28/04/2022 08:36 GMT+7

Nước ngầm: nguồn nước ngọt khổng lồ của TP.HCM đối mặt nhiều đe dọa nghiêm trọng

LÊ PHAN - CẨM NƯƠNG
LÊ PHAN - CẨM NƯƠNG

TTO - Nằm trên vị trí địa lý thuận lợi, chằng chịt kênh rạch, sông ngòi nên TP.HCM được ưu đãi một nguồn nước ngọt khổng lồ. Nhưng nguồn nước tại TP.HCM đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Nước ngầm: nguồn nước ngọt khổng lồ của TP.HCM đối mặt nhiều đe dọa nghiêm trọng - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Cần Thạnh (Cần Giờ) đã có nước máy để dùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm "Đảm bảo nguồn cung nước sạch - Hạn chế khai thác nước ngầm" do Tuổi Trẻ và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) tổ chức ngày 27-4.

Giảm dần khai thác nước ngầm

Tiến sĩ Hà Quang Khải, Đại học Bách khoa TP.HCM, có ý kiến về việc gìn giữ nguồn nước ngầm, việc này được chú trọng từ năm 2000 trở lại đây. Nguồn này đóng góp nhiều vào việc cấp nước, ăn uống sinh hoạt của người dân. Thống kê năm 2000 TP khai thác 300.000m3/ngày, đến 2012 tăng lên 700.000m3/ngày. Do khai thác quá nhiều nên đã gây hạ thấp mức nước. Đến năm 2015 mực nước ngầm giảm hẳn và đây cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân gây sụt lún tại nhiều nơi. Vài địa phương lún 4cm/năm, với tốc độ sụt lún như vậy thì ngập ngày càng nặng.

"Tuy nhiên gần đây TP.HCM đã làm tốt trong việc quản lý khai thác nước ngầm. Chúng ta không cấm hẳn mà hạn chế khai thác, nước ngầm coi như nguồn dự trữ, dự phòng các sự cố. Nước ngầm là công cụ tốt trong công tác quản lý để thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Khải phân tích.

Còn ông Huỳnh Thanh Nhã, trưởng phòng tài nguyên nước, khoáng sản và biển đảo, Sở Tài nguyên và môi trường TP, chia sẻ năm 2018 UBND TP chỉ đạo sở xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước ngầm. Sở cũng đã xây dựng lộ trình, tới năm 2025 việc khai thác chỉ còn 100.000m3/ngày. "Cấm khai thác chỉ ở một giai đoạn, còn cấm luôn thì không ổn. Nước ngầm vẫn là cứu cánh cuối cùng của nguồn nước", ông Nhã nói.

Dùng nước giếng không còn an toàn

Nước ngầm tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe. Đó là đánh giá của ông Đào Phú Khánh, phó trưởng khoa sức khỏe y tế trường học Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Qua các đợt kiểm tra nguồn nước, kết quả cho thấy 70% mẫu nước ở nhà dân không đạt yêu cầu (độ pH, amoni, sắt, vi sinh vật gây bệnh).

"Chúng tôi đã cảnh báo người dân việc sử dụng nước không đảm bảo có thể dẫn tới các bệnh cấp tính ví dụ như tiêu chảy, thương hàn. Lâu dài thì gây ra các bệnh ở gan, thận. Tôi ví dụ trong nước ngầm mà lượng sắt nhiều thì gây vàng ố đồ đạc, sắt vào cơ thể tích tụ lâu ngày gây bệnh đường ruột. Amoni - nitrat, nitrit khiến trẻ em bị xanh xao, pH thấp thì gây ngứa da", ông Khánh liệt kê.

Tuy nhiên, nói như ông Khánh, việc vận động người dân ngưng dùng nước giếng là cả một quá trình vì đã ăn vào tư tưởng. Họ thấy bình thường và khó chấp nhận dừng nước giếng để xài nước máy. Tâm lý họ là ông bà xài mấy chục năm thì giờ mình xài nữa không sao. Lỡ có gì thì họ cũng nghĩ do thực phẩm chứ chẳng phải do nước.

Ở góc độ ngành cấp nước, ông Trần Quang Minh, tổng giám đốc Sawaco, chia sẻ đơn vị đã "đau đầu" tìm cách khuyến khích người dân xài nước máy. Hiện nay vẫn còn khoảng 160.000 đồng hồ nước đã lắp cho dân nhưng họ không sử dụng. Với chi phí 3 - 5 triệu đồng/đồng hồ nhưng dân không xài, rất lãng phí. Ngoài ra, các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy vẫn sử dụng nước ngầm với công suất khai thác lớn.

Quyết tâm thay đổi thói quen dùng nước giếng khoan, ông Minh cho biết Sawaco đang triển khai kế hoạch giảm tiền nước để người dân, doanh nghiệp chuyển đổi từ nước giếng sang nước máy. "Chúng tôi cam kết dù tất cả các doanh nghiệp, hộ dân chuyển từ nước giếng sang nước máy thì vẫn đáp ứng được việc cấp nước", ông Minh khẳng định.

Tiến tới có thể uống nước tại vòi

Trả lời câu hỏi đến bao giờ TP.HCM có thể uống nước tại vòi như các nước tiên tiến, ông Trần Kim Thạch, trưởng phòng quản lý chất lượng nước Sawaco, cho biết với quy chuẩn Bộ Y tế thì Sawaco đáp ứng được việc ăn uống trực tiếp nguồn nước đang cấp cho người dân. Nhưng quy chuẩn này áp dụng toàn Việt Nam thì không hợp nên phải xây dựng tiêu chuẩn mới. Và tiêu chuẩn này thì nước máy phát ra từ nhà máy không dùng cho ăn uống trực tiếp. Hiện nay TP cũng xây dựng tiêu chuẩn riêng, TP ban hành thì Sawaco mới có cơ sở áp dụng. Dự kiến tới năm 2025 thí điểm vấn đề này.

Còn ông Bùi Thanh Giang, phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết để áp dụng uống nước tại vòi chi phí đầu tư rất lớn, do đó tạm thời thí điểm ở một số khu dân cư.

Nước không phải vô hạn

Mở đầu câu chuyện, ông Trần Xuân Toàn, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ, nhận định những câu chuyện liên quan tới tài nguyên nước luôn là chủ đề nóng.

"Nhiều người nghĩ rằng nước vô hạn nhưng không phải, quan điểm đó khiến việc khai thác sử dụng nước vượt mức cho phép. Nước chúng ta đang sử dụng hằng ngày lấy từ hai nguồn: nước mặt và nước ngầm. Đối với nước ngầm, từ lâu người dân khai thác nước ngầm để sử dụng, và chính trong quá trình này đã xảy ra nhiều bất cập hệ lụy với tự nhiên. Thực tế nhiều quận huyện ở ngoại thành có hàng trăm ngàn giếng ngầm tại nhà dân, nhiều khu công nghiệp cũng khai thác quá lớn phá vỡ quy hoạch. Và từ đó gây áp lực, cạn kiệt nguồn nước ngầm hiện hữu. Còn nguồn nước mặt từ các con sông thì bắt đầu ô nhiễm. Hành động làm sao để tương lai ổn định nguồn nước phục vụ cho người dân TP thì phải bàn, phải hành động ngay", ông Toàn bày tỏ.

Đồng tình với vấn đề này, ông Cao Huy Thọ, phó giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông Tuổi Trẻ, nêu ý kiến: "Chúng ta quá thuận lợi khi ngồi trên một vùng đất sông ngòi chằng chịt, nước bao la, từ đó có tâm lý lãng phí nước. Tôi có nhiều người bạn ở Úc, Singapore nhưng về Việt Nam thì nói dân mình sướng vì dùng nước thoải mái, còn họ phải xài tiết kiệm từng chút một".

Khai thác nước ngầm quá mức, nguy cơ đe dọa nguồn nước tại TP.HCM Khai thác nước ngầm quá mức, nguy cơ đe dọa nguồn nước tại TP.HCM

TTO - Sáng 27-4, buổi tọa đàm Đảm bảo nguồn cung nước sạch - Hạn chế khai thác nước ngầm do báo Tuổi Trẻ phối hợp Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) tổ chức đã báo động việc khai thác nước ngầm quá mức, nguy cơ đe dọa nguồn nước tại TP.

LÊ PHAN - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên