Khoảng cuối năm 1954, trên một trăm văn nghệ sĩ Nam Bộ đã rời miền Nam ra miền Bắc tập kết. Các nghệ sĩ này thuộc nhiều thành phần ca, múa, nhạc, kịch, cải lương, hội họa... từ các đoàn văn công nhập lại thành một đoàn mang tên Đoàn văn công Nam Bộ.
Họ ra đi khi còn rất trẻ và tại đất Bắc họ hoạt động nghệ thuật, kết hôn và sinh con. Vì đặc thù thời ấy nên những đứa trẻ được sinh ra có cơ hội sống cùng nhau trong khu tập thể văn công.
Và lớn lên những đứa trẻ ấy tiếp nối mạch nguồn nghệ thuật từ cha mẹ đã tiếp tục cống hiến và trở thành những văn nghệ sĩ tên tuổi trong làng nghệ thuật nước nhà.
Mê cải lương từ Đoàn cải lương Nam bộ
Chắc có lẽ ít người biết giấc mơ ban đầu của nghệ sĩ điện ảnh gạo cội Trà Giang là trở thành một cô đào cải lương.
Nghệ sĩ Trà Giang vốn là con gái của nghệ sĩ Nguyễn Văn Khánh.
Nghệ sĩ Phi Điểu kể rằng: "Hồi các đoàn văn công tụi tui ở tập thể cùng nhau. Bé Trà Giang là con ông Khánh cao (vì ông cao nên gọi là Khánh cao), trưởng đoàn văn công Liên khu 5.
Ngày nào con nhỏ cũng bồng em qua coi tụi tui tập tuồng. Coi riết mà mê mệt rồi năn nỉ ba qua xin ông Tám Danh cho theo đoàn cải lương".
Bà Phi Điểu cười cho biết ông Tám Danh nói với ông Khánh rằng: "Con nhỏ nó cao quá, kép tao lùn lùn đâu có đứa nào đóng chung được, nó mới học cấp II còn cao nữa. Mà tao thấy nó có nét điện ảnh lắm, mày dẫn qua đó coi bộ được à!".
Từ sự gợi ý đó mà Trà Giang đã bén duyên điện ảnh. Nghệ sĩ Phi Điểu gật gù: "Mà công nhận mấy ông già ngày xưa tinh mắt. Trà Giang qua điện ảnh vài năm là nổi liền!".
Nhạc trưởng Hoàng Điệp là một trong những nữ nhạc trưởng tài năng và nổi tiếng ở Việt Nam. Bà nguyên là giám đốc Trung tâm biểu diễn của Nhạc viện TP.HCM.
Bà từng được đào tạo bài bản về âm nhạc ở Nga và gây dấu ấn lớn ở những chương trình âm nhạc hàn lâm và cả những show diễn như Duyên dáng Việt Nam, chương trình của ca sĩ Tuấn Ngọc, Lệ Thu...
Ba mẹ của bà cũng là những người con Nam Bộ tập kết ra Bắc năm 1954. Đó là GSTS - NSND Quang Hải và nghệ sĩ Hoàng Khanh. Khoảng năm 1956, ông Quang Hải được cử sang Nga du học. Sau đó ông đảm nhiệm chức vụ giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam.
Ông là giám đốc đầu tiên của Nhạc viện TP.HCM. Đóng góp của ông với nền âm nhạc nước nhà là vô cùng to lớn. Mẹ của nhạc trưởng Hoàng Điệp là nghệ sĩ Hoàng Khanh của Đoàn cải lương Nam Bộ. Bà nổi tiếng với vai Kim Thông trong vở Dệt gấm. Sau bà chuyển về Đoàn kịch nói Nam Bộ gây dấu ấn với vở Hòn đảo thần vệ nữ.
Họa sĩ Hồng Quân nổi tiếng với sở trường vẽ tranh màu nước là con trai của nhạc sĩ Phan Nhân và nghệ sĩ Phi Điểu.
Nhạc sĩ Phan Nhân quá nổi tiếng với những ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng, Thành phố của tôi, Em ở nơi đâu, Bài ca cho em...
Còn nghệ sĩ Phi Điểu xuất thân từ Đoàn cải lương Nam Bộ, sau đó về Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi là một trong những người đầu tiên gầy dựng hoạt động của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM.
Bà quen thuộc với thính giả gần xa trong chuyên mục Kể chuyện đêm khuya. Và hiện tại ở tuổi 90 bà vẫn là gương mặt "bà nội, bà ngoại" quen thuộc trên màn ảnh truyền hình.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nổi tiếng trong làng sử học là con của ông Nguyễn Ngọc Bạch. Ông Bạch được rất nhiều thế hệ nghệ sĩ kính trọng. Ông từng là trưởng Đoàn cải lương Nam Bộ, phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM...
Người được xem nổi tiếng nhất trong làng tranh cát động Việt Nam là họa sĩ tranh cát Trí Đức. Anh chính là con trai của nghệ sĩ Đặng Lợi.
Ông Đặng Lợi vốn hoạt động hội họa, được Bác Hồ tin tưởng đặc cách qua thành lập đội múa rối đầu tiên của Việt Nam mang tên Đội múa rối trung ương, ra đời năm 1956. Đội lúc ấy chỉ có 7 người và ông Lợi là đội trưởng. Sau này về Nam ông gầy dựng hoạt động múa rối tại TP.HCM ở vị trí trưởng Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM.
Ba má là ba má chung
Hồi ấy Đoàn cải lương Nam Bộ hoạt động ở trụ sở 23 Ngô Thời Nhiệm (sau này là Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội). Các nghệ sĩ của đoàn vừa sinh hoạt, tập tuồng và các gia đình nghệ sĩ đều ở hết trong khu tập thể này.
Trong hồi tưởng của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu thì nơi đó là những ký ức bình dị, rất êm đềm. Dù sinh ra và sống trên đất Bắc nhưng nơi đây như mảnh đất Nam Bộ thu nhỏ. Bọn trẻ con không hề cảm thấy xa lạ không khí Nam Bộ, vì ngôn ngữ, món ăn, ứng xử, tập quán đều rặt Nam Bộ.
Mỗi ngày bọn trẻ theo cha mẹ vô phòng tập tuồng nằm trong khu tập thể, xúm lại coi người lớn làm việc. Từ lúc vỡ hoang vở diễn tới lên sàn, rồi ra biểu diễn trên sân khấu. "Như một cách tự nhiên, chúng tôi cứ bắt chước theo người lớn.
Ca bài này bài kia, rồi tập điệu bộ. Rồi ngấm cải lương hồi nào không biết" - bà Hậu kể. Bà cũng tâm sự sau này lớn lên tự cảm thấy không đủ năng khiếu nên không theo nghề của ba mà rẽ qua nghiên cứu và giờ trở thành nhà sử học.
Nhạc trưởng Hoàng Điệp bồi hồi xúc động nhớ về tuổi thơ ở khu văn công của bà: "Hồi đó chúng tôi ở bên nhau suốt. Từ khu tập thể này qua khu tập thể kia, rồi những đợt sơ tán về nhà dân cũng ở chung nhau luôn".
Bà Hoàng Điệp vui vẻ nói con nít trong khu tập thể ấy gọi ba má là ba má chung. Nên ngoài má ruột, bà còn có má Phi Điểu, má Lê Thiện, má Kim Liên (bà ngoại của ca sĩ Triệu Lộc)...
Mọi người thương yêu, chăm sóc chia sẻ lẫn nhau khi rời phương Nam hoạt động trên đất Bắc. Nhà này có việc sẽ gởi con qua nhà kia nhờ coi giùm.
Hoàng Điệp kể ngày nghệ sĩ Lê Thiện đau đẻ, vì chồng bà công tác xa nên ba Hoàng Điệp là nhạc sĩ Quang Hải phải chở giúp Lê Thiện tới bệnh viện để sinh ra nghệ sĩ Kim Hoa là phó giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM ngày nay.
"Trong khu tập thể, tôi, Nguyễn Thị Hậu và anh Hồng Quân chơi rất thân với nhau. Hồi đó nhà tập thể là cái phòng lớn, ngăn nhau miếng vách tre nứa mỏng. Nhà tôi và nhà Hậu ở kế nhau. Khi người lớn ra ngoài khóa cửa, chị em tôi khoét miếng vách dưới chân giường tuồn bánh kẹo qua cho nhau ăn. Rồi ngồi sát miếng vách, nói qua nói lại đủ thứ chuyện trên trời dưới đất".
Tuổi thơ của bọn trẻ trong khu tập thể ấy được nuôi dưỡng bằng tiếng đàn lời ca. Nên ai cũng có thể thuộc làu tuồng tích, lại còn có thể nhắc tuồng khi ba mẹ lỡ quên.
Những ngày du học tại Nga cùng Vương Linh, Đặng Hùng, Thanh Bạch, Xuân Hương... Hoàng Điệp chia sẻ dù học tân nhạc nhưng trong những cuộc gặp gỡ giao lưu sinh viên các nước, "tiết mục ruột" của Hoàng Điệp là các bài lý, bài bản cải lương khiến nhiều bạn bè trầm trồ, yêu thích.
Có ba là nhạc sĩ, mẹ là nghệ sĩ cải lương nhưng họa sĩ Hồng Quân tiết lộ là ông nghe nhạc, cải lương vậy thôi chớ không đam mê. Hồng Quân lại thích vẽ.
Anh vẽ khắp nơi từ sân chung, vách nhà tới vẽ chân dung bọn bạn bằng nhánh cây khô trên nền đất. Có lúc, bọn trẻ cả xóm xúm lại và lần lượt từng đứa lên đứng cho Quân vẽ. Có đứa chờ lâu quá bực mình nhào lên tè vô bức hình mà Quân đang vẽ đứa khác cho... bõ ghét!
Ngoài trò con nít đó thì Quân lại thích lẽo đẽo theo mấy chú họa sĩ, thiết kế sân khấu trong đoàn. Người ta vẽ gì Quân bắt chước vẽ theo, rồi rờ rẫm từng phông màn, đạo cụ tìm hiểu vì sao họa sĩ sử dụng màu sắc, chất liệu đó.
Từ những mẫu vẽ trên sân khấu lung linh mà Quân nuôi lớn tình yêu hội họa. Tốt nghiệp đại học mỹ thuật ông trở thành họa sĩ chuyên màu nước với khá nhiều triển lãm tranh. Tranh của ông cũng được rất nhiều người yêu thích và bán rất chạy.
Cái sân có bể nước chung, có chuồng gà, chuồng heo...
Họa sĩ tranh cát Trí Đức kể ngày xưa Đoàn múa rối trung ương (sau này là Nhà hát Múa rối Việt Nam) được phân công ra khúc vùng ven Hà Nội chỗ Ngã Tư Sở - Khâm Thiên. Đó là nơi ngày xưa hát cô đầu nổi tiếng. Khi đoàn tiếp quản thì phân ra làm các phòng chức năng, phòng tập, biểu diễn và phòng ở tập thể cho các gia đình nghệ sĩ trong đoàn.
Trí Đức nhớ cả khu tập thể chỉ có một bể nước chung. Mọi người ra đó vo gạo, nhặt rau, giặt đồ... Và đó cũng là nơi "lan truyền" mọi tin tức từ lớn tới bé. Ai muốn "tám" cứ tìm tới bể nước chung.
Để tăng gia sản xuất, trong khu còn có chuồng nuôi heo. Đó là cái chuồng mà bọn trẻ con rất sợ vì mỗi lần phá phách bị ba mẹ phạt đứng ở chuồng heo có mấy con heo đen trụi lủi trông rất ớn. Chưa hết, mỗi nhà còn có chuồng nuôi gà để cải thiện.
Bọn trẻ con trong khu đó loanh quanh chơi với lá chuối, nặn đất sét con này con kia như là sự bắt chước rất tự nhiên của tạo hình nhân vật rối. Chơi chán chúng lại chạy đuổi gà, đuổi vịt. Trí Đức có người bạn thân hiện là (đang định cư tại Mỹ). Hồ Lệ Thu là con của nghệ sĩ Tào Thành trong đoàn rối.
Ngoài Hồ Lệ Thu, ông Thành còn có người con khác là đạo diễn Hồ Vân. Trong khu tập thể của đoàn rối ngày đó còn gia đình nghệ sĩ Hoàng Luân với ba người con hiện nay đều rất giỏi. Là NSND Nguyễn Tiến Dũng hiện là giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, tiến sĩ bộ môn Chăm học Nguyễn Tiến Đông và một người con tên Phú là doanh nhân thành đạt tại Mỹ.
Trong ký ức của Trí Đức, những buổi tập của đoàn rối rất vui. Bọn trẻ con hào hứng, loi nhoi phát mệt nhưng người lớn cũng không rầy. Bởi đó cũng là những khán giả đầu tiên để các nghệ sĩ "đo" phản ứng điều chỉnh vở diễn cho hợp lý.
Sống trong không khí của "rối" nên bọn trẻ con rành rẽ hết tất cả các khâu từ thiết kế, tạo hình, biểu diễn, xử lý, kỹ thuật.
Thậm chí biết cả những rủi ro trong quá trình biểu diễn, chuẩn bị vở diễn. Vì các công cụ ngày ấy rất thô sơ nên từng có nghệ sĩ tạo hình bị cưa mất ngón tay khi dùng máy gọt đẽo các nhân vật. Rồi có bác bị phỏng cánh tay khi bị điện hút vào trong lúc đang điều chỉnh kỹ thuật.
Tất cả những điều đó vẫn không ngăn tình yêu với nghệ thuật múa rối lớn dần trong những đứa bé sống ở môi trường thấm đẫm tình yêu nghệ thuật.
Và những đứa trẻ lớn lên từ sân đoàn văn công cứ thế nối tiếp ngọn lửa nghề của cha mẹ, một tình yêu thuần khiết và hết sức tự nhiên...
Họa sĩ tranh cát Trí Đức khi vào Nam từ rất sớm đã tập tành và biểu diễn múa rối tại Nhà Thiếu nhi thành phố. Sau đó, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, từng công tác thời gian dài ở Nhà xuất bản Trẻ, nhưng vẫn miệt mài với xưởng rối Baby mà anh thành lập.
Rồi vẫn tiếp tục là đạo diễn - tạo hình rối trong nhiều vở múa rối cộng tác với Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, các chương trình Duyên dáng Việt Nam, đặc biệt tự mày mò và trở thành một trong những cái tên nổi bật biểu diễn tranh cát trong các show diễn lớn.
Chính tài năng đó mà ê kíp dựng vở kịch Âm binh của nghệ sĩ Hoàng Yến đã mời Trí Đức tham gia vở diễn Âm binh dự Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc năm 2012.
Anh đảm trách thể hiện tranh cát để diễn tả sự biến chuyển không gian, thời gian vở diễn trong suốt hơn hai tiếng. Và lần đầu tiên, một vai diễn không nói tiếng nào trên sân khấu của Trí Đức đã "phá lệ" đoạt huy chương vàng cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận