Phóng to |
* VN được đánh giá là “quốc gia có tiềm năng tài nguyên nước vào loại trung bình so với khu vực và thế giới”, nhưng liên tục trong những năm gần đây lại luôn đối mặt với nạn khan hiếm nước?
- VN nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa trung bình khoảng 1.690mm, là quốc gia có lượng mưa vào loại lớn trên thế giới nhưng lại phân bố rất không đều theo không gian và thời gian. Nơi nhiều mưa nhất như vùng Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) đạt đến 8.000mm/năm; trong khi nơi ít nhất chỉ có 400mm/năm như ở Phan Rí (Bình Thuận). Ngay trong cùng một lưu vực sông, lượng mưa ở đầu nguồn tới 8.000mm/năm nhưng ở cửa sông chỉ cách đầu nguồn khoảng 30km thì chỉ đạt 2.400mm/năm. Lượng mưa cả năm lại tập trung 70-90% trong 4-5 tháng mùa mưa; còn 7-8 tháng mùa khô chỉ chiếm 10-30%.
Tổng lượng dòng chảy hằng năm của hệ thống sông ngòi ở nước ta vào khoảng 835-850 tỉ m3; nhưng tổng lượng dòng chảy ở các tháng mùa lũ chiếm tới 70-80% cả năm, với khoảng thời gian sáu tháng; trong thời gian còn lại chỉ còn 20-30%. Chính sự phân bố không đều của lượng mưa, của dòng chảy sông ngòi là nguyên nhân chủ yếu gây ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô nhưng lại lũ lụt, ngập úng trong mùa mưa.
* Thưa ông, những năm tiếp theo đây mức độ thiếu nước sẽ ra sao?
- Dự báo dài luôn là bài toán khó. Những năm gần đây chúng ta đang đối mặt với tình trạng biến đổi rất bất thường của khí hậu toàn cầu, thậm chí trái với qui luật thông thường. Ví dụ vùng nhiều nước lại xảy ra hạn hán, còn vùng thiếu nước lại xảy ra lũ lụt...
|
Dự báo đến năm 2010 tổng lượng nước dùng sẽ tăng lên đáng kể trong tất cả các vùng. Tổng lượng nước dùng trong mùa khô cạn có thể đạt tới 90 tỉ m3, chiếm 50% tổng lượng nước có thể cung cấp hay 65% tổng lượng dòng chảy sông suối tương ứng với tần suất khai thác 75%. Trong tất cả các vùng, tỉ số giữa nhu cầu dùng nước với lượng nước có khả năng cung cấp đều lớn hơn 30% (theo chuẩn của UNESCO và Tổ chức Khí tượng thế giới, với tỉ lệ này mức độ thiếu nước được xếp vào mức “sức ép từ trung bình đến cao”). Trong đó, tỉ số thấp nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long: 34,7%; kế đến là vùng Bắc Trung bộ: 46,5%. Còn các vùng khác tương đối lớn, từ 80-97% (khi hệ số khai thác lớn hơn 40% được xếp vào mức “sức ép cao”).
Nói tóm lại, vào khoảng năm 2010, lượng nước cần dùng trong mùa khô cạn có thể chiếm tới trên 50%, có nơi trên 100% tổng nguồn nước có khả năng cung cấp.
* Nhưng nguồn nước ngầm cũng cực kỳ quan trọng...
- Tài nguyên nước dưới đất ở nước ta khá phong phú nhưng lại phân bố không đều trên lãnh thổ cũng như các thành tạo địa chất, và đồng bằng Bắc bộ có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất.
Số liệu gần đây của Bộ Tài nguyên và môi trường cho thấy trữ lượng nước dưới đất toàn lãnh thổ nước ta khoảng 50-60 tỉ m3/năm, khai thác được khoảng 6-7 tỉ m3 mỗi năm. Nhìn chung chất lượng nước dưới đất còn tốt, đảm bảo yêu cầu cấp nước ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều khu vực ven biển nước ngầm thường bị nhiễm mặn. Nhiều vùng đồng bằng Nam bộ và Bắc bộ nước ngầm bị nhiễm phèn và sắt. Còn một số thành phố, trung tâm công nghiệp, nước dưới đất bị nhiễm bẩn, như các khu vực gần Hà Nội, TP.HCM do khai thác quá mức...
Trong tương lai cần có chiến lược sử dụng nước ngầm một cách thích hợp. Phải xác định rất rõ nước ngầm là tài nguyên thiên nhiên quí hiếm và cần phải được giữ gìn cho tương lai. Việc khai thác quá mức nước ngầm làm hạ thấp mực nước, làm suy giảm trữ lượng và có thể làm mất khả năng phục hồi của nước ngầm. Trong một số trường hợp khai thác quá mức đã làm tăng xâm nhập mặn, gây sụt lún đất, hư hại các công trình xây dựng hay làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt. Ô nhiễm tầng nước ngầm rất khó xử lý, rất khó hồi phục.
* Thưa ông, lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn rất quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng hiện nay nhiều nơi lại ô nhiễm đến mức báo động mà vẫn chưa có những giải pháp cụ thể và tích cực để bảo vệ?
- Chính phủ đã phê duyệt thành lập ban quản lý lưu vực sông, nhưng hiện nay chỉ mới dừng lại việc qui hoạch lưu vực. Đây là lưu vực sông rất rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành nên cần có sự kết hợp rất chặt chẽ giữa các địa phương với nhau thì mới hi vọng đạt được kết quả tốt trong việc quản lý tài nguyên nước ở lưu vực này.
Hiện Bộ Tài nguyên và môi trường đang trình Chính phủ một nghị định về quản lý lưu vực sông, sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý tốt hơn lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn, và việc này phải làm từng bước chứ không thê một sớm một chiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận