Một người dân ở tỉnh Nagano được quân đội giải cứu bằng trực thăng sau bão Hagibis - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi vẫn chưa thể biết được số phận của những người trong vùng rốn thiên tai", Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo không giấu được lo ngại trong cuộc họp khẩn ngày 14-10. "Các đội cứu hộ đang làm hết sức có thể cả ngày lẫn đêm để tiếp cận và giải cứu những người bị mắc kẹt", ông Abe khẳng định.
Trong lúc các nỗ lực cứu hộ được tiến hành liên tục, nguy cơ lũ tiếp tục dâng cao và lở đất đe dọa mạng sống của những người mắc kẹt ngày càng hiển hiện khi những trận mưa trút xuống không ngừng.
Điều này khiến công tác cứu hộ giống như một cuộc chạy đua và đấu trí với tử thần. Sau khi đổ bộ vào Toyko tối 12-10, bão Hagibis đã gây ra mưa lớn tại 36 trên tổng số 47 tỉnh của Nhật Bản.
Tại Nagano, một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất, mưa vẫn diễn ra và được dự báo sẽ còn nhiều trận lớn hơn nữa trong 24 giờ tới.
Siêu bão Hagibis tàn phá Nhật Bản - Thực hiện: TTO
"Chúng tôi thực sự lo lắng vì những cơn mưa có thể khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn hơn, thậm chí dập tắt hi vọng của những người sống sót" - ông Hiroki Yamaguchi, một quan chức Nagano, chia sẻ với Hãng thông tấn AFP.
Theo Đài truyền hình NHK của Nhật Bản, tính đến chiều 14-10 đã có 43 người thiệt mạng, 16 người mất tích và hơn 200 người khác bị thương. Hơn 140 con sông ở đông và đông bắc Nhật đã tràn bờ, nhấn chìm các khu vực ven sông.
Tính đến thời điểm hiện tại, bão Hagibis đã khiến khoảng 75.900 hộ gia đình sống trong cảnh tăm tối vì mất điện, 120.000 hộ không có nước sử dụng.
Trước tình trạng ngập lụt diện rộng, chính quyền Nhật đã sử dụng trực thăng trong các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ, đặc biệt ưu tiên các địa điểm bị lũ cô lập như bệnh viện và nhà dưỡng lão.
Khoảng 110.000 sĩ quan cảnh sát, lính cứu hỏa, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang tham gia các chiến dịch tìm kiếm cứu hộ sau bão Hagibis - Ảnh: REUTERS
Mặc dù vậy, một sự cố đáng tiếc đã xảy ra khi cứu hộ bằng trực thăng. Đó là trường hợp của một cụ bà 77 tuổi sống tại tỉnh Fukushima. Các bác sĩ xác nhận bà cụ chết ngay lập tức sau khi té từ trực thăng xuống đất ở độ cao 40m.
Nguyên nhân ban đầu được cho là các nhân viên cứu hộ đã quên cài khóa an toàn cho bà trên trực thăng. Nhà chức trách Nhật sau đó lên tiếng xin lỗi và lấy làm tiếc vì tai nạn.
Tại Tokyo, một vụ chìm tàu chở hàng đã khiến 7 người thiệt mạng. Trong số các thủy thủ phục vụ trên tàu, có hai người Việt Nam. Nhà chức trách Nhật đã cứu được một người là anh Phạm Văn Đức từ ngày 12-10.
Theo TTXVN, anh Đức đã được xuất viện sau 2 ngày điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Kanagawa. Trong số 3 người bị mất tích có thủy thủ Nguyễn Văn Trì. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy được 2 thi thể nhưng chưa thể xác định được danh tính và quốc tịch.
Siêu bão Hagibis với sức gió hơn 220km/h đổ bộ vào Tokyo được xem là một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công Nhật Bản trong vòng 60 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận