TTCT - Hãng Nintendo của Nhật có trò Mario giải cứu công chúa nổi danh toàn cầu, và giờ đây, quê hương của nhà phát hành game này lại phải giải cứu kho tàng băng điện tử sắp gỉ sét và hỏng hóc. Ảnh: NintendoLifeNăm nay là kỷ niệm 40 năm ngày phát hành Nintendo Family Computer (được gọi là Famicom ở Nhật và NES ở Bắc Mỹ), thế hệ thứ 3 của máy chơi game gia đình định dạng 8 bit. Những game dạng này dù đồ họa xưa cũ nhưng nội dung cuốn hút, cho đến nay vẫn còn người thích chơi, nhất là những người thích đắm chìm trong cảm giác hoài cổ.Game được chứa trong hộp (cartridge) và muốn chơi trò nào thì cắm băng có chứa trò đó vào máy, nên ở Việt Nam gọi là điện tử băng. Cách gọi Việt hóa này chủ yếu dựa vào hình dáng bên ngoài của cartridge giống băng cassette, chứ thật ra sau lớp vỏ nhựa đó là bảng mạch, đầu nối và chip ROM, nói chung cả băng lẫn máy đều là đồ điện tử. Cũng chính vì cấu tạo này mà các băng game đầu tiên, ra đời từ thập niên 1980, đang có nguy cơ bị thời gian ăn mòn, làm hư hại. "Không bảo tồn các game này ngay thì sẽ không bao giờ có thể chơi lại được nữa" - Shin Matsuda, một luật sư về bằng sáng chế, nói với tạp chí Nikkei. Trước nguy cơ kho tàng văn hóa đại chúng này có thể mất vĩnh viễn, Thư viện Quốc hội quốc gia Nhật Bản (NDL) đang khẩn trương thu thập, phân loại và số hóa các băng điện tử đã giúp Nhật phổ biến sức mạnh mềm khắp thế giới hàng chục năm qua.NDL trước giờ vẫn cẩn thận bảo tồn sách, tạp chí, đĩa nhựa và các dạng thức thể hiện nghệ thuật khác, nhưng mãi gần đây mới nghĩ đến băng điện tử. Giờ thì thời gian không còn nhiều. Không như sách báo - dù ố vàng theo thời gian nhưng vẫn có thể đọc được - băng điện tử sẽ vô dụng nếu mạch hoặc phần kết nối vào khe cắm trên máy bị hỏng hóc.Băng game Nintendo Famicom đời đầuChiến dịch giải cứu sẽ gồm 2 giai đoạn - thu thập và lưu trữ, sau đó là số hóa, và cả 2 đều có nhiều rào cản, từ pháp lý đến kỹ thuật. Từ năm 1948, NDL đã quy định tất cả các ấn phẩm mới được xuất bản nội địa phải gửi bản sao đến thư viện để lưu trong hệ thống lưu chiểu quốc gia. Quy định này áp dụng cho sách báo, tạp chí, bản ghi âm... nhưng mãi đến năm 2000 mới được cập nhật để các nhà phát hành video game cũng phải "nạp bản" mỗi lần ra sản phẩm mới. Những băng game có trước đó giờ trôi nổi, lưu lạc khắp nơi, và việc thu gom để bảo tồn rõ ràng là một thách thức lớn.Một khó khăn khác: băng đĩa game tuân thủ luật bản quyền khác sách vở, báo chí, người muốn mượn phải trả phí; vì vậy mà các thư viện trước giờ không mặn mà thu thập, nên kho sẵn có chẳng có bao nhiêu. Ngoài ra, có băng thì phải có máy, nhưng máy chơi game lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật lưu chiểu kể trên.Chuyện số hóa thì gặp vấn đề kỹ thuật, cần có thiết bị chuyên dụng để sao chép và chuyển đổi từ định dạng băng sang kỹ thuật số, một rào cản công nghệ phức tạp hơn so với việc sao chép sách và băng đĩa. Hiệp hội Bảo tồn trò chơi Nhật được thành lập cách đây 12 năm, mà mới số hóa khoảng 7.000 trò chơi, bao gồm cả những trò chơi được lưu trữ trên đĩa mềm.Chưa hết, NDL giờ phải tranh giành kho game quý báu đang còn ở ngoài kia với ngoại bang, khi các viện bảo tàng ở châu Âu và Mỹ cũng đã bắt đầu sưu tầm hiện vật trong lĩnh vực video game. Theo Nikkei, du khách nước ngoài đến Nhật đang lùng sục tìm mua các tựa game cũ như Super Mario Brothers và Dragon Quest tại các cửa hàng ở quận Akihabara (Tokyo), thiên đường mua sắm của người hâm mộ manga, anime.Theo khảo sát của Đại học Ritsumeikan năm 2019, NDL gần như là thư viện duy nhất ở Nhật có lượng game kha khá, trong khi "có rất nhiều thư viện giữ hàng trăm tựa game ở Mỹ và châu Âu", theo lời Akito Inoue, một giảng viên của trường. Chẳng hạn, bộ sưu tập của Strong National Museum of Play, bảo tàng chuyên về các trò giải trí ở Rochester, New York, có 6.374 tựa game, trong khi Đại học Leipzig của Đức có 4.392 tựa. Còn tại quê hương của các trò chơi này, NDL mới thu thập được 3.996 tựa game.Bộ sưu tập tất cả các băng Nintendo Famicom từng phát hành của @corner_mask (Nhật)Shunya Yoshimi, người đứng đầu Hiệp hội Lưu trữ kỹ thuật số Nhật Bản, cho rằng các trò chơi điện tử và các hình thức giải trí "cổ xưa" khác nên được ưu tiên bảo quản ở dạng kỹ thuật số, bởi "tích lũy quá khứ nghĩa là tạo nền tảng tạo ra các văn hóa mới". "Nhưng sự thiếu hụt ngân sách và nhận thức thấp đang đóng vai trò là lực cản cho công cuộc này. Số hóa nên được thúc đẩy như một cam kết quốc gia" - ông kêu gọi.Không biết liệu Mario có đến cứu công chúa kịp không, khi mãi đến tháng 6-2022, NDL mới cấp quyền truy cập cho khoảng 2.000 tựa game, nhưng chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu, còn kế hoạch xây bảo tàng để khách thăm chơi game xưa cũ của Nintendo thì tới giờ vẫn chưa xong. Trong khi đó, bảo tàng The Strong, nơi trưng bày nhiều game phổ biến của Nhật như Mario và Pokemon, vừa tăng diện tích sàn thêm 1,3 lần và dự kiến mang lại 130 triệu đô la doanh thu du lịch cho Rochester trong năm nay. Tags: Máy chơi gameNhà phát hành gameĐồ điện tửVăn hóa đại chúngSức mạnh mềmKỹ thuật sốViện bảo tàngSưu tầm hiện vậtNintendoĐiện tửChơi điện tửGameMáy gameNhật BẢn
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối 5-11 (giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu tại hàng loạt bang miền đông Mỹ đã mở cửa để các cử tri bầu người lèo lái nước Mỹ trong 4 năm tới.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Cứu học sinh đang chới với giữa nước lũ, người đàn ông bị lũ cuốn mất tích QUỐC NAM 05/11/2024 Người đàn ông tại Quảng Bình bị lũ cuốn mất tích khi lao xuống nước lũ cứu một học sinh đang chới với.