14/06/2021 06:44 GMT+7

Nước Mỹ trở lại, châu Âu hoan hỷ

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Biden tới châu Âu sau khi nhậm chức tổng thống để dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và cuộc họp Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được châu Âu chào đón hoan hỷ.

Nước Mỹ trở lại, châu Âu hoan hỷ - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Macron (trái) gặp Tổng thống Biden bên lề Hội nghị G7 tại Anh ngày 12-6. Ông Macron nói Mỹ đã trở lại như một lãnh đạo sẵn sàng hợp tác của thế giới tự do - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong vai trò chủ nhà của cuộc họp G7 lần này đã ca ngợi ông Biden đã mang lại làn gió mới. Tổng thống Pháp Macron nhận xét: "Thật là tuyệt vời khi có tổng thống Mỹ là một phần của câu lạc bộ, và sẵn lòng hợp tác".

Chủ nghĩa đa phương quay lại

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cũng viết trên Twitter: "Chủ nghĩa đa phương đã quay trở lại ở Hội nghị G7". Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã khen ngợi sự xuất hiện của ông Biden: "Bầu không khí rất hợp tác với lợi ích chung".

Những lời "khen tặng có cánh" này về sự trở lại của nước Mỹ từ các nhà lãnh đạo châu Âu hoàn toàn không có trong thời gian ông Trump làm tổng thống Mỹ.

Trước đó, trong bốn năm dưới thời tổng thống Trump, hội nghị thượng đỉnh G7 có lúc được ví như mô hình G6+1, với Mỹ là một cực đi ngược lại với lợi ích của 6 nền kinh tế còn lại bao gồm: Đức, Canada, Pháp, Anh, Ý và Nhật Bản. 

Nổi bật là các vấn đề thương mại, chống biến đổi khí hậu và việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và châu Âu rơi vào tình trạng căng thẳng.

Đúng 4 năm trước vào tháng 6-2017, tại Hội nghị G7 ở Bologna (Ý), Mỹ đã từ chối ký vào Tuyên bố chung của G7 về vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các kế hoạch khác nhằm tài trợ cho việc phát triển bền vững. Trước đó, ông Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Sau đó một năm, tại hội nghị cấp cao nhóm G7 tại Charlevoix, Canada vào tháng 6-2018, tổng thống Trump ngăn cản nhóm đa phương này ra thông cáo chung vì những bất đồng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia nội khối. Sự phá vỡ truyền thống nhiều năm qua của khối G7 khiến nhiều nhà lãnh đạo đồng minh thất vọng, nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Điều này đã khiến các đồng minh xuyên Đại Tây Dương bớt trông đợi vào Mỹ và bắt đầu xây dựng các liên minh đối tác mới để thúc đẩy lợi ích của mình. Ví dụ, Đức đã xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 dài khoảng 1.200km để vận chuyển khí thiên nhiên từ Nga.

Do vậy, mục đích công du châu Âu lần này của ông Biden là để sửa chữa những vết nứt ngoại giao giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh sau bốn năm "Nước Mỹ trên hết" của cựu tổng thống Trump. 

Ngoài ra, ông Biden cũng muốn duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật lệ quốc tế và các giá trị dân chủ trước sự ảnh hưởng của chủ nghĩa chuyên chế ngày càng tăng trên thế giới, đặc biệt từ Trung Quốc.

Mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương nồng ấm trở lại không chỉ có lợi cho nước Mỹ hay các quốc gia đồng minh của Mỹ, mà còn hữu ích cho một trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.

Chờ hành động thiết thực

Mọi thứ không còn như cũ sau bốn năm dưới thời tổng thống Trump. Thế giới chứng kiến đại dịch COVID-19, nước Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, cấu trúc quyền lực thay đổi khi Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh ngoại giao vắc xin cũng như sẵn sàng đáp trả phương Tây.

Mặc dù chủ đề COVID-19 bao phủ hội nghị G7, nhưng nhóm này cũng đưa ra kế hoạch về cùng chung tay chống biến đổi khí hậu và đề xuất đề án cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới với tên gọi "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" nhằm cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai con đường" của Trung Quốc mà phương Tây chỉ trích là bẫy nợ cũng như gia tăng ảnh hưởng, và thiết lập các quy chuẩn về hạ tầng cầu cống, đường sá của Trung Quốc cho thế giới.

Dù có nhiều điểm chung về vấn đề Trung Quốc nhưng thật khó cho chính quyền Tổng thống Biden tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia đồng minh trong kỳ họp G7 này đi xa hơn lệnh cấm đi lại và đóng băng tài khoản cá nhân như một biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì vi phạm quyền con người ở Tân Cương.

Với sự trở lại của Mỹ, nhóm câu lạc bộ G7 cho thấy họ muốn hợp tác thật sự trong việc thúc đẩy một liên minh dân chủ vững mạnh cung cấp giải pháp cho thế giới. Trong 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 mà nhóm G7 hứa chia sẻ với các quốc gia nghèo hơn trên thế giới thì Mỹ cam kết cung cấp một nửa trong số đó.

Ngoài ra, các quốc gia nghèo trên thế giới đang mong đợi những hành động thiết thực từ 1 tỉ liều vắc xin hơn là những lời hứa từ các quốc gia G7, như Tổng thống Pháp Macron đã nhận xét: "Việc chúng ta nói sẽ có bao nhiêu liều vắc xin chúng ta giao tháng tới sẽ quan trọng hơn là hứa có bao nhiêu liều sẽ được giao trong 18 tháng tới". Nhanh chóng và thiết thực là từ khóa mong đợi cho sự trở lại của nước Mỹ.

Khó thống nhất chống Trung Quốc

Không dễ gì để Mỹ có thể quay lại vai trò lãnh đạo của mình trước đây như trong thời Chiến tranh lạnh khi không phải quốc gia châu Âu nào cũng có cùng quan điểm với Tổng thống Biden về Trung Quốc.

Một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc có vẻ khó đạt khi Đức và Ý cố gắng làm giảm nhẹ mối đe dọa về mặt an ninh của Trung Quốc đối với các quốc gia Liên minh châu Âu. Hai quốc gia này có nhiều gắn bó về mặt kinh tế thương mại với Trung Quốc và họ không muốn phá vỡ nhanh chóng.

G7 thống nhất lập trường về Trung Quốc, Trung Quốc lập tức đả kích G7 G7 thống nhất lập trường về Trung Quốc, Trung Quốc lập tức đả kích G7

TTO - Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh G7 nêu lập trường thống nhất về Trung Quốc, gồm điều tra về nguồn gốc COVID-19, Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương. Đại sứ quán Trung Quốc ở London (Anh) lập tức đả kích hội nghị G7.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên