Bạn sẽ phải làm gì khi các phương tiện công cộng quen thuộc nằm ì tại bến? Đương nhiên là phải lấy xe hơi ra mà chạy đi làm, đi công việc hoặc phải cuốc bộ. Thế rồi bạn sẽ làm gì khi lấy xe chạy nhưng tới các trạm xăng thì chỗ đóng chỗ mở và dòng xe chờ dài dằng dặc? Đấy là tình cảnh hiện tại của không ít người Pháp ở các đô thị.
Tê liệt nhiều hoạt động
Nước Pháp mấy ngày qua lại nóng hừng hực, như thể đang tắc nghẽn. Rối loạn cả lên bởi hàng triệu người xuống đường biểu tình chống lại chuyện cải cách về hưu. Các dịch vụ công tư đều tổ chức đình công.
Khổ nhất là phải ra đường đi làm khi không tham gia đội ngũ biểu tình. Tính trong sáng 8-3 đã có đến 1.250km đường bị kẹt xe. Khi nhánh giao thông công cộng không đi làm để phản đối nhà nước, người dân xách xe cá nhân ra đường đông hơn và cũng phải lắc đầu ngán ngẩm khi gặp những kiểu biểu tình chạy chậm của mấy ông xe tải chắn hết lòng đường.
Cuộc tổng đình công diễn ra từ ngày 7-3 trên toàn nước Pháp khiến các hoạt động kinh tế - xã hội hầu như tê liệt, đặc biệt tại các thành phố lớn. Đây là cuộc thứ sáu (tính từ đầu năm đến nay) và là một trong những chiến dịch lớn nhất mà các nghiệp đoàn Pháp huy động trong nhiều thập niên qua nhằm phản đối dự án cải cách hưu trí.
Những người tổ chức biểu tình hy vọng tạo ra một "cơn sóng thần xã hội" nhằm buộc chính phủ phải từ bỏ biện pháp nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi. Chưa bao giờ thấy biểu tình và đình công đồng loạt, bao gồm nhiều ngành nghề, dịch vụ đến thế. Bởi vậy nó đã gây rối loạn cho cuộc sống hằng ngày của không ít người dân.
Công tâm mà nói, hiện tại Pháp cũng đang tụt hậu so với các nước láng giềng và các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu, nơi tuổi nghỉ hưu đã được tăng lên 65 hoặc cao hơn để người dân có đời sống tốt hơn và có quyền đi làm việc khi thấy sức khỏe còn tốt.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Bộ trưởng Lao động Pháp Olivier Dussopt có giải thích rằng với cải cách mới, 1,8 triệu người về hưu có thu nhập thấp sẽ được tăng lương hưu thêm 100 euro (106 USD) mỗi tháng kể từ tháng 9 nếu kế hoạch cải cách được ban hành. Ông khẳng định: "Điều đó sẽ không làm cho họ trở nên giàu có, nhưng đó là một nỗ lực thực sự mà chưa bao giờ nước Pháp thực hiện được mặc dù đã có ý định này từ 20 năm qua".
Chính phủ sẽ không nhượng bộ?
Tuy nhiên phe phản đối coi những thay đổi này là không công bằng, thiệt thòi cho những người lao động có tay nghề thấp vốn bắt đầu làm việc kiếm sống sớm hơn các nhóm dân khác, đồng thời giảm quyền được nghỉ ngơi và nghỉ hưu lâu khi kết thúc cuộc đời làm việc.
Hiện tại, theo kết quả thăm dò, dư luận ủng hộ những người đình công trong việc đòi hoãn tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cũng khá nhiều người không muốn nghỉ việc để tham gia đình công vì không muốn bị trừ lương, nhất là trong bối cảnh lạm phát gia tăng, giá cả phi mã.
Bên cạnh đó, đình công kéo dài cũng không phải là điều dư luận mong muốn vì họ không muốn phải chờ đợi nhiều giờ để đổ xăng, quản lý con cái do trường học vẫn đóng cửa, thủ tục hành chính bị ngưng trệ hay mất hàng giờ trên những trục đường tắc nghẽn giao thông.
Trước mắt có vẻ chính quyền không nhượng bộ. Bằng chứng là giữa những cuộc biểu tình, đình công rối loạn xã hội như thế, Thượng viện Pháp vẫn thông qua điều khoản số 7 mấu chốt trong ngày 8-3 với 201 phiếu thuận và 115 phiếu chống.
Việc bỏ phiếu diễn ra lúc 1h sáng 9-3 sau những tranh cãi bất tận và cuối cùng nhóm Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội Pháp đã dùng đến cơ chế "dừng tranh luận" để tiến hành bỏ phiếu lấn át phe cánh tả vốn quyết liệt chống cải cách. Trong ngày 9-3, Thượng viện Pháp tiếp tục thảo luận về một điều khoản sửa đổi gây tranh cãi. Hạn chót để cơ quan này hoàn thiện dự luật là cuối ngày 12-3.
Trong khi đó ngoài phố, Tổng Liên đoàn lao động quyết định kêu gọi biểu tình và đình công trong ngày 9-3 và một số ngày kế tiếp. Họ đang kêu gọi đối thoại với Tổng thống Macron. Lãnh đạo liên đoàn lên sóng khiêu khích hỏi "Ông Macron, ông nói ông là tổng thống của tất cả người dân Pháp. Vậy mà giờ 91% người lao động Pháp nói không muốn cải cách thì ông đâu rồi". Quả là bài toán khó.
Tăng tuổi hưu để giảm thâm hụt ngân sách
Kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 62 lên 64 là chính sách ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Emmanuel Macron. Ông gọi sự thay đổi trên là "cần thiết" vì theo phân tích và dự báo của các nhà điều tra độc lập, quỹ hưu trí của Pháp trong 25 năm tới sẽ bị thâm hụt và cuộc cải cách lần này, nếu thành công, sẽ tăng thêm được 17,7 tỉ euro để bù đắp phần nào khoản thâm hụt đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận