TTCT - Hôm thứ hai 2-9, khoảng 12 triệu học sinh Pháp trở lại trường trong bối cảnh chính trường nước này vẫn tiếp tục chao đảo. Thủ tướng Attal đến thăm một trường học ở Nice. Ảnh: AFPThủ tướng đã từ chức Gabriel Attal, nhưng do vẫn đang tạm thời xử lý công vụ vì chưa có người thay, đã đến một trường học ở Issy-les-Moulineaux để khai trường và trình bày chiến dịch quốc gia mới về chống bắt nạt ở trường học. Bộ trưởng Giáo dục đã từ chức Nicole Belloubet thì đến một trường học ở Bourg-la-Reine và phát biểu: "Tôi nghĩ chúng ta hiện có một giáo viên đứng trước mỗi lớp", AFP ghi lại trên X. Cả ông thủ tướng lẫn bà bộ trưởng, từ chức mới hôm 16-7, đều ráng đưa ra tuyên bố xoa dịu trong khi chờ đợi được một chính phủ mới thay thế. Đây là chính phủ Pháp thứ 44 của đệ ngũ Cộng hòa, tính từ chính quyền của thủ tướng Michel Debré năm 1959.Phủ nhận thực tạiMột bình luận dưới mẩu X của AFP về tuyên bố của bà bộ trưởng tóm tắt phần nào tâm trạng của dân Pháp: "Phe của Macron luôn phủ nhận thực tại!". "Phủ nhận thực tại" là cụm từ đánh giá chính sách cầm quyền của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron ít nhất cũng thấy từ năm 2020 trên tờ Valeurs Actuelles: "Macron phủ nhận hoàn toàn thực tế".Năm ngoái, sự phủ nhận thực tại này càng lớn sau vụ tổng đình công của các nghiệp đoàn vào tháng 5-2023 phản đối chính sách hưu trí quy tụ khoảng 2,3 triệu người tham gia, theo Tổng liên đoàn CGT (Bộ Nội vụ chỉ đếm được 782.000 người). Vấn đề không phải ở con số mà là tính trầm trọng của tình hình dẫn tới cuộc đình công.Tuần báo Woox của Luxembourg, một công quốc của những người có tiền, nhận xét gay gắt: "Cuộc huy động này, mang tính lịch sử với quy mô trong nhiều thập kỷ, là sự phản đối gay gắt với tổng thống, người đã đơn phương ban hành sắc lệnh chấm dứt trình tự hưu trí hôm 17-4 và tự cho mình "100 ngày" để bắt đầu lại nhiệm kỳ 5 năm và "xoa dịu" mối quan hệ của ông với người dân Pháp". Ông Gabriel Attal, hiện là thủ tướng, cũng bị Woox ghi lại một phát biểu gây bất bình: "Bộ trưởng Ngân sách Gabriel Attal khẳng định rằng những người biểu tình "cơ bản không phải là những người đang làm việc"".Tâm lý "phủ nhận thực tế" nay thể hiện dưới một hình thái khác như qua phán xét sau của tờ Le Monde 27-8: "Sau hai năm bất ổn nhân sự cấp bộ, nền giáo dục quốc gia lại sẵn sàng trải qua một mùa tựu trường rất mông lung".Tính mông lung này là không tránh khỏi trong bối cảnh một chính phủ đã từ chức, một quốc hội bị giải tán, phe đa số tổng thống thất bại tan tác, mà hậu quả là đã đóng băng hầu hết các dự án cải cách của ông Macron, gây ra bất ổn lớn về định hướng chính sách giáo dục của đất nước, tờ Le Monde kết luận.Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nghiêm trọng từ hôm 16-7 sau khi Thủ tướng Attal cùng các bộ trưởng từ chức, nước Pháp đang được quản trị một cách "tạm quyền". Ông chủ điện Elysée vẫn tại vị suốt 7 tuần qua, dù thủ tướng của ông đã từ chức, đến nỗi không ít báo Pháp gọi ông Attal là "hình nhân của Macron".Chưa tái tựu chính trịCho tới đầu tuần này, cùng lúc với các học sinh tựu trường, bộ máy chính quyền Pháp cũng "tái tựu" (cũng dùng từ la rentrée) như mọi năm sau một mùa hè. Song hiện ông Macron vẫn cứ loay hoay tìm người thay ông thủ tướng đã từ chức.Hôm thứ hai 2-9, ông đã gặp ông Bernard Cazeneuve (cựu thủ tướng Đảng Xã hội), ông Xavier Bertrand (chủ tịch vùng Hauts-de-France), thậm chí cả hai cựu tổng thống François Hollande và Nicolas Sarkozy. Vấn đề không phải là những nhân vật này không đủ tầm giữ chức thủ tướng, mà là, nói theo đại biểu quốc hội Éric Coquerel thuộc Đảng Nước Pháp bất khuất, "ít có ai bên cánh tả muốn làm cái nạng của ông Emmanuel Macron".Qua đến thứ ba 3-9, thêm một tên tuổi được đưa ra cho Điện Matignon (dinh thủ tướng): Thierry Beaudet, một nhân vật không được công chúng biết đến, 62 tuổi, hiện là chủ tịch Hội đồng Kinh tế, xã hội và môi trường (CESE), có khuynh hướng khá tả. CESE được xem là Viện thứ ba của Cộng hòa Pháp, sau Hạ viện và Thượng viện, gồm 233 cố vấn, được bầu mỗi 5 năm, chia thành 3 nhóm tư vấn 3 lĩnh vực đời sống kinh tế và đối thoại xã hội (đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp...); gắn kết xã hội (hiệp hội gia đình, đời sống cộng đồng...); bảo vệ thiên nhiên và môi trường.Có lẽ, nếu ông Macron thực sự cần một hình nhân thì ông Beaudet là thích hợp nhất. Theo BFMTV, đây là một người thích thỏa hiệp. Còn tờ L'Opinon (Dư luận) thì nhận định về ông này: "Một thủ tướng không để nắm quyền". Bài báo thẳng tay phê phán: "Với lựa chọn bổ nhiệm Thierry Beaudet vào Điện Matignon, chúng ta sẽ có kết quả hoàn hảo về chuỗi giải tán đáng thương, về hai tháng mà chính phủ chỉ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thời sự, và về hàng loạt cuộc tham vấn toàn diện được thực hiện bởi Điện Elysée. Để hiểu sự lựa chọn của chủ tịch CESE có thể mang lại điều gì cho đất nước, chỉ cần tự hỏi viện này mang lại điều gì về kinh tế, xã hội và công dân? Câu trả lời rất đơn giản: không có gì ngoài những báo cáo dài và nhàm chán và vô số hội nghị". Tức là, ai làm thủ tướng cũng vậy!■ Tags: Học sinh PhápChính phủ PhápChính sách giáo dụcTổng thống Pháp Emmanuel MacronEmmanuel Macron
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.