Sau mỗi buổi học ở lớp, Gia Nghĩa được “thầy giáo” Hoàng kèm cặp thêm tại đồn - Ảnh: QUỐC NAM
Gia Nghĩa là con một gia đình nghèo ở gần nơi đồn đóng quân. Nhưng hơn một tháng qua, Gia Nghĩa đã được nhận về nuôi luôn trong đồn và được cán bộ chiến sĩ ở đây coi như đứa con chung của đồn.
"Các chú bộ đội lo cho cháu hết rồi"
Lúc chúng tôi đến thì Gia Nghĩa vừa đi học về. Đặt chiếc cặp sách xuống là Nghĩa lao ngay vào túi quần áo vừa được thiếu tá Nhân đưa về và cười tít mắt.
Đây là lần đầu tiên Nghĩa có nhiều quần áo đến thế. Nghĩa đưa từng chiếc áo lên ướm thử với sự háo hức đến lạ lùng.
"Áo tuy là đồ cũ nhưng với cháu thì như ri là mới rồi" - Nghĩa quay qua phía thiếu tá Nhân gật gật đầu như muốn cảm ơn.
Thiếu tá Nhân kể câu chuyện về Nghĩa bằng giọng trầm buồn. Mấy tháng trước khi về khảo sát địa bàn thì tình cờ cán bộ ở đồn nghe kể về trường hợp của Nghĩa.
Nhà Nghĩa ở cách đồn Nhật Lệ chưa đến một cây số nhưng nghèo lắm. Bố Nghĩa bị tật nguyền. Mẹ Nghĩa phải đi lượm ve chai, làm thuê làm mướn khắp nơi nuôi hai chị em Nghĩa. Nhưng Nghĩa lại học giỏi.
Ban đầu cán bộ chiến sĩ trong đồn góp tiền đến trường tặng Nghĩa một số đồ dùng học tập. "Sau về thấy áy náy, cứ như bị ám ảnh, nên anh em trong đồn quyết định xin cấp trên cho đưa Nghĩa về nuôi trong đồn luôn. Chỉ có như thế tương lai của Nghĩa mới hi vọng thay đổi được" - thiếu tá Nhân kể.
Về đồn, ngoài việc được cán bộ chiến sĩ lo "trọn gói" việc ăn uống, quần áo, sách vở, đồ dùng thì đồn còn phân công luôn anh Võ Ngọc Hoàng, chiến sĩ trẻ có trình độ ĐH, chịu trách nhiệm làm "thầy" riêng cho Nghĩa.
Sau mỗi ngày đi học về, Nghĩa soạn những bài khó ra để được "thầy" Hoàng dạy thêm.
Khoe với chúng tôi, Nghĩa nói từ khi về đồn ở với bộ đội em đã được ăn bữa sáng đều đặn trước khi đi học. Trước đó lâu lâu em mới được ăn một bữa xôi vì mẹ không kiếm ra được nhiều tiền. Năm ngoái bố Nghĩa lại bị phát hiện mắc bệnh nan y.
"Giờ cháu không còn phải lo thiếu sách vở, áo quần như trước nữa. Các chú bộ đội đã lo cho cháu hết rồi. Mới ở đây được hơn một tháng mà cháu đã tăng lên được 1,5kg" - Nghĩa khoe.
Ấm áp nghĩa tình quân dân
Đồn biên phòng Lý Hòa (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) là nơi đầu tiên khởi xướng việc nhận nuôi những đứa trẻ nghèo khó ngay trong đồn. Hơn một năm trước, đồn này đã quyết định nhận em Nguyễn Văn Vũ, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch. Hoàn cảnh của Vũ thậm chí còn bi đát hơn.
Vũ sớm mồ côi cha, mẹ tật nguyền không làm được việc gì. Hai mẹ con bấu víu nuôi nhau trong ngôi nhà xiêu vẹo ngay đầu thôn nơi đồn Lý Hòa đóng quân.
Mỗi ngày qua lại, thấy cuộc sống hai mẹ con khổ quá, số tiền trợ cấp khuyết tật ít ỏi không đủ để người mẹ nuôi con mình ăn học mỗi tháng nên đồn quyết định đưa cháu Vũ về đồn nuôi.
Vũ được xếp cho một giường riêng trong khu vực dành cho cán bộ chiến sĩ. Khi mới về Vũ chỉ vừa học xong mầm non, sắp lên lớp 1 nên các chú bộ đội phải vừa làm cha vừa làm mẹ.
Mỗi ngày hai buổi đồn cử chiến sĩ chở Vũ đến lớp cách đó khoảng 2km, rồi lại túc trực đến giờ để đón về. Thời gian đầu chưa quen, đêm nào Vũ cũng khóc, các chú bộ đội phải trở dậy an ủi em.
"Nay Vũ đã cứng cỏi hẳn rồi. Điều anh em chiến sĩ mong mỏi nhất khi đưa Vũ về nuôi trong đồn chính là cái đó" - anh Sỹ Phú, chiến sĩ được giao phụ trách kèm cặp Vũ, nói.
Để Vũ đỡ nhớ nhà, cán bộ trong đồn thi thoảng cuối tuần đưa em về thăm mẹ. Mẹ Vũ cũng nhớ con, nhưng thấy con được các chú bộ đội chăm sóc quá chu đáo cũng yên lòng.
"Nghĩ nghĩa tình quân dân như cá với nước thật ra cũng không phải là điều gì to tát lắm. Chỉ đơn giản là giúp được cho dân những việc cụ thể như thế. Khi đó chính là bộ đội của dân thôi" - thượng tá Dương Anh Dũng, chính trị viên đồn biên phòng Lý Hòa, chia sẻ.
Dạy làm người
Theo "thầy giáo" Võ Ngọc Hoàng, Gia Nghĩa học mạnh về toán, lý. Tuy nhiên, không vì thế mà các chú bộ đội lơ là việc dạy những môn xã hội cho Nghĩa.
Trên giá sách của Nghĩa có một hàng dài những cuốn sách về văn học. Đó là sách mà các cán bộ chiến sĩ đã bỏ công đi mượn về cho Nghĩa đọc.
Mỗi tối sau khi học bài xong, "thầy giáo" Hoàng lại cho Nghĩa viết một bài văn về những suy nghĩ của chính Nghĩa trước những điều em nhìn thấy trong cuộc sống.
"Phải học văn để học làm người" - anh Hoàng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận