tuấn Anh luôn khẳng định những người chơi chó pitbull ở Hà Nội chỉ chơi vì mục đích thể thao.
Phóng to |
Một con pitbull có tên Chí Phèo - Ảnh: ĐỖ DUY |
Không quản lý
Ông Đặng Văn Trung, phó chủ tịch Hiệp hội Chó giống VN, cho biết ngoài một phần nhỏ chó nhập từ châu Âu có lý lịch, hồ sơ rõ ràng, còn lại chủ yếu là chó nhập lậu. Nhiều người nuôi chó cũng nói chính quyền địa phương không mấy khi để mắt đến việc tồn tại của chó, dù là chó ngoại hay chó nội, chó dữ hay chó lành. Theo Phạm Huy Hoàng, việc nuôi chó thế nào phụ thuộc vào người chủ nuôi, Nhà nước chưa quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, ông Đặng Văn Trung nói theo thống kê trong hiệp hội có đến 50% số chó được coi là “thứ dữ”.
Anh Đ.V.H., chủ con chó ngao dữ tợn ở Quảng Ninh, than thở về việc con chó này gây hại khi sổng chuồng. Anh H. cho biết từng phải trả không ít tiền thuốc thang viện phí cho những người bị chó cắn. Theo anh H., nạn nhân nặng nhất của con ngao hung dữ này là một người ở Thái Bình: “Họ đi trồng thông ở cánh rừng sau nhà, nó cắn khiến anh ấy bị đứt vỡ nhiều mảng cơ”. Với con chó này, không chỉ những người sống trong khu vực biết nó hung dữ mà chính quyền cũng chẳng lạ. “Chính quyền có hỏi tôi đã tiêm phòng chưa, bỏ một mớ tiền mua chó thì tôi phải tiêm phòng chứ! Nhưng quản lý thế nào là việc của gia đình chứ không phải là của cơ quan nhà nước” - anh H. nói.
“Nếu ở Mỹ hoặc một số nước phương Tây có quy định rõ ràng về việc nuôi chó dữ: nguồn gốc, gia phả, sổ y tế, hộ chiếu xuất ngoại cùng với trách nhiệm của người chủ trực tiếp liên quan đến con chó, thì những con chó nhập lậu ở VN chưa có đơn vị nào quản lý”. Đó là ý kiến của ông Phạm Văn Đông, phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Theo ông Đông, cục mới chỉ quản lý ở mặt phòng dịch, còn chó dữ hay không dữ thì Nhà nước không có quy định cấm nuôi. Nuôi chó thế nào là việc của các cá nhân, cục không can thiệp. Nếu xảy ra việc gì bất trắc, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm.
Nằm trong khuôn viên của công viên nước Củ Chi (TP.HCM), ngoài mười con tê giác châu Phi còn có cả hổ, sư tử trắng, bò tót, linh dương sừng kiếm... Những động vật quý hiếm này được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau. Được đưa về VN từ năm 2009, bảy trong mười con tê giác châu Phi đang nhởn nhơ ăn cỏ trong khu vực chuồng trại. Một hàng rào thưa được thiết lập để ngăn khu vực chuồng trại với lối đi dành cho người. Bảy chú tê giác hiền lành ăn cỏ mặc cho ông Chín Tô (người chăm sóc trực tiếp) sờ đầu sờ tai không khác gì một bầy trâu. Là người gắn bó với bầy thú quý hiếm, thậm chí cả thú dữ gần chục năm nay, ông Chín Tô biết rõ tính nết của bầy tê giác: “Tui biết con nào có thể sờ được, cưỡi lên lưng được, con nào thì luôn né tránh không cho mình đụng vô người”. Để chứng minh đàn tê giác đã “thuần hóa”, ông Chín Tô chìa tay vẫy vẫy khiến một chú tê giác hếch mũi lên cho ông sờ vào chiếc sừng vừa mới nhu nhú trên chốc mũi. “Nuôi bọn chúng không khó chi hết. Chúng ăn cỏ, rau bắp cải, cám viên và cà rốt. Bảy con này mỗi ngày ăn hết hơn 1 tấn cỏ cắt nhỏ cùng các loại thực phẩm khác. Tui thấy chúng cũng giống những con thú khác thôi. Nuôi lâu thì quen và dạn dĩ thân thiện với người” - ông Chín Tô nói. Dù đàn tê giác đều đang nhú sừng và chưa con nào bước vào thời kỳ sinh sản nhưng anh Nguyễn Hữu Trực, giám đốc phụ trách vườn thú thuộc công viên nước Củ Chi, tỏ ra rất lạc quan: “Chừng 7-8 tuổi thì tê giác bước vào tuổi sinh sản, tôi hi vọng từ mười con tê giác ban đầu này chúng ta sẽ có cả bầy tê giác”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận