* Mời giao lưu với các nhà khoa học tham dự “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9
Phóng to |
Cô học sinh Nguyễn Hữu Bảo Trân (lớp 11 chuyên lý Trường THPT Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) trò chuyện với nhà vật lý Nobel - giáo sư David Jonathan Gross tại Đại học Khoa học tự nhiên sáng 10-8 - Ảnh: Như Hùng |
Hội trường 1 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM sáng 10-8 và hội trường B4 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chiều cùng ngày đều chật cứng sinh viên, học sinh, giảng viên. Những hàng ghế dài được xếp vào giữa lối đi. Cùng với nhiệt độ bên ngoài giảm và máy lạnh trong hội trường thổi lạnh ngắt, nhiều học sinh mỏng manh áo vẫn chăm chú ngồi nghe các bài giảng của giáo sư và tỏ ra vô cùng hứng thú. Có được điều đó vì những câu chuyện tưởng như cao siêu, khó hiểu về vật lý hạt, tương tác giữa các phân tử, những ứng dụng của nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học vật lý ứng dụng thông qua bài nói chuyện của hai giáo sư đoạt giải Nobel vật lý là David Gross và Sheldon Lee Glashow bỗng trở nên hấp dẫn ngay cả với những học sinh, sinh viên, giảng viên “ngoại đạo”.
“Ngoại đạo” cũng mê!
“Chưa hiểu hết, nhưng em sẽ tự tìm hiểu thêm!” Buổi nói chuyện của giáo sư David Gross và Sheldon Lee Glashow không chỉ thu hút giới sinh viên, giảng viên, các nhà khoa học mà “hút” cả với những học sinh vừa tốt nghiệp THCS. Em Vương Thái Ân, vừa tốt nghiệp THCS tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) và đậu vào lớp 10 Trường THPT Năng khiếu, cho biết: “Điều em tâm đắc nhất là về lịch sử Big Bang, vụ nổ vũ trụ cách đây 13,7 triệu năm và đặc biệt là phần áp dụng vật lý lượng tử vào sinh học”. Cũng như nhiều học sinh thuộc Trường THPT Gia Định có mặt tại buổi giao lưu, em Trần Ngọc Phương Thảo - lớp 11 lý Trường THPT Năng khiếu - bày tỏ: “Thật sự em chưa hiểu hết, nhưng các câu hỏi mà thầy đặt ra khiến em muốn tìm hiểu và chắc chắn em sẽ tự tìm hiểu thêm”. |
Giáo sư David Gross, giải Nobel vật lý năm 2004, trong bài phát biểu “Tương lai ngành vật lý, những gì chúng ta chưa biết” đã chọn cách đi từ những sự kiện thực tế như nói về vụ nổ Big Bang cách đây khoảng 13,7 tỉ năm và những ứng dụng của hạt cơ bản lên đời sống hiện đại bây giờ như việc phát hiện tia X để có thể ứng dụng trong ngành kỹ thuật số: chụp hình, quay phim, điện thoại... Tiến sĩ Nguyễn Du Sanh, trưởng khoa sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, nhận xét: “Nhiều người cứ nghĩ các giáo sư đoạt giải Nobel sẽ nói những điều khó hiểu, nhưng bài thuyết trình của GS David hôm nay sẽ làm thay đổi suy nghĩ đó. Ông đưa ra phương pháp tiếp cận mà người bình thường cũng hiểu được và thấy thú vị với những gì ông đưa ra”.
Cũng là một người “chuyên sinh”, GS.TS Trần Linh Thước, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hồ hởi nói: “Giáo sư đã truyền đạt được một câu chuyện khó đến với mọi người. Như chuyện ông dùng vật lý để hiểu sinh học vậy”. Bài nói chuyện còn hấp dẫn được cả những sinh viên khối ngành khác. Một sinh viên năm 2 thuộc lĩnh vực kinh tế đang du học tại Anh tỏ ra hứng khởi: “Nghiên cứu của giáo sư về lĩnh vực mà ông được giải Nobel (nghiên cứu về lĩnh vực chân không) cũng được ông dẫn dụ rất thú vị. Bài thuyết giảng của giáo sư đã gắn nối các liên kết trong khoa học, tôi tuy không chuyên nhưng vẫn hiểu sơ qua được. Tôi học cấp 3 ở nước ngoài (ở Anh) nhưng nghe giáo sư nói chuyện tôi vẫn thấy hấp dẫn”.
Sinh năm 1932 và đoạt giải Nobel vật lý năm 1979 - cách đây gần 35 năm, nhưng bài nói chuyện của giáo sư Sheldon Lee Glashow tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng rất “gần” với thế hệ 9X hiện nay. Thái Quang Thịnh, sinh viên năm 4 ngành hàng không khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Tôi đến để được nhìn tận mắt một giáo sư đoạt giải Nobel ở ngoài đời thực. Và tôi bị thuyết phục bởi bề ngoài giản dị và cách trò chuyện các vấn đề khoa học rất dễ hiểu”.
Phóng to |
Giáo sư Sheldon Lee Glashow nói chuyện tại ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC |
Vững tin vào con đường nghiên cứu khoa học
Kể về con đường để đến ngày nhận giải Nobel, giáo sư David Gross cho biết có những lúc ông cũng hụt hẫng, cũng nản khi ngay cả thầy giáo của mình cũng không hiểu được những “phát kiến” của mình và cho đó là sai. Giáo sư David Gross cũng có lúc hơi mất tinh thần nhưng rồi với lòng kiên trì và tin vào lý thuyết của mình, 20 năm sau những nhà khoa học khác đã chứng minh lý thuyết ông đưa ra là đúng. Vì thế giáo sư David Gross khuyên các bạn trẻ VN nghiên cứu khoa học cứ quan sát cuộc sống và đừng nản chí trong khoa học. Con đường không dễ đi đó của giáo sư David Gross như tiếp thêm niềm tin cho nhiều học sinh trẻ yêu khoa học hiện nay. Học sinh Vương Thái Ân nói như khẳng định: “Em muốn nghiên cứu về vật lý cơ bản. Giáo sư đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều”.
Ở một hướng nghiên cứu khác, nghiên cứu vật lý ứng dụng, giáo sư Sheldon Lee Glashow cũng truyền cảm hứng cho những sinh viên, học sinh đang theo lĩnh vực khoa học ứng dụng. Giáo sư Sheldon Lee Glashow cho biết khi mới ra trường ông được đề nghị rất nhiều công việc, trong đó có những việc rất nhiều tiền như nghiên cứu các đầu đạn của tên lửa phục vụ cho chiến tranh, nhưng là người yêu hòa bình ông đã không đi theo hướng này. Sau này khi cộng tác với bộ quốc phòng, riêng ông không chọn nghiên cứu “những vấn đề bảo mật” và rồi ông đã từ chối khi “người ta đưa đề tài thì nói đề tài không bảo mật, nhưng khi nghiên cứu lại nói tối mật”. “Tôi nể phục giáo sư vì đó là một nhà khoa học chân chính. Bản thân tôi qua buổi nói chuyện đã vững tin hơn con đường đi theo khoa học ứng dụng. Có thể khoa học ứng dụng không dễ dàng và không phải là ngành kiếm được nhiều tiền như những ngành khác, nhưng tôi muốn đóng góp một chút gì đó cho quê hương đất nước” - sinh viên Huỳnh Nguyễn Anh Tuấn, khoa khoa học ứng dụng ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ.
Giao lưu trực tuyến: Nuôi dưỡng tình yêu khoa học Trong khuôn khổ hội nghị “Gặp gỡ VN” lần thứ 9, báo Tuổi Trẻ và Hội khoa học Gặp gỡ VN sẽ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các nhà khoa học quốc tế về chủ đề “Nuôi dưỡng tình yêu khoa học” lúc 17g30 thứ ba (ngày 13-8-2013) tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE (Quy Nhơn, Bình Định). Dự kiến chương trình có sự tham gia của nhà bác học người Mỹ Sheldon Lee Glashow (Nobel vật lý năm 1979), George Fitzgerald Smoot (Nobel vật lý 2006), giáo sư Rolf Heuer - tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), giáo sư Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ), giáo sư Phạm Quang Hưng và tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền (Cơ quan Hàng không - vũ trụ Hoa Kỳ - NASA). Ngay bây giờ bạn đọc có thể gửi câu hỏi giao lưu với các nhà khoa học trên website tuoitre.vn về địa chỉ [email protected]. H.NHUNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận