10/04/2017 16:37 GMT+7

​Nuôi cá nơi xả thải không phải là giải pháp căn cơ

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC
LÊ DÂN - CHÍ QUỐC

TTO - Ngày 10-4, bà Lê Kim Ngọc, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang, cho biết sẽ tổ chức nuôi cá điêu hồng trong lồng bè trên sông Hậu, ở khu vực xả thải của nhà máy giấy Lee & Man (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành).

“Dự kiến vào tháng 5 tới sẽ thả cá, nhằm đánh giá nước thải từ nhà máy giấy. Ngành nông nghiệp sẽ đầu tư cho hộ dân con giống, hỗ trợ một phần chi phí, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát quá trình nuôi”, bà Ngọc nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh ý kiến nuôi cá để đánh giá nguồn nước thải có ô nhiễm hay không là thiếu cơ sở khoa học, bà Ngọc cho biết khi triển khai mô hình nuôi cá sẽ phối hợp với viện, trường để đánh giá chất lượng nguồn nước, đồng thời quan trắc định kỳ chất lượng nước. Căn cứ các chỉ tiêu mà mô hình nuôi cá đưa ra và qua kiểm nghiệm dư lượng các chất trong cá sẽ có nhận định cụ thể.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho rằng: "Lấy chuyện cá sống được hay không để làm thước đo chất lượng nước thải thì luật pháp không quy định. Làm gì đi nữa cũng phải tuân thủ pháp luật chứ không thể thay thế bằng cách nuôi cá mà cá sống là coi như chất lượng nước đạt thì không phải. Phải theo quy định pháp luật về các chỉ tiêu, phương pháp giám sát cũng như nước thải ra phải đáp ứng các yêu cầu mà Luật bảo vệ môi trường đã nêu".

Còn luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) khẳng định luật pháp về bảo vệ môi trường không có điều chỉnh việc "nuôi cá để giám sát nước thải" như Hậu Giang sắp làm. "Đây là cách làm trấn an dư luận lúc này thôi", luật sư Đức nói.

“Mục tiêu của mô hình nuôi cá là khu vực đó sẽ nuôi được thủy sản hay không và những chất thải từ nguồn xả thải nhà máy giấy Lee & Man có nhiễm vào cá nuôi không”- bà Ngọc nói. Chỉ việc nuôi cá thì không thể đánh giá toàn bộ các chỉ tiêu xả thải của nhà máy giấy Lee & Man mà chỉ đánh giá được một khía cạnh, chỉ tiêu liên quan đến nuôi thủy sản mà thôi.

Một chuyên gia về nuôi trồng thủy sản tại TP Cần Thơ thì cho rằng vấn đề nằm ở chỗ cơ quan chức năng phải có khảo sát một số chất kim loại nặng sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nguồn lợi thủy sản, chất độc tồn tại trong thịt cá sống ở khu vực sông Hậu và sông rạch lân cận thế nào để có giải pháp phù hợp.

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên