Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo nhằm thể chế hóa các chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân.
Nhiều người dân bày tỏ ủng hộ có quy định này, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng cần thể chế thành luật, nghị định, thông tư.
Hôm qua (chiều 4-4), đội bắt chó thả rông của phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) ra quân trên nhiều tuyến đường.
Nhiều người liền chạy đến can ngăn, ôm chó chạy vào nhà để né tránh, có chủ bật khóc nức nở vì sợ "cún yêu" không quay về.
Nhưng nhìn hình ảnh chủ (của các con chó thả rông bị bắt) khóc sự phản đối, thậm chí giận nhiều hơn là đồng cảm.
Rõ ràng, việc thả rông chó, mèo hay tự do đưa chó, mèo đến nơi công cộng mà không rọ mõm, đeo xích đang làm sự thiện cảm với các vật nuôi này trong nhiều người giảm dần.
Thay vào đó, nỗi sợ, ghét bỏ lại tăng lên khi thông tin về chó, mèo cắn người trên địa bàn TP ngày một nhiều lên. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm ở nơi công cộng dẫn đến việc người bị chó cắn thường xuyên xảy ra, nguy cơ bị chó dại cắn cũng tăng lên.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong năm 2024, mỗi tháng TP.HCM ghi nhận khoảng 10.000 người đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại do bị súc vật cắn (9.222 người trong tháng 1 và 10.330 người trong tháng 2).
Trong đó chó gây thương tích cho người chiếm 74,8%, tiếp đến là mèo 20,5%. Có đến 60% người bị thương ở mức độ 3 (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).
Đọc những con số này ai không sợ, không ám ảnh, không dần mất thiện cảm, thậm chí ghét bỏ những vật nuôi vốn có hình ảnh thân thiện, đáng yêu trong mắt nhiều người.
Dư luận vẫn chưa quên vụ việc chủ của một con chó ở một chung cư tại quận 7 đánh người vào tháng 2-2023.
Thời điểm đó, người cha dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư, nhưng một con chó không được rọ mõm liên tục tiến gần tới chỗ con trai, người cha phải dùng chân đẩy con chó ra.
Vậy mà người cha bị đấm mạnh vào mặt, ngã xuống nền nhà, vỡ mắt kính đâm vào mắt gây chảy máu, vỡ mảnh răng cửa hàm dưới trái, ngực trái có vết sưng. Vì tình yêu thương một con vật, người chủ có thể đánh đập một con người. Rồi cũng vì yêu thương, bảo vệ con mình, người cha bị một người chủ nuôi chó đánh đập.
Mọi điều vô lý nhưng thực tế tồn tại, bởi hai luồng quan điểm giữa yêu thương vật nuôi (chó, mèo) và sợ vật nuôi gây hại cho mình tồn tại song song.
Cả hai bên đều có lý lẽ và khi mỗi bên cực đoan bảo vệ lý lẽ đó sẽ xảy ra mâu thuẫn, thậm chí xung đột lớn.
Nói như vậy để thấy quyền yêu thương, chăm sóc chó mèo được tôn trọng. Nhưng không lẽ những yêu cầu cơ bản "3 không" khi nuôi chó mèo là không để cắn người, không vệ sinh bậy và không gây tiếng ồn khó làm đến vậy.
Việc thả rông, không rọ mõm, xiềng xích chó, mèo là do ý thức tôn trọng cộng đồng kém, tốn tiền của hay do thách thức pháp luật, coi thường sức khỏe và tính mạng người khác?
Muốn trả lời và nhận thức điều này thì hãy đặt mình vào hoàn cảnh người thân của những người bị chó, mèo cắn hay người cha bảo vệ con ở trên để suy xét.
Đừng để tình yêu thương, lòng nhân vốn có của nhiều người dành cho chó, mèo trở thành nỗi sợ hãi, sự ghét bỏ, thậm chí đòi hỏi những biện pháp tiêu diệt mạnh tay hơn để xử lý chó, mèo thả rông.
Chủ chó, mèo có thể bị xử lý hình sự
Về luật, trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như: rọ mõm, có xích dắt, tiêm phòng dại... để chó cắn người gây thương tích hoặc làm chết người thì phải bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người” mức phạt là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận