Và chủ của nó, chúng tôi hay gọi là "bố của Nim", từ một cậu ấm khi ở nhà, giờ lúc nào trong túi cũng có găng tay để sẵn sàng... dọn chất thải của Nim.
"Bố của Nim" rất yêu "con" và xem việc dọn dẹp những gì Nim gây ra là trách nhiệm của mình vì tôn trọng người xung quanh, tôn trọng cộng đồng.
Ở đô thị và cả tại nông thôn, khi quy mô gia đình nhỏ hơn, con người bận rộn hơn, ai cũng cần một "điểm tựa tinh thần", và điểm tựa đó nhiều khi là thú cưng và họ đối xử như những người thân yêu.
Có gia đình từng đưa mèo đi bác sĩ thú y hết vài chục triệu đồng. Có nhà tốn hơn 20 triệu đồng khi đưa thú cưng đi đẻ... Chủ chó lo lắng khi chó đẻ không khác gì khi nhà có người sắp lâm bồn...
Nhưng không phải ai cũng như "bố của Nim". Nhiều người hết mình vì thú cưng nhưng lại chưa "nâng cấp" được trách nhiệm của mình về thú cưng với chính mình và với cả cộng đồng. Thế mới xảy ra những chuyện đau lòng, thậm chí là cả mất mát mạng sống cho chính gia chủ.
Chúng ta từng chứng kiến những vụ tai họa từ trên trời rơi xuống như vụ cô giáo ở Phú Thọ đã bị ngã xe, chấn thương đầu rất nặng khi con chó trong ngõ chạy ra đường va vào xe cô giáo đang đi.
Nuôi thú cưng, chủ yếu là chó và mèo, tăng lên mang theo hai tầng ý nghĩa, cả lợi và hại. Một mặt đây là nhu cầu có thực, là thú vui thậm chí là đam mê của nhiều người. Mặt khác, nếu người nuôi thiếu trách nhiệm, không tuân thủ luật pháp, nó mang lại phiền toái, thậm chí là nguồn nguy hiểm cho cộng đồng.
Tiếc rằng dư luận nói nhiều, những vụ tai nạn vì thú cưng cũng được biết đến rất nhiều, nhưng thói quen có trách nhiệm với thú cưng, với cộng đồng vẫn là chuyện của ai ai chứ không phải của người nuôi thú cưng.
Nếu so với thời xa xưa, chẳng hạn như "thời Lão Hạc", tình thương và sự gắn bó của chủ với vật nuôi ngày nay không có gì thay đổi, thậm chí còn được nâng cấp lên "thú cưng".
Nhưng trách nhiệm với thú cưng, với cộng đồng của chủ chó đã khác rất xa, nhất là khi chúng ta đã biết chăm chút, thậm chí "đầu tư" lớn cho thú cưng, và đặc biệt là các quy định của xã hội để tránh thú cưng gây hại người xung quanh đã chặt chẽ hơn, cao hơn.
Và đấy chính là cái mà mọi người nuôi thú cưng phải thay đổi, phải điều chỉnh. Chính sự thay đổi, điều chỉnh ấy thể hiện đó là người tuân thủ luật pháp, có nếp sống văn minh, đặc biệt là văn minh đô thị. Thiếu đi vế này, những đầu tư lớn cho thú cưng của chủ nuôi, không khéo, mới chỉ dừng như thời của Lão Hạc.
Thời của Lão Hạc, xã hội còn thiếu thốn đủ điều, luật pháp còn sơ khai; khác với ngày nay, chúng ta đã dư dả để chăm thú cưng, chẳng có lý do gì mà không làm tròn trách nhiệm của người chủ với thú nuôi để bảo vệ mình và cộng đồng.
Con số hàng trăm người chết vì chó dại cắn mỗi năm, khoảng 1.000 tỉ đồng tổn phí cho việc tiêm phòng chó dại mỗi năm và những tổn hại về sức khỏe, ngày công lao động khó tính đếm nữa, đã là hồi chuông dài cảnh báo về "vấn nạn chó".
Đây không còn là chuyện ta nói với nhau rồi ngày mai lại quên và lại thả chó không rọ mõm ra đường.
Nuôi chó ngày nay khác lắm rồi, và người nuôi chó cũng cần phải khác, vì an toàn và văn minh của con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận