Vặn mở vòi nước vừa được lắp đặt, ông Ngô Văn Tận (65 tuổi, ngụ ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) "sướng rơn". Từ nay gia đình ông và bà con nơi đây sẽ được dùng nước thoải mái hơn.
Xài nước "thả ga" không còn là ước mơ
Chỉ cách đây chưa đầy một tháng, gia đình 16 người của hộ ông Ngô Văn Tận (65 tuổi, ngụ ấp Lý Thái Bửu) vẫn còn sử dụng chắt chiu từng thùng nước sinh hoạt. Ông Tận kể phải mua nước từ sà lan chở từ Đồng Nai về và sử dụng rất tiết kiệm. Số nước này chỉ dùng để nấu nướng, tắm… còn lại không dám dùng nhiều vì rất tốn kém. Vậy mà giờ đây, ông "hiên ngang" bật vòi nước phun ào ào để tưới cây. Có nước ngọt, ông trồng thêm một vườn rau lớn sau nhà mà không lo thiếu nước tưới.
"Giờ nước mạnh lắm, tui muốn xài giờ nào, lúc nào cũng có. Hồi đó, nước sử dụng khi có khi không. Nói thiệt tình, tui và bà con hàng xóm ở đây mừng lắm", ông Tận nói.
Cách nhà ông Tận không xa, do nằm ở cuối nguồn cung cấp nước, Trường mầm non Lý Nhơn thường xuyên gặp tình trạng thiếu nước sạch để vận hành. Các cô giáo ở đây chia sẻ phải ưu tiên nước sạch để nấu ăn, giặt giũ và vệ sinh cho các em nhỏ. Từ khi có nước nối thẳng vào trường, các cô đã không còn cảnh phải xách từng thùng nước từ các xe cấp nước.
Đã công tác ở trường hơn 9 năm, cô Nguyễn Thị Ngọc Thanh, hiệu trưởng Trường mầm non Lý Nhơn, chia sẻ mỗi tháng trước đây trường sử dụng khoảng 1,4 triệu tiền nước. Những tháng cao điểm phải mua thêm nước bên ngoài khoảng 700.000 đồng cho 10m3 nước.
"Khi có nguồn nước dồi dào đưa về, chúng tôi có thể trồng thêm cây xanh, vườn hoa cho các cháu có thêm không gian xanh trong trường. Nước dùng cũng thoải mái hơn, không phải kiêng khem dè sẻn từng chút", cô Thanh mừng rỡ.
Nỗ lực đưa nước sạch về địa phương
Xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ nằm ở vị trí bao quanh là kênh rạch, sông nước như sông Nhà Bè, sông Đồng Tranh… Các em học sinh ở đây theo quy định phải được học bơi ở trường. Tuy nhiên, nước sạch để sinh hoạt còn thiếu thốn thì để đưa nước vào trường làm hồ bơi là một điều xa vời.
Sáu tháng trước, hồ bơi ở Trường tiểu học Lý Nhơn vẫn để trống sau khi khánh thành vì không đủ nước. Sau khi có nguồn cấp nước từ Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ mang đến, hồ bơi trong trường đã được sử dụng. Giờ đây các em học sinh luôn hào hứng đến trường vào mỗi buổi chiều để học bơi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Hòa Bình, phó chủ tịch UBND xã Lý Nhơn, chia sẻ bản thân là người phụ trách địa phương, ông cũng rất vui mừng khi nước sạch về. Trên địa bàn xã Lý Nhơn, bao đời nay bà con rất khao khát nguồn nước sạch để sinh hoạt thoải mái. Bà con ở đây chủ yếu làm muối, nuôi thủy hải sản nên thu nhập cũng thấp. Trước đây, người dân sử dụng nước mưa hoặc phải tự đi mua nước do các đơn vị cấp nước nhỏ lẻ cung cấp nước với giá khá cao, có khi đến 100.000 đồng 1m3. Nước sạch đã về sau khi hiệp ước của lãnh đạo huyện Cần Giờ và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco được ký. Chính quyền xã và bà con rất vui mừng vì đã thoát cảnh dùng nước với giá cao.
Ông Trần Văn Túc, giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, cho biết trên địa bàn xã Lý Nhơn có trên 1.600 hộ dân sống rải rác và cách xa đường ống dẫn nước chính trên đường Rừng Sác. Ban lãnh đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã chỉ đạo quyết liệt việc đầu tư hơn 23km tuyến ống D280mm từ đường Rừng Sác về đến xã Lý Nhơn và hơn 19km hệ thống các tuyến ống phân phối, với tổng kinh phí đầu tư gần 80 tỉ đồng. Hiện nay, đường ống nước sạch đã bao phủ hơn 90% số lượng các hộ dân trên địa bàn xã. 10% còn lại là các hộ nằm rải rác xa khu dân cư nên trong thời gian tới tổng công ty sẽ lên kế hoạch để phủ mạng lưới cấp nước đến các khu vực này.
Việc đưa nguồn nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn về xã Lý Nhơn sẽ góp phần chỉnh trang, cải thiện mỹ quan địa phương cũng như giúp thu hút nhiều hơn du khách đến đây hơn. Qua đó nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tăng thu nhập cho họ.
Vượt trở ngại hoàn thành chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang là xu hướng chung của tất cả các ngành nghề. Hoàn thành chuyển đổi số giúp hiện đại hóa trong quản lý, vận hành hệ thống, chăm sóc khách hàng… Ngành cấp nước TP.HCM cũng đang trong quá trình hoàn thiện chuyển đổi số theo định hướng chung. Tuy nhiên cũng như các ngành khác, trong quá trình chuyển đổi số sẽ có những trở ngại nhất định. Và ngành cấp nước đã nỗ lực khắc phục để vượt qua vấn đề này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Kim Thạch, trưởng phòng quản lý chất lượng nước Sawaco, nhận định trong quá trình chuyển đổi số sẽ có một số trở ngại lớn như người lao động quen với công việc đang làm nên ngại thay đổi, phải học lại. Mặt khác họ lo sợ chuyển đổi số máy móc thay thế khiến họ mất việc.
Còn bà Phạm Thị Thu Hương, phó chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức, cho biết chuyển đổi số sẽ gây khó khăn cho những cán bộ công nhân viên lớn tuổi. Phía đơn vị vẫn cố gắng thực hiện và vượt qua thử thách này. Hiện tại công ty có 414 người, cán bộ nhân viên lớn tuổi gần 100 người.
"Với những người có tuổi, công việc đã thành thói quen lâu năm, họ ngại thay đổi. Chúng tôi cứ rỉ rả tuyên truyền để anh em hiểu, ngoài ra nhờ người trẻ kèm những người lớn tuổi để họ tiếp cận dễ dàng hơn. Quan trọng là cách mình tiếp cận và xử lý trở ngại như thế nào. Công tác cấp nước đặc thù nên có thể luân chuyển cho cán bộ nhân viên qua công việc khác. Mình phải tạo cho cán bộ nhân viên tâm lý an tâm sẽ được đảm bảo công việc. Về kết quả chuyển đổi số, hiện tại đơn vị rất quan tâm trong chăm sóc khách hàng, quản lý mạng lưới… Chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên áp dụng chữ ký số để người dân đăng ký các thủ tục…", bà Hương chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận