Tác giả Michael Wolff (trái) trả lời phỏng vấn về cuốn sách gây tranh cãi “Lửa và cuồng nộ” trước đám đông công chúng - Ảnh: AFP
“Cũng giống như nhân vật mình viết, Wolff là một kẻ ngồi lê đôi mách rất có khiếu khai thác thông tin và đánh hơi các điểm yếu
Cây bút David Carr đánh giá tác giả của Lửa và cuồng nộ trên New York Times
Mốt đầu trọc và thích gây chú ý
Ông Wolff, 64 tuổi, với phong cách đầu trọc và kính gọng đen đặc trưng, là nhà bình luận của tờ Vanity Fair và viết bài cho nhiều tờ báo từ Hollywood Reporter cho đến Newsweek, USA Today.
Sinh ra ở New Jersey, học ĐH Columbia ở New York và khởi đầu sự nghiệp với vị trí người photocopy tại báo New York Times.
Sự nghiệp bốn thập kỷ làm báo của Wolff được xây dựng bằng những câu chuyện liên quan đến những người giàu có. Câu chuyện về những nhân vật truyền thông như Andrew Sullivan, Bill O’Reilly và Tim Russert đem về cho ông Giải thưởng tạp chí quốc gia 2002 và 2004.
Năm 2010, ông nhận giải Bình luận hay nhất của Giải Mirror cho bài viết trên Vanity Fair và loạt bài về chiến tranh Iraq.
Không có gì ngạc nhiên khi sách ông viết cũng đi theo chủ đề người nổi tiếng. Ông viết tổng cộng bảy cuốn sách, trong đó đình đám nhất có lẽ là cuốn xuất bản năm 2010 có tên The Man Who Owns the News (tạm dịch "Người sở hữu tin tức") về ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, khiến vị tỉ phú này nổi điên.
Cũng như Lửa và cuồng nộ, cuốn sách vừa dẫn đưa người đọc vào những câu chuyện hậu trường gay cấn về ông Murdoch và bộ sậu của ông ta mà ông Wolff khẳng định là có được nhờ được phép tiếp cận thoải mái vị tỉ phú, những người thân tín và gia đình ông.
Cây bút David Carr đánh giá quyển sách trên New York Times: "Cũng giống như nhân vật mình viết, Wolff là một kẻ ngồi lê đôi mách rất có khiếu khai thác thông tin và đánh hơi các điểm yếu".
Nhiều đồng nghiệp cho rằng Wolff như "con ruồi bu quanh các nhân vật quyền lực". Trong một bài viết năm 2004 trên The New Republic, tác giả Michelle Cottle mô tả Wolff là một người "sẵn sàng nói bất cứ gì về bất cứ ai" với phong cách viết không theo quy tắc nào, "đặt chính ông ta vào giữa câu chuyện".
Theo bà Cottle, ông Wolff "thường đưa trí tưởng tượng vào bài viết thay vì kiến thức thực tế".
"Tiểu thuyết lá cải"
Đối với ông Trump, ông Wolff không khác gì một kẻ dối trá. "Tôi không cho phép tác giả quyển sách vào Nhà Trắng (thực ra đã từ chối vài lần). Tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông ta để ông ta dẫn trong cuốn sách.
Toàn những dối trá, xuyên tạc và những nguồn tin không tồn tại. Nhìn vào quá khứ mà coi chuyện gì đã xảy ra với ông ta" - Tổng thống Trump chỉ trích.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cũng vẽ nên chân dung Wolff là một tay viết bịa chuyện giật gân để bán được sách. Cuốn sách của ông bị mô tả là một "tiểu thuyết lá cải rác rưởi".
Có thể Tổng thống Trump luôn gọi những thông tin mà ông không ưa là "tin giả" nhưng nhiều đồng nghiệp cũng đặt câu hỏi về cách làm việc của ông Wolff. Người dẫn chương trình Jake Tapper của CNN cho rằng ông đã bỏ hết mọi chuẩn mực.
"Cuốn sách đọc hấp dẫn và thú vị nhưng các câu chuyện bên trong được lấy từ ký ức và ý kiến của những người nói chuyện với Wolff hơn là những sự thật không thể tranh cãi.
Việc Melania Trump khóc trong đêm bầu cử hay Ivanka Trump có tham vọng làm tổng thống có lẽ sẽ không bao giờ biết được" - BBC bình luận.
Trong khi đó, Washington Post cho rằng "Wolff có khuynh hướng khuấy động tranh cãi và đẩy vấn đề xa hết mức, và đôi lúc vượt mức có thể chịu đựng".
Cũng có những đồng nghiệp đứng ra bảo vệ ông Wolff. Nói về bữa tối riêng tư giữa cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon và ông trùm truyền thông Roger Ailes tại New York được mô tả chi tiết trong sách, nhà báo Janice Min của Hollywood Reporter khẳng định tất cả đều là sự thật bởi cuộc gặp do chính ông Wolff tổ chức và cô cũng có mặt.
"Từng từ mà tôi đọc trong cuốn sách đều hoàn toàn chính xác" - cô Min chia sẻ trên Twitter.
“Cặp đôi hoàn hảo” Donald Trump - Wolff - Ảnh: Reuters
Cặp đôi hoàn hảo
Trên mạng, ông Wolff cũng có những đối đáp đanh đá không kém nhân vật của mình. Kiên quyết bảo vệ "công trình" của mình, ông Wolff khẳng định ông có mặt tại Nhà Trắng và từng nói chuyện với tổng thống Mỹ. Đáp lại những tranh cãi quanh cuốn sách, ông khẳng định sự
phản ứng gay gắt cuốn sách do ông Trump là một người khác thường và cho rằng nếu ông Trump không phải tổng thống Mỹ, mọi người sẽ đặt câu hỏi "điều gì đang xảy ra, có gì sai hay sao?".
Nhiều ý kiến như nhà bình luận Jim Warren của Poynter cho rằng "Donald Trump và Michael Wolff xứng đáng dành cho nhau" bởi cả hai như anh em sinh đôi tương đồng về cái tôi, trong khi Gabriel Sherman của Vanity Fair nhận xét cả hai có điểm chung là sự hiếu thắng và phá luật.
Trên trang The Atlantic, người quen Cottle cũng đánh giá ông Trump và ông Wolff là một cặp có nhiều điểm chung. Cũng như ông Trump, ông Wolff là một tạo vật đặc thù của New York: ám ảnh với hào nhoáng của Manhattan.
Ông Wolff, giống ông Trump từ lâu, cũng ấn tượng với tiền bạc và quyền lực. Cả hai nổi tiếng khi nổi loạn trong lĩnh vực của mình. "Và dù ai có nói gì về ông ta, dù tốt dù xấu, tất cả chỉ giúp sách bán được nhiều hơn" - bà Cottle viết.
Người Mỹ nghĩ gì về Lửa và cuồng nộ?
Khảo sát của Politico mới đây cho thấy 32% ý kiến cho rằng quyển sách đáng tin, trong khi 25% cho rằng nó không quá hoặc hoàn toàn không đáng tin.
Khoảng 20% chưa từng nghe về quyển sách trong khi 22% còn lại không có ý kiến.
Khi đánh giá theo đảng chính trị, 46% thành viên Dân chủ tin tưởng quyển sách với 15% nghi ngờ, trong khi chưa đến 25% thành viên Cộng hòa đặt niềm tin và 38% tỏ ra hoài nghi, theo Forbes.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận