Hoa hậu Hương Giang cùng một chiến sĩ bắt cá ở lòng hồ Trường Sa - Ảnh: Khiết Hưng |
Chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng đi vào lòng hồ vốn là một miệng núi lửa nên chỉ có độ sâu khoảng 6-10m. Chính bởi xung quanh hồ là mép núi lửa mấp mé mặt nước đã tạo ra một tấm chắn sóng rất hữu hiệu khiến cho sóng trong lòng hồ bao giờ cũng nhỏ hơn bên ngoài khoảng hai ba cấp. Không chỉ là nơi thích hợp về độ sâu và ổn định để nuôi cá, lòng hồ cũng là nơi tránh bão lý tưởng cho tàu bè của ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa.
Nhìn từ xa, những lồng cá chỉ là những đám bèo nổi bồng bềnh trên mặt biển. Nhưng khi đến gần, những đám bèo nhỏ trở thành những chiếc phao lớn có đường kính khoảng 8m. Cả lòng hồ rộng hàng trăm hecta nhưng mới có tám lồng nuôi cá làm bằng sắt và cao su do Na Uy sản xuất có sức bền để chống lại điều kiện thời tiết, sóng gió khắc nghiệt đến cấp 9, chưa kể nồng độ muối rất cao. Đội nuôi hải sản có sáu người thay nhau chăm sóc và kiểm tra tình hình lồng cá. Nếu đẹp trời, các chiến sĩ cho cá ăn ngày hai lần, còn nếu thời tiết không thuận lợi thì chỉ cho ăn một lần.
Thuyền cập mạn lồng nuôi, các chiến sĩ bước lên miệng lồng cũng là tấm phao nổi, vịn tay vào vòng tròn phía trên rồi tròng bao cám đã đục sẵn một số lỗ vào một sợi dây trước khi thả xuống nước. Đây là loại thức ăn dành riêng cho cá có đặc điểm chậm tan nhưng phải giữ trong bao tải và cột dây cho bao nổi lềnh bềnh vì lồng làm bằng những tấm lưới chuyên dụng có mắt khá to, nếu không có bao giữ lại thức ăn sẽ bị chìm xuống đáy hồ. Khoảng 1.000 con cá chim trắng lao lên đớp mồi, chúng bơi rất nhanh theo vòng tròn như những tay đua môtô vào khúc quanh. Những con cá chim trắng to gần bằng hai bàn tay quẫy nước tung tóe, da cá loang loáng trên mặt nước như những miếng bạc ánh lên giữa cái nắng chói chang.
Thức ăn vừa đổ xuống thì mặt biển trong xanh vắng lặng bên ngoài lồng nuôi bỗng trở nên sôi động. Những con cá đủ màu sắc và kích cỡ bu đến xung quanh lồng. Trên sát mặt nước kín đặc những đàn cá nhỏ bằng đầu đũa, màu sắc sặc sỡ, áp sát mép lưới tìm kiếm những viên thức ăn trôi ra ngoài lồng. Loài cá này nhiều đến nỗi một anh bộ đội dùng vợt hớt xuống một lần được mấy chục con cho vào xô. “Cá này giống cá cơm ăn khá ngon, chúng tôi thường vớt để phơi khô ăn dần hoặc làm quà tặng khi về đất liền” - một anh bộ đội cho biết. Ở tầng nước bên dưới, những con cá hồng, cá dĩa... to cỡ ba ngón tay đến cả bàn tay lặng lẽ bơi qua lại kiên nhẫn chờ có phần thưởng là những viên thức ăn chìm dần và trôi ra ngoài lồng.
Theo anh Đậu Bá Quý - người trực tiếp quản lý đội nuôi cá, đây là các lồng cá nuôi thuộc dự án nuôi trồng các loài cá trên vùng biển Trường Sa bắt đầu từ năm 2007 theo công nghệ của Na Uy, hiện vẫn đang trong quá trình nuôi trồng thí điểm. Ban đầu dự án nuôi thử nghiệm cá mú, cá ngựa, cá chim trắng, cá hồng đen, cá chẽm… Nhưng cá mú và cá ngựa không đem lại kết quả như mong muốn vì gần như chết hết do không thích nghi được môi trường biển khơi. Ngược lại, cá hồng đen, cá chẽm và cá chim trắng cho kết quả khả quan, nhất là cá chim trắng có tỉ lệ sống đến 95-98%, ít bệnh nên sản lượng thu hoạch ngày càng tăng.
Có đi mới thấy để phát triển nghề nuôi cá đại dương khó khăn biết nhường nào. Anh Nguyễn Đức Thiện, phó hải đội trưởng quân sự Hải đội 922 (Công ty TNHH MTV hải sản Trường Sa - Quân chủng hải quân), cho hay với điều kiện hiện tại thì chi phí nuôi cá rất cao vì thức ăn, con giống phải đem ra từ đất liền. Điều kiện không thuận lợi nên cá lớn chậm, từ lúc thả (cá dài 12cm) đến lúc đạt 1kg mất một năm và gần hai năm mới đạt trọng lượng 2-3kg.
Hơn nữa, mỗi năm vùng biển này hứng chịu hơn chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới, các tháng cuối năm gió mùa thổi liên tục rất khó đi lại chăm sóc cá dù trong lòng hồ sóng yếu hơn bên ngoài. “Chúng tôi đang tìm loại giống mới để thử nghiệm cho năng suất và sản lượng cao đồng thời giảm giá thành nuôi. Hi vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho quá trình nuôi trồng hải sản trên đại dương của bà con ngư dân trong tương lai” - anh Thiện cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận