29/02/2020 08:57 GMT+7

Nước ngọt… mặn như nước mắt

NGỌC LƯU
NGỌC LƯU

TTO - Người dân miền sông nước Tây Nam Bộ phải đi xa mua nước ngọt với mức giá hoảng hồn, có nơi đến 150.000-200.000 đồng/m3, mức giá cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị.

Hạn mặn tại Nam Bộ đạt đỉnh vào tháng 3, miền Tây thiếu nước trầm trọng

Nước ngọt… mặn như nước mắt - Ảnh 2.

Người dân đi hứng nước ngọt ở Gò Công Đông, Tiền Giang - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đó là chuyện đang xảy ra ở một vùng sông nước mênh mông bao đời nay: Đồng bằng sông Cửu Long.

Bạn ở thành thị, nước máy xả ào ào, đã bao giờ bạn trải qua tình cảnh "quý từng ca nước"? Và bạn sẽ "vô can"?

Khó khăn chất chồng

Mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ đã giảm đáng kể so với những năm trước. Hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt làm khó khăn chồng chất với đời sống người dân. Năm 2020 tình hình diễn ra nghiêm trọng hơn những năm trước nhiều. Hình ảnh từng nhóm người xếp hàng chờ hứng nước ngọt từ một vòi công cộng, hay kiên nhẫn vét nước có màu đùng đục ở các ao, hồ đã không còn quá xa lạ trên các phương tiện truyền thông.

Những con kênh được xây dựng nhằm ngăn nước mặn, dẫn nước ngọt ở tỉnh Bạc Liêu mười mấy năm trước nay cạn khô. Người dân từ hai tuần nay đã không có đủ nước máy để dùng. Người ta phải mất thêm thời gian để lấy nước về cho gia đình mình sử dụng. Khi đi lấy nước ở khu vực ao này, họ thường tắm luôn ở đây, đằng sau các bụi chuối, để tiết kiệm nước, có thể mang về nhiều hơn cho gia đình.

Sống tại một trong những tỉnh đầu nguồn sông Tiền, bà con ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cũng phải xếp từng hàng dài trước vòi nước công cộng hiếm hoi còn có nước. Sau vài tiếng chờ đợi, họ có thể mang được vài can nhựa (loại 30 lít) chất lên xe chở về nhà.

Và tôi thấy "choáng" khi đọc những dòng thông tin về nỗ lực "bình ổn giá nước ngọt" ở Bến Tre, có nơi ở địa phương này đang cố gắng giữ giá nước ngọt ở mức 120.000 đồng/m3. Tiền chi mua nước ngọt tăng cao trong khi sinh kế cũng khó khăn hơn. Lúa, rau chết khô, đồng tiền ngày càng khó kiếm hơn. 

Nước cạn sẽ còn tiếp diễn vài tháng trước mùa mưa, nguồn thu của người đồng bằng sẽ "héo hon" hơn. Chi tiêu thế nào cũng phải tính toán bởi riêng tiền mua nước sinh hoạt thôi đã chiếm phần lớn thu nhập của gia đình. Thiếu nước còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh kế dài lâu chứ không chỉ chuyện hiển hiện trước mắt.

Ai từng thức đêm hứng nước mới thấu...

Nhiều bạn bè tôi ở thành thị vẫn bình thản lướt qua những dòng tin tức về hạn mặn đang làm khổ người dân ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Hầu hết người dân tại các thành phố lớn đều có đủ nước sinh hoạt để dùng, chỉ cần mở vòi là có nước, tiền nước hằng tháng có khi nhiều lắm cũng chỉ đủ cho người dân vùng hạn mặn mua nước ngọt dùng trong một vài ngày. Không thiếu nước cũng không quá khó khăn chi trả tiền nước sinh hoạt, nên vẫn còn ít người nhắc nhau tiết kiệm nguồn nước sạch.

Đành rằng nước cũng như điện, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, nhưng đừng quên đây là nguồn tài nguyên không phải vô hạn. Ai đó vẫn nghĩ thiếu nước ngọt ở miền Tây thì không liên quan gì đến người vùng miền khác... 

Nào phải vậy! Nước sinh hoạt đến từ nước bề mặt gồm ao hồ, sông suối, hồ chứa và nước ngầm. Trong tình hình mưa không đủ, nước phải chứa để làm thủy điện, nước ngầm lại ngày một ít đi và ô nhiễm không ít thì không chỉ riêng các vùng bị ảnh hưởng mà các quốc gia cũng bị liên đới trong tình hình chung.

Câu chuyện đồng bằng khát nước ngọt khiến tôi nhớ đến chuyện người dân thủ đô Hà Nội thức đêm chờ hứng nước sau sự cố nguồn cấp nước cách nay chưa lâu. Người Đà Nẵng cũng từng trải qua tình cảnh này. Sau đó là những ngày tháng dư luận bàn nhiều về nguồn nước và chất lượng nước sinh hoạt đô thị. 

Nước ở đô thị có đủ sạch không? Nếu một ngày nguồn cấp nước từ các sông gặp sự cố gì đó, người đô thị sẽ sống như thế nào?

Cần những kế hoạch quyết liệt về chuyện tiết kiệm nước, tích trữ nước từ nông thôn đến thành thị để chủ động vượt qua khó khăn khi nước sạch đang cạn kiệt dần. Và câu chuyện đồng bằng “khát nước” hôm nay thêm một lời nhắc nhở để cả cộng đồng nhìn lại cách xài nước hằng ngày.

Những ai từng tay xách nách mang dụng cụ đi hứng từng giọt nước có lẽ hiểu hơn cảnh khó khăn của bà con đồng bằng hiện nay. Nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt sẽ không chỉ diễn ra trong quy mô nhỏ với những khủng hoảng vì sự cố nào đó. Diễn biến này trong một tương lai không xa sẽ ảnh hưởng rộng hơn nếu chúng ta không kịp thay đổi suy nghĩ và hành động trước tình hình nước sạch ngày càng thiếu hụt.

Xin đừng nghĩ đảm bảo đủ nước dùng chỉ là chuyện của công ty cấp nước! Nếu nguồn cấp nước từ các sông ít đi hoặc bẩn hơn, hàng chục triệu người đô thị cũng sẽ bị ảnh hưởng, mà trước hết sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua. 

Thiếu nước mặt, người dân quay sang tìm cứu cánh bằng cách tận dụng nước ngầm và sẽ phải đối mặt vấn đề sụt lún, ngập... Nếu người đô thị không tiết kiệm nước từ sinh hoạt hằng ngày từ hôm nay, tức là đang lãng phí nguồn tài nguyên và tương lai con cháu mình sẽ hứng chịu.

Việt Nam nằm trong top 15 nước có trữ lượng nước tự nhiên nhiều nhất thế giới. Song theo thống kê của Hội Tài nguyên nước quốc tế, Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước sạch. Lượng nước sạch bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của thế giới, đến năm 2025 sẽ tiếp tục giảm đi một nửa.

Tôi nghĩ đến tình cảnh con người vục mặt vào vũng nước nhỏ bên đường hay cả xóm xúm quanh một giếng nước nhỏ như ở Ấn Độ, châu Phi... rồi nghĩ về cảnh thiếu nước xứ mình mà rùng mình. Tiết kiệm nước, đừng để đến lúc quá muộn. Thay đổi sớm ngày nào tốt ngày ấy.

Cà Mau: Dừng đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa Cà Mau: Dừng đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa

TTO - Ngày 26-2, tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - thông tin: Ban thường vụ tỉnh ủy Cà Mau không cho đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa.

NGỌC LƯU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên