Điều này đang gây bức xúc cho người dân sử dụng nước sạch vì phải gánh thêm phí khi chưa nắm rõ các quy định và các mức thu.
Thu vậy có hợp lý không?
Người dân nhiều nơi thuộc các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy (TP Cần Thơ)… cùng chung thắc mắc tại sao phải gánh thêm phí bảo vệ môi trường khi nước thải nơi đây chưa được thu gom xử lý.
Tương tự, nhiều khu vực vùng ven ở TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cũng chưa đầu tư hệ thống cống thu gom nước thải nhưng người dân sử dụng nước sạch sinh hoạt vẫn phải đóng phí môi trường, phí nước thải từ nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Anh (ngụ phường 2, TP Sóc Trăng) nói: "Nhà tui ở khu vực này, nước thải sinh hoạt đều chảy xuống kênh rạch. Khu vực này không có hệ thống cống thu gom và xử lý nước thải. Thu phí môi trường vậy có hợp lý không?".
Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết gần đây hóa đơn tiền nước phát sinh thêm khoản thu cho dịch vụ thoát nước đô thị. "Hỏi nhân viên thu tiền nước, họ bảo không biết. Tui điện công ty hỏi, họ chỉ trả lời ngắn gọn là thu theo quy định", ông Hùng thở dài.
Chưa thể xử lý hết nước thải
Ông Đậu Đức Hiển - tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng - cho biết tỉnh có đầu tư dự án thoát nước và xử lý nước thải kinh phí 16 triệu euro, nhưng hiện chưa có hệ thống cống thu gom nước thải ở một số phường vùng ven.
Ông Trần Văn Nhanh - phó chủ tịch UBND TP Sóc Trăng - cho biết những hộ dân sống ở khu vực nào có đầu tư hệ thống cống thu gom nước thải sẽ nộp phí thoát nước. Khu vực chưa có cống, nộp phí bảo vệ môi trường. "Trường hợp người dân phản ảnh ở khu vực chưa có hệ thống cống thu gom nước thải mà phải nộp phí thoát nước, TP giao cho Phòng quản lý đô thị và phường kiểm tra, khắc phục", ông Nhanh nói.
Ông Đặng Văn Ngọ - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng - cho biết TP có 44.700 hộ sử dụng nước sạch, trong đó xác định có hơn 17.056 hộ thu phí thoát nước và trên 27.000 hộ thu phí bảo vệ môi trường.
"Chúng tôi sẽ thu phí thoát nước bằng 100% trên hóa đơn giá bán 1m³ và 80% đối với hộ sản xuất kinh doanh (do đơn giá nước cao hơn) ở những khu vực có đầu tư cống thu gom nước thải. Những khu vực không có hệ thống cống thu gom nước thải, công ty thu 10% trên hóa đơn giá bán 1m³. Chúng tôi cũng là đơn vị thu hộ, hưởng hoa hồng, còn lại nộp ngân sách", ông Ngọ giải thích.
TP Cần Thơ chỉ có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt công suất 30.000m3/ngày đêm đặt tại quận Cái Răng. Nhà máy này chỉ thu gom xử lý nước thải được 8/11 phường của quận Ninh Kiều, trong đó có 2 phường chỉ thu gom xử lý được một phần là phường Xuân Khánh và An Hòa. Hiện tại công suất xử lý từ 22.000 - 24.000m3/ngày đêm.
Tại phường An Bình, Hưng Lợi và An Khánh, nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp ra sông rạch nhưng phí môi trường thu đều như nhau.
Ông Nguyễn Tùng Nguyên - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ - cho biết phí bảo vệ môi trường thu theo nghị định 53 của Chính phủ và văn bản của UBND TP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Theo đó, các hộ sử dụng nước sạch do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ hay doanh nghiệp, đơn vị khác cung cấp đều chịu khoản phí này. "Sáu tháng đầu năm đã thu được gần 8,8 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường của gần 75.000 khách hàng. Công ty chỉ thu hộ và được giữ lại 10% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được theo quy định, số tiền còn lại nộp vào kho bạc", ông Nguyên nói.
Cần giải thích rõ ràng
Theo ông Trần Khắc Tâm, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng, rất nhiều lần người dân TP Sóc Trăng phàn nàn việc thu phí thoát nước ở những vùng ven, nơi chưa có hệ thống cống thu gom nước thải và xử lý nước thải.
"Mức phí nước thải rất nặng, thu thêm 100% hóa đơn mua nước sạch. Khi thu của chục ngàn hộ thì khoản thu lớn. Thu phí gắn liền với chất lượng dịch vụ, nơi nào có đầu tư xử lý nước thải thì thu đúng, còn không thì chỉ thu phí bảo vệ môi trường. Tôi sẽ kiến nghị kiểm tra và giám sát vấn đề này" - ông Tâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận