Nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng nước thải từ các trại tôm ở xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) xả thẳng ra biển gây ảnh hưởng đến môi trường.
Xả thẳng ra biển
Ngày 21-11, chúng tôi có mặt tại bờ biển thôn Nam Cương, xã An Hải và ghi nhận tại đây có cống lớn đang xả nước chảy thẳng ra biển. Dòng nước đen ngòm, chảy mạnh như suối đã xé toạc bờ biển, kéo theo xác tôm chết đã bốc mùi hôi thối.
Ông Hán Văn Lem ở xã An Hải (huyện Ninh Phước) cho biết sự việc đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý gây ảnh hưởng lớn đến môi trường biển.
Theo ông Lem, trước đây nước thải từ các trại tôm được thu gom về ao để lắng lọc rồi mới thải ra biển. Tuy nhiên hiện nay ao này đã xuống cấp, không còn chức năng lưu giữ, nên nước thải chảy trực tiếp ra biển.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ao thu gom nước thải nằm ngay gần đường ven biển tỉnh Ninh Thuận, cách bờ biển khoảng 300m. Tại đây có 3 cống đang mở, trong đó có 2 cống đầu vào đang xả nước sủi bọt và bốc mùi hôi thối. Riêng cống đầu ra đang mở để lượng nước chảy thẳng ra biển.
"Trước đây ao này có trải bạt chống thấm nhưng hiện nay đã không còn. Bao nhiêu tôm chết, ốc chết đều theo đó chảy thẳng ra biển" - ông Lem nói.
Ông Trần Khánh Thành - phó chủ tịch phụ trách UBND xã An Hải - cho biết việc nước thải xả thẳng ra biển cũng đã ảnh hưởng đến môi trường ở địa phương.
"Xã mong các ngành chức năng cấp trên kiểm tra, xử lý. Đây là vấn đề cấp thiết nhằm đảm bảo môi trường biển phục vụ nuôi trồng thủy sản nói riêng và vệ sinh môi trường ở địa phương nói chung", ông Thành cho hay.
Đơn vị quản lý nhưng... không quản lý
Được biết, ao chứa nước thải nói trên do Công ty TNHH một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận quản lý, vận hành.
Ông Phùng Đình Thanh - phó giám đốc công ty - cho rằng ao chứa nước nói trên chỉ là ao chứa nước thải chứ không phải là ao có chức năng xử lý nước thải.
"Nước thải từ các trại tôm thải ra đã được xử lý, sau đó chảy về ao chứa này rồi mới xả ra biển" - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, cách đây 2 năm đơn vị có duy tu sửa chữa các cống bara và thực hiện việc đóng mở các bara này khi lượng nước trong hồ dâng lên đầy. Tuy nhiên sau đó người dân tự do đóng mở chứ đơn vị không thực hiện.
Ao xử lý nước thải do Công ty TNHH một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận quản lý, vận hành. Còn hạ tầng cống thoát nước và thu gom nước thải thuộc quản lý của Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận Nguyễn Kim Long cho biết hiện khu vực sản xuất giống thủy sản có hơn 150 cơ sở đang hoạt động. Tuy nhiên hạ tầng đã được đầu tư khá lâu nên xuống cấp.
"Hiện tỉnh đã có quyết định đầu tư sửa chữa với tổng kinh phí 810 triệu đồng và đơn vị đang đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu để thực hiện. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024" - ông Long cho hay.
Ông Nguyễn Khắc Lâm - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận - cho biết toàn bộ hạ tầng khu nuôi tôm nói trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trước năm 2009. Trong đó có ao xử lý nước thải, gọi là ao T3.
Cũng theo ông Lâm, nước thải từ các trại tôm khi thải ra đã xử lý bước đầu sẽ tiếp tục chảy về ao chứa T3. Tại đây, nước thải tiếp tục được giữ lại để xử lý lắng lọc rồi mới thải ra biển. Tuy nhiên hiện nay công trình đã xuống cấp nên không đảm bảo được mục đích sử dụng ban đầu.
Sẽ nâng cấp, sửa chữa toàn bộ hạ tầng
"Tỉnh đã quy hoạch 1/2000 toàn bộ khu vực nói trên (rộng 186ha) làm khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao và đang kêu gọi đầu tư. Đây là dự án trọng điểm nên sắp đến sẽ được địa phương đưa vào đầu tư công để thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trong đó sẽ có việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa ao T3, tránh tình trạng ảnh hưởng môi trường như hiện nay…" - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Khắc Lâm cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận