Tháp nước ở Sài Gòn (ảnh chụp năm 1881) - Ảnh tư liệu
Năm 1871, trong hai phiên họp quan trọng ngày 24-10 và 6-12, Hội đồng thành phố Sài Gòn bàn đến việc xây dựng một tháp nước (château d’eau) cạnh ngôi chợ Cũ ngày nay với kinh phí 50.788 franc, sử dụng nước lấy từ kênh Charner (còn gọi là kênh Lấp).
Dự án cấp nước đầu tiên
Sự hình thành tháp nước cho Sài Gòn đòi hỏi phải giải quyết một số trở ngại, trước hết là vấn đề nước. Nước trên dòng kênh Charner ở sát ngôi chợ nên được sử dụng thường xuyên cho việc rửa sạch chợ, do đó không đạt yêu cầu về mặt vệ sinh, chính quyền Pháp dự trù việc đào các giếng để cấp nước cho tháp nước.
Phải đến năm 1876 mới ra đời dự án cấp nước đầu tiên cho cư dân thành phố Sài Gòn, với nước từ các giếng đào riêng cho công tác này. Việc cung cấp nước ban đầu được thực hiện bởi một giếng thủy tĩnh có đường kính lọt lòng 2,8m và sâu 20m cùng các bể lọc. Giếng lấy nước từ vỉa nước ngầm trải dài dưới lòng đất. Bể lọc tạo thành một phòng chứa khổng lồ bên dưới mặt đất có kích thước dài 120m, rộng 12m, cao 9,5m, vách được xây dựng bằng các cột chống đỡ một mái vòm, những tấm lọc bằng đá khô.
Hai bể chứa nước đã lọc được xây dựng trên một nền đất cao (thay vì 4 bể chứa theo hình chữ thập như thiết kế). Thành bể chứa được xây bằng đá granit (đá hoa cương) rất dày, bề dày phần dưới đáy lên đến 1,5m.
Tháp nước được xây dựng từ năm 1879 và khánh thành vào năm 1881 tại địa điểm nay là hồ Con Rùa.
Các phông-tên nước trên đường phố Sài Gòn năm 1910 - Ảnh tư liệu
"Mari phông-tên"
Từ năm 1881, nước cung cấp cho cư dân Sài Gòn qua vài mươi trụ nước nằm rải rác khắp nơi mà người địa phương gọi là "phông-tên nước" (fontaine). Đến thập niên 1910, sự gia tăng dân số của Sài Gòn cho thấy sự bất cân bằng giữa cung và cầu về nước sạch ở Sài Gòn. Dung tích của tháp nước xây dựng từ cách đó hơn 30 năm không còn đáp ứng đủ nhu cầu của công chúng, dù vào năm 1910 người ta đã sử dụng được bơm nước chạy bằng điện.
Năm 1918, chính quyền Pháp thiết lập một hệ thống cung cấp nước sạch mới bao gồm các nhà máy nước ở Sài Gòn và Chợ Lớn, kết nối với các giếng nước ở Phú Thọ, Gò Vấp và Tân Sơn Nhất. Năm 1921, khi hệ thống cung cấp nước đã khá hoàn chỉnh, họ phá bỏ tháp nước.
Từ đó, trong sinh hoạt hằng ngày, người dân Sài Gòn kéo nhau ra các phông-tên nước nằm trên những con đường lớn xếp hàng hứng nước vào những đôi thùng có dung tích khoảng 20 lít. Nhà nào có người giúp việc, việc gánh đôi thùng nước ra xếp hàng ở phông-tên được dành ưu tiên cho các "con sen" (người giúp việc nữ). Trong lúc chờ đợi đến phiên hứng nước, các cô gái này thường gác chiếc đòn gánh lên hai cái thùng rồi ngồi lên, ư ử ca những bài ca. Họ được các nhà báo viết phóng sự thời đó gọi bằng một cái tên vui là "Mari phông-tên"!
Ngoài ra, nhà nào neo người nhưng không có con sen thì có thể thuê người lấy nước hộ. Từ đấy, đất Sài Gòn phát sinh thêm một nghề mới là "nghề gánh nước mướn", tồn tại đến thập niên 1950 và mai một dần vào các thập niên 1960-1970, khi hệ thống nước máy được phân phối ngày một rộng rãi hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận