15/12/2019 17:55 GMT+7

Nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật, có được không?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhiều công trình nghiên cứu cấy tế bào con người vào phôi thai động vật để tạo cơ quan nội tạng phục vụ cấy ghép. Đến nay mục tiêu này còn rất xa vời vì tỷ lệ tế bào mang gen biến đổi rất thấp trong khi tỷ lệ tử vong rất cao.

Nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật, có được không? - Ảnh 1.

Lợn con mang tế bào khỉ sống không quá một tuần - Ảnh: TANG HAI

Bằng chứng là công trình nghiên cứu của nhà khoa học Tang Hai cùng các đồng nghiệp ở Phòng thí nghiệm sinh học sinh sản tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngày 6-12-2019, tạp chí khoa học New Scientist (Anh) đăng tin nhóm nghiên cứu này đã ghép tế bào khỉ cho lợn và hai chú lợn con mang tế bào khỉ chào đời.

Lợn con sống không quá một tuần

Các nhà khoa học Trung Quốc đã sửa đổi các tế bào khỉ để chúng phát huỳnh quang nhằm dễ dàng theo dõi, sau đó nuôi tế bào gốc từ các tế bào biến đổi gen này rồi tiêm vào phôi lợn năm ngày tuổi. 

Như vậy một phần các cơ quan như tim, gan, lá lách, phổi, da của lợn được cấu tạo từ tế bào khỉ. Tuy nhiên, tỷ lệ tế bào khỉ cực kỳ nhỏ trong phôi thai.

Trong tỷ lệ lai tạo thành công rất nhỏ này, tỷ lệ thất bại vô cùng lớn. Trong gần 4.000 phôi đã biến đổi gen di truyền cấy cho lợn cái, chỉ có 10 phôi đậu thành lợn con, trong đó chỉ có hai chú lợn con mang tế bào khỉ. Cuối cùng toàn bộ 10 lợn con chết sạch trong vòng một tuần.

Trước đó vào cuối tháng 7-2019, chính phủ Nhật đã cho phép nhóm nghiên cứu tế bào gốc do Tiến sĩ Hiromitsu Nakauchi - giám đốc nhóm nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật) và Đại học Stanford (Mỹ) đứng đầu tiến hành thử nghiệm cấy tế bào con người vào phôi thai động vật.

Nhóm nghiên cứu dự tính tiêm tế bào gốc con người vào phôi thai chuột, sau đó phôi thai được cấy vào động vật thay thế để tiếp tục phát triển. Mục đích nghiên cứu nhằm tạo cơ quan dùng để cấy ghép.

Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học được chính phủ Nhật cho phép nuôi cấy tế bào con người trong phôi thai động vật và phát triển phôi thai ấy đến khi chào đời.

Từ tháng 3-2019, Nhật cho phép nuôi cấy tế bào con người trong phôi thai động vật nhưng phải hủy phôi sau 14 ngày phát triển đồng thời cấm cấy phôi thai người vào tử cung động vật để tiếp tục phát triển.

Các nhà khoa học muốn nghiên cứu thử nghiệm phải nộp đơn xin phê duyệt riêng cho từng dự án. Nhật cho rằng sau 14 ngày, nguy cơ nhầm lẫn giữa người và vật có thể đặt ra vấn đề về đạo đức.

Nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật, có được không? - Ảnh 2.

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Hiromitsu Nakauchi (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) - Ảnh: ims.u-tokyo.ac.jp

Tỷ lệ thành công rất thấp

Nhà sinh học sinh sản Pierre Jouannet - thành viên Viện hàn lâm Y học quốc gia Pháp, nhận xét rằng điểm khác biệt trong thử nghiệm của Tiến sĩ Nakauchi là ông có thể tiếp tục phát triển các động vật từ phôi thai lai tạo cho đến khi chào đời.

Nakauchi không phải là người đầu tiên cấy tế bào con người vào phôi thai động vật. Năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Salk ở La Jolla (Mỹ) đã thu được phôi lợn mang tế bào người, sau đó phôi bị hủy sau bốn tuần tuổi.

Tháng 2-2018, một nhóm nghiên cứu khác của Mỹ đã tạo ra trong phòng thí nghiệm phôi thai cừu mang 0,01 % tế bào người. Do không được phép thử nghiệm nên phôi thai chỉ phát triển tới 28 ngày thì bị hủy theo quy định.

Đến tháng 8-2019, nhà nghiên cứu Juan Carlos Izpisúa (Tây Ban Nha) thông báo đã lai tạo cho khỉ mang tế bào người.

Nhiều công trình nghiên cứu về phôi thai lai tạo giữa các loài động vật (dê với cừu hoặc chuột cống với chuột nhắt…) đã được thực hiện nhưng không có công trình nào thử nghiệm với lợn đến khi lợn chào đời vì lý do khoa học và lý do đạo đức.

Mục tiêu cuối cùng khi nuôi cấy bộ phận cơ thể người trong động vật nhằm để thay thế nội tạng khiếm khuyết của bệnh nhân chờ ghép trong bối cảnh thiếu thốn nội tạng ghép.

Đến nay mục tiêu này vẫn còn xa vời do tỷ lệ tế bào đã biến đổi gene rất thấp và tỷ lệ tử vong rất cao. Vấn đề đạo đức cũng được nêu ra như có thể nuôi cấy gan người trong lợn, nhưng nếu tế bào nguồn của người xâm chiếm não bộ lợn, chẳng lẽ chúng ta sẽ có một con lợn "thông minh"?

Nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật, có được không? - Ảnh 3.

Tiến sĩ Hiromitsu Nakauchi dự tính thử nghiệm tiêm tế bào gốc con người vào phôi thai chuột - Ảnh: SCIENCE PICTURES

Nghiên cứu phôi thai lai tạo ở Pháp

Năm 2011, Pháp và 28 quốc gia khác đã phê chuẩn Công ước Oviedo quy định cấm thay đổi mã di truyền được truyền cho thế hệ sau. Song kể từ năm 2013, luật mở rộng hơn, cho phép nghiên cứu phôi và tế bào gốc của phôi thai trong một số điều kiện.

Dù vậy, luật không cho phép nghiên cứu phôi thai người hoặc tế bào gốc phôi người mà không được phép. Giấy phép phải đáp ứng một số điều kiện như nghiên cứu phải phù hợp về khoa học và vì mục đích y học. Cơ quan Y sinh thuộc Bộ Y tế Pháp là cơ quan cấp phép nghiên cứu.

Nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật, có được không? - Ảnh 5.

Tháng 8-2019, nhà nghiên cứu Juan Carlos Izpisúa (Tây Ban Nha) thông báo đã lai tạo cho khỉ mang tế bào người - Ảnh: cenie.eu

​Phát triển tụy người trong cơ thể lợn để đợi cấy ghép ​Phát triển tụy người trong cơ thể lợn để đợi cấy ghép

TTO - Một con lợn nái đang mang một bào thai chứa cả tế bào người và lợn. Các nhà khoa học tại Mỹ đang nỗ lực nuôi nội tạng của người bên trong cơ thể lợn để đợi những ca cấy ghép tạng cho người.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên