Nước Mỹ trở lại Đông Nam Á

NHẬT ĐĂNG - ĐỨC ĐÀO 26/08/2021 03:08 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ Mỹ đứng trước thách thức “xoay trục” cụ thể như hiện nay ở châu Á.

Phó tổng thống Harris là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Đông Nam Á cho đến nay và là phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm của bà tập trung vào 3 lĩnh vực chính: an ninh y tế toàn cầu, quan hệ đối tác kinh tế và an ninh chung.


Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) ngày 25-8-2021 tại Hà Nội. -Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 


Trong trao đổi nội bộ trước chuyến đi, một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định: “Trên tất cả, bà Harris đang tới Đông Nam Á, vốn là trái tim, là trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm tiếp tục các cam kết của Mỹ”.

Thật ra, chính bà Harris đã nói điều tương tự ở Singapore, ngay trước khi đến Việt Nam, trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “Trong khu vực này, chúng tôi từ lâu đã đưa ra tầm nhìn về hòa bình và ổn định, tự do trên biển, thương mại không bị cản trở, thúc đẩy nhân quyền, cam kết tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thừa nhận rằng lợi ích chung của chúng tôi không phải là một mất một còn". 

"Giờ đây, khi chúng ta phải đối mặt với các mối đe dọa với trật tự đó, tôi ở đây để tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với tầm nhìn đấy - củng cố nó và đảm bảo giải quyết những thách thức của ngày hôm nay và ngày mai”.

Có phải do đất nước của bà ham “sinh sự” mà cứ can dự vào việc của người khác, của khu vực khác? Bà Harris giải thích: “Thế giới của chúng ta ngày càng kết nối với nhau và phụ thuộc lẫn nhau... Chính vì vậy, các quốc gia phải sẵn lòng cùng nhau đương đầu với những thách thức và cùng nhau tạo ra cơ hội”. 

Bà nhấn mạnh: “Đó là lý do tại sao các mối quan hệ đối tác của chúng tôi ở Singapore, Đông Nam Á và trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một phần của Ấn Độ - Thái Bình Dương. Và khu vực này cực kỳ quan trọng với an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia chúng tôi”.

Trong 5 năm tính đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng tới hơn 175%. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng kim ngạch thương mại Việt - Mỹ năm 2020, vào khoảng 90 tỉ USD, vẫn kém con số tương ứng của Việt - Trung, khoảng 100 tỉ USD.

Từ trước chuyến đi, chính quyền Biden - Harris đã phát đi nhiều tín hiệu thể hiện mong muốn gắn kết với ASEAN. 

Nhà nghiên cứu cấp cao của Hinrich Foundation, ông Stephen Olson, điểm lại các chuyến thăm cấp cao của Mỹ tới khu vực: Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman thăm Indonesia, Thái Lan và Campuchia hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Việt Nam và Philippines trong tháng 7; còn Ngoại trưởng Antony Blinken họp trực tuyến cùng các ngoại trưởng ASEAN đầu tháng 8 vừa rồi.

Tuy nhiên, về chiến lược, nhiệm vụ của bà Harris gặp nhiều thách thức liên quan tới khả năng cam kết lâu dài của Mỹ. Việc chính quyền Afghanistan sụp đổ nhanh chóng ngay trước chuyến thăm cũng gây bất lợi, gây ra hoài nghi cho các đối tác khác của Mỹ.

Nhưng tiến sĩ Sascha-Dominik Dov Bachmann (Đại học Canberra, Úc) nhận định: “Có thể lập luận rằng quyết định rút khỏi Afghanistan của Tổng thống Donald Trump, sau đó được Tổng thống Biden tiếp nối, sẽ tạo ra sự tập trung và nguồn lực cần thiết cho Mỹ trong việc can dự với Trung Quốc và Nga”.

Trong suốt cuộc họp báo chung với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, bà Harris đã vấp phải những câu hỏi hóc búa liên quan tới hoài nghi này. Ông Lý phần nào biện bạch giúp Mỹ khi nói trong cuộc họp báo ngày 23-8: “Các nước có tính toán và điều chỉnh quan điểm theo thời gian..., nhưng còn có các lợi ích dài lâu, với các đối tác lâu dài, và điểm nhấn của một quốc gia thành công là xem trọng lợi ích và đối tác, duy trì nó trong dài hạn. Mỹ đã hiện diện trong khu vực từ thời chiến tranh [thế giới thứ hai]..., tức là hơn 70 năm trước”.

Những phát biểu và hoạt động của bà Harris ở Hà Nội hôm 25-8 có thể xem như sự xác nhận nhận xét của ông Lý Hiển Long. “Chúng ta cần tìm ra cách gây áp lực, gia tăng áp lực... với Bắc Kinh hòng khiến họ tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, và thách thức hành động bắt nạt và các tuyên bố hàng hải thái quá của họ”, Phó tổng thống Mỹ nói. Reuters cũng bình luận “đó là lần thứ hai trong hai ngày bà Harris tấn công Bắc Kinh”.

Ngay khi bà Harris còn ở Singapore, truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng gay gắt về những bình luận của bà, cho rằng Phó tổng thống Mỹ tìm cách gây chia rẽ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á. 

“Trong khi chỉ ngón tay vào Trung Quốc cáo buộc các hành động “cưỡng ép” và “đe dọa”, Harris láu lỉnh phớt lờ sự đạo đức giả của chính bà khi tìm cách cưỡng ép và đe dọa các nước khu vực tham dự vào âm mưu của Washington hòng kiềm chế Trung Quốc”, báo Trung Quốc China Daily viết trong một bài xã luận.

Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Hagerty, cựu đại sứ tại Nhật Bản, cũng cho rằng không nên coi việc bà Harris sẽ thuyết phục được các đối tác Đông Nam Á là chuyện nghiễm nhiên, vì những so sánh giữa Kabul 2021 và Sài Gòn 1975 tràn ngập báo chí Mỹ gần đây, cũng như hoài nghi về việc Mỹ có khẳng định được với những bạn bè cả mới lẫn cũ rằng họ vẫn là “một đối tác mạnh mẽ” ở khu vực hay không.

Nhưng có những ý kiến lạc quan hơn. “Chỉ riêng việc [bà Harris] có mặt ở đó và tham gia vào tiến trình này cũng cho thấy sự tiến bộ ấn tượng trong việc hòa giải Việt - Mỹ”, Gregory Poling, chuyên gia về châu Á ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, nói với Politico. “Sẽ là tốt đẹp nếu họ thể hiện được rằng hồi năm 1975, ai mà tin nổi đây là nơi sẽ đặt trọng tâm quan hệ kinh tế của Mỹ [ở khu vực]?”.■

Ngoài hai chuyến thăm liên tiếp của các lãnh đạo cấp cao, Mỹ cũng đã viện trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine COVID-19 vào lúc cần kíp nhất. Trong chuyến thăm của bà Harris, thêm 1 triệu liều vaccine viện trợ nữa được công bố, kèm theo khoản hỗ trợ tài chính 23 triệu đôla cho các nỗ lực chống dịch ở Việt Nam, theo Reuters.

Trước đó một ngày, hôm 24-8, báo Trung Quốc Global Times long trọng đưa tin: “Hôm thứ hai, một ngày trước chuyến thăm của Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam, một lô vắc xin COVID-19 đã đến nước này trong khuôn khổ viện trợ của quân đội Trung Quốc cho quân đội Việt Nam”. Theo đó, Việt Nam là một trong hơn 20 quốc gia mà Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cung cấp hỗ trợ vaccine trong năm nay.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận