Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - cho rằng ngoài vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, vốn, tổ chức... nuôi biển xa bờ cần kiến trúc sư tầm vĩ mô để dàn dựng hệ thống chính sách, biện pháp, giải pháp phát triển chuỗi các ngành công nghiệp phụ trợ.
Nuôi biển xa bờ phải gắn với du lịch, điện gió, dầu khí, vận tải…
Trong đó, có công nghiệp sản xuất thiết bị (lồng, lưới, neo…), giống, sản xuất thức ăn, vận tải (tàu, sà lan), bảo quản, chế biến và xuất khẩu.
Theo ông Dũng, không chỉ giao vùng biển cho doanh nghiệp mà trước hết cần phải có cái nhìn tổng quát, để thấy những mắt xích quan trọng nhất cần phát triển.
"Cụ thể tại Khánh Hòa, tôi nghĩ có thuận lợi rất lớn là có mô hình nuôi biển hiện đại của Australis (Công ty TNHH Thủy sản Việt Nam) ở đây. Chúng ta có mô hình rất tốt như thế thì nhân rộng mô hình này ra. Song phối hợp với các ngành kinh tế khác như du lịch biển, điện gió, dầu khí, vận tải biển, đóng tàu… để có một phối cảnh về ngành kinh tế biển hoàn thiện", ông Dũng nêu giải pháp.
Ông Dũng cho rằng nếu nuôi biển tiến ra xa bờ chắc chắn không thể với thuyền nông hộ. Nuôi biển xa bờ "phải là doanh nghiệp, phải là tập đoàn, phải là liên hiệp các doanh nghiệp đến với nhau".
"Do đó, trước hết tôi đề nghị hỗ trợ những công ty có sẵn như Australis, các công ty khác ở Việt Nam ra làm mô hình xa bờ. Trên nền móng đó mình sẽ rút kinh nghiệm để mà mình biết, có va vấp mới có được những điều chỉnh về chính sách", ông Dũng nói.
Kêu gọi đầu tư nước ngoài
Bên lề hội thảo, ông Rob Garrison - chuyên gia Công ty NewSeas LLC - cho rằng chính quyền phải vào cuộc, cần có chiến lược kêu gọi đầu tư nước ngoài sang Việt Nam để phát triển các mô hình. Bên cạnh đó, phải đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mô hình, đồng thời cho họ được quyền sở hữu mô hình đấy. Ngoài ra, các chính sách và quy định phải rõ ràng, minh bạch.
"Người nuôi biển xa muốn phát triển, nuôi được thành công cần phải quan tâm tới vấn đề về công nghệ, quan tâm đến vấn đề sức tải môi trường của khu vực mình nuôi. Nếu như không quan tâm đến vấn đề đó thì khó mà thành công được", ông Rob Garrison nhận định.
Theo ông Rob Garrison, loài tốt nhất hiện nay là cá chẽm, bởi vì về mặt kỹ thuật hiện nay đã được nuôi nhiều và thị trường xuất khẩu sản phẩm nhiều quốc gia khác nhau đều có thể chấp nhận.
Duy trì tính cạnh tranh trên thị trường thế giới
Bà Gemma Meermans Matainaho - chuyên gia INFOFISH (tổ chức liên chính phủ do FAO thành lập để cung cấp thông tin tiếp thị và dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho các sản phẩm thủy sản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương) - cho biết thực tế hiện nay Việt Nam đã là một trong những nhà xuất khẩu thủy sản lớn của thế giới.
Đặc biệt, sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra và nhiều sản phẩm các loài thủy sản khác được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
"Tôi nghĩ vấn đề đối với Việt Nam hiện nay là làm sao để duy trì được tính cạnh tranh với các doanh nghiệp đối với thị trường thế giới và cần chú ý thêm đến các mặt hàng có giá trị tăng cao", bà Gemma Meermans Matainaho nêu giải pháp.
Trường Sa nên nuôi biển theo phương thức tự nhiên
Bên lề hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - cho rằng Khánh Hòa quản lý quần đảo Trường Sa rất rộng lớn, là tỉnh số 1 của Việt Nam trong phát triển nuôi biển xa bờ.
Đánh giá về ý tưởng sẽ đưa vùng nuôi biển ra Trường Sa, ông Dũng cho rằng các đảo san hô ở Trường Sa có dạng đảo vòng, có những vực nước khác nhau. Riêng đối với Trường Sa là vùng biển rất sâu.
"Do đó, có rất nhiều mô hình nuôi biển khác nhau, nuôi hải sản ngay trên biển theo phương thức tự nhiên như đưa nhuyễn thể, cá biển, tôm hùm vào nuôi tự nhiên. Đây là một phương thức mà con người tác động rất ít, chỉ tạo điều kiện cho sinh vật sinh sống, phát triển trong môi trường tự nhiên của nó", ông Dũng cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận