Cánh đồng trồng lúa mùa nước nổi kết hợp nuôi cá linh, tôm càng xanh của anh Bùi Trí Nhân
Trước tình trạng mùa nước nổi về miền Tây Nam Bộ đã, đang và có thể sẽ ngày càng thất thường theo hướng thấp dần, nhiều nông dân vùng châu thổ này đã linh hoạt thay đổi để thích ứng, "chứ không lẽ ngồi than thở mãi".
Nuôi cá linh, tôm càng, trồng lúa mùa nổi
Men theo con đường đê nhỏ hẹp, nhão nhoẹt bùn lầy sau trận mưa đêm, trước mắt chúng tôi là ruộng lúa mùa diện tích 11ha của anh Bùi Trí Nhân (TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Trong bình minh rực nắng, lúa vươn dài theo con nước và đã trổ đòng bông lác đác.
Anh Nhân dự định sẽ thu hoạch lúa vào thời điểm Tết Nguyên đán, cùng lúc đó là thu hoạch tôm càng xanh dưới ruộng lúa. Đây chỉ mới là năm đầu tiên anh cải tạo đất trồng hai vụ lúa sang mô hình sinh kế trồng lúa mùa kết hợp nuôi cá linh, tôm càng xanh nhưng bước đầu đã cho kết quả khá "ưng bụng".
Một dịp tình cờ biết chủ trương huyện Hồng Ngự đang triển khai các mô hình sinh kế mùa nước nổi, anh Nhân nhận thấy đất ruộng mình phù hợp và bản thân cũng đang háo hức thay đổi hướng làm ăn nên chuyển đổi đất thuần lúa sang mô hình mới.
Anh cải tạo đất, làm bờ bao vững chắc, rồi đặt mua khoảng 5 triệu con cá linh bột để thả vào. Tiếp đó, anh bơm thêm nước vào, tạo nguồn thức ăn cho cá linh mà không cần phải cung cấp thức ăn.
"Tui thu hoạch đúng vào đầu mùa nước nổi nên bán với giá cao là 130.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí con giống, cỡ 1,5 tấn cá linh cũng cho thu nhập ổn định dù chỉ là nuôi thêm bên cạnh con tôm càng xanh" - anh Nhân chia sẻ.
Sau khi thu hoạch cá linh, anh bón phân hữu cơ và bắt đầu trồng lúa mùa nổi. Hiện ruộng anh đang canh tác 3 giống lúa mùa nước khác nhau để kiểm chứng, chọn giống tốt nhất cho vụ sau. Sau khi sạ lúa một tháng, anh lại bắt đầu thả tôm càng xanh.
Sau 3 lần gạn lọc tôm tốt, anh đã thả vào ruộng lúa 100.000 con trong tổng số 300.000 con tôm định thả nuôi đợt này. Chúng đang phát triển tốt và đạt trọng lượng 80 - 90 con/kg. Anh bấm ngón tay nhẩm tính số tôm này sẽ được xuất bán cùng thời điểm thu hoạch lúa mùa nổi.
"Tôm trong ruộng ăn trứng nước và các loại rong rêu để phát triển, hoàn toàn không tốn chi phí thức ăn, chất lượng thịt lại rất ngon. Ngoài ra, do bơm nước ngoài sông vào ruộng nên lượng cua, cá vào cũng rất nhiều. Hằng ngày tôi thu hoạch gần 100kg cua bán cho thương lái cũng kiếm thêm vài trăm ngàn đồng" - anh Nhân vui vẻ cho biết.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thê (xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự) lại chọn mô hình nhử cá đồng làm sinh kế mới trong mùa nước nổi. Trên diện tích 10ha, ông làm phẳng mặt ruộng, đắp bờ đê vững chắc cùng với hệ thống hào sâu để giữ cá đồng.
Đầu mùa nước nổi về, ông nhử cá đồng ngoài thiên nhiên vào ruộng rồi sau đó canh tác lúa, đồng thời thả thêm 50.000 con cá lăng rất có giá.
"Mình làm lúa, nuôi cá đồng thì phải rành rẽ việc đưa nước cao thấp để tránh tổn hại đôi bên. Lúa được trồng theo hướng hữu cơ, lấy dinh dưỡng từ phân cá và phù sa là chủ yếu nên rất sạch. Cá đồng cũng nương theo gốc lúa, rong tảo mà sinh sống nên thịt cá thơm ngon tự nhiên" - ông Thê chia sẻ.
Năm rồi, lão nông tri điền miệt Hồng Ngự này thu hoạch khoảng 4 tấn cá lăng với giá bán 85.000 đồng/kg, cho lợi nhuận tốt hơn nhiều so với mô hình canh tác thuần hai vụ lúa truyền thống. Ngoài ra, do nhử cá đồng thiên nhiên ngoài sông vào nên cùng lúc ông thu hoạch cá lóc, cá rô phi, cá sặt, cá chốt... với giá bán từ 20.000 - 90.000 đồng/kg.
Lợi nhuận từ tiền bán cá đồng của ông đã hơn 200 triệu đồng, chưa kể tiền bán lúa hữu cơ sạch tại ruộng. "Muốn thực hiện mô hình nhử cá đồng mùa nước nổi cũng không phải dễ. Đất phải rộng, phải hơi lưng trũng và gần đầu ngọn nước để tiện nhử cá vào.
Ngoài ra chi phí đắp bờ, ban phẳng ruộng cũng phải được tính kỹ nếu muốn mần ăn ngon lành lâu dài" - ông Thê dẫn chúng tôi ra bờ ruộng để kể chuyện và chứng kiến tận mắt.
Hằng ngày anh Nhân bắt khoảng 100kg cua, bán kiếm tiền duy trì mô hình làm ăn mới
Cần mềm dẻo với môi trường
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh đang triển khai nhiều mô hình sinh kế mùa nước nổi như nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nuôi cá linh kết hợp lúa mùa, nhử cá đồng mùa nước... Các dự án được triển khai ở hầu hết các huyện đầu nguồn như Hồng Ngự với lợi nhuận mô hình đạt cao hơn từ 5 - 35 triệu đồng/ha so với cách làm trước đó.
Tiến sĩ Dương Văn Ni - chuyên gia môi trường ĐH Cần Thơ - cho biết để thiết kế một mô hình sinh kế bền vững mùa nước nổi cần phải đáp ứng tốt 3 điều kiện. Đầu tiên, người triển khai mô hình phải có lợi nhuận tương xứng với đầu tư.
Tiếp theo có hiệu quả về môi trường, không làm kiệt quệ các nguồn tài nguyên vốn có. Cuối cùng là không tạo ra xung đột trong cộng đồng. "Xung đột cộng đồng xuất hiện nhiều trong thời gian qua, dễ nhìn thấy nhất là người làm vườn và người làm lúa, giữa một bên cần ít nước và một bên cần nhiều nước" - tiến sĩ Ni chia sẻ.
Ngoài ra, để đảm bảo tính ổn định và bền lâu của mô hình thì cần được chính quyền quy hoạch trong định hướng tổng thể nhằm tránh rải rác, manh mún. Đặc biệt, mô hình cần phải mềm dẻo, thích ứng được với thị trường và môi trường.
"Đừng bao giờ nghĩ rằng từ nay về sau hết nước mà phải nghĩ rằng con nước về ngày càng thất thường, cả về số lượng, chất lượng và thời gian. Mô hình cần phải mềm dẻo để nước ít hay nước nhiều cũng không gây thiệt hại quá lớn.
Trồng lúa mùa nổi mà nước không về thì chuột cắn phá hết, nuôi tôm càng xanh nếu nước không lớn thì tôm không lột vỏ, chậm lớn. Còn nuôi sen, trồng ấu thì lại thích hợp con nước không quá lớn" - tiến sĩ Ni nói.
Mục đích của các mô hình sinh kế này là ngoài cải thiện đời sống cho người dân còn giúp đất đai lấy lại phù sa, tránh bạc màu, gầy dựng đa dạng sinh học và điều tiết con nước dễ dàng nhằm tránh ngập lụt hay khô hạn cho vùng hạ nguồn. "Cái cần nhất là phải có kế hoạch đồng bộ, cùng với đó là sự đồng thuận từ cộng đồng để triển khai mô hình sinh kế bền vững" - tiến sĩ Ni cho biết thêm.
Mày mò làm thương hiệu gạo sạch
Gạo sạch từ mô hình nhử cá đồng kết hợp trồng lúa sạch của ông Huỳnh Văn Thê - Ảnh: T.NHƠN
Cả anh Nhân và ông Thê đều mày mò làm thương hiệu lúa sạch. Vừa qua, ngoài lượng lúa tươi bán trực tiếp cho thương lái, ông Thê dành ra 2 tấn xay xát thành gạo rồi bán cho người tiêu dùng với giá 20.000 đồng/kg.
Trong khi đó, anh Nhân cho biết sẽ phối hợp cùng với Phòng kinh tế huyện Hồng Ngự để xây dựng thương hiệu gạo lúa hữu cơ mùa nước nổi. "Biết chặng đường sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tui sẽ kiên trì và hy vọng được người tiêu dùng đón nhận" - anh Nhân lạc quan chia sẻ.
Trồng hẹ nước lời gấp ba trồng lúa
Ngoài Đồng Tháp, bà con nhiều địa phương khác trong vùng ảnh hưởng mùa nước nổi cũng tự thay đổi để thích ứng con nước về ngày càng thất thường, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Ở huyện Đức Huệ, Long An, vợ chồng chị Lê Thị Thủy chuyển đổi ruộng lúa sang trồng hẹ nước (một loại rong lá dẹt) và thu lợi nhuận gấp ba trồng lúa.
"Tôi bán hẹ nước tại ruộng rẻ nhất cũng được 10.000 đồng/kg mà không phải tốn nhiều công chăm sóc, phân bón như trồng lúa. Trong ruộng hẹ, tôi cũng mua mớ cá đồng thả nuôi tự nhiên. Hẹ tàn, nước kiệt thì gom cá bán theo giá cá đồng tự nhiên. Khỏe hơn hẳn làm lúa" - chị Thủy kể và cho biết nhiều người bây giờ rất thích ăn hẹ nước vì ngon ngọt và bổ dưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận