Người biểu tình tại thành phố New York (Mỹ) phản đối sự hiện diện của Mỹ tại Iraq - Ảnh: AFP
Cái chết của ông Soleimani, nhân vật được cho quyền lực thứ hai ở Iran chỉ sau đại giáo chủ Ali Khamenei, đang đẩy căng thẳng Iran - Mỹ leo thang.
Khởi đầu đại hỏa hoạn ở Trung Đông?
Hãng tin AFP ngày 5-1 cho biết khoảng 200 người đã tụ tập bên ngoài Nhà Trắng, một phần trong đợt biểu tình quy mô do các tổ chức thiên tả ở Mỹ kêu gọi. Họ vô vang những khẩu hiệu như "Không công lý, không hòa bình, Mỹ rút khỏi Trung Đông đi".
Những người tổ chức cho biết người biểu tình đã tụ tập tại khoảng 70 thành phố ở Mỹ để phản đối vụ không kích giết Soleimani do Tổng thống Donald Trump ra lệnh. Một người đứng ngoài Nhà Trắng nói: "Chúng tôi sẽ không cho phép đất nước cuốn vào một cuộc chiến tranh liều lĩnh nào khác".
Người biểu tình sau đó hướng về khách sạn quốc tế Trump và nằm ngay dưới đường.
Một người tên Sam Crook, 66 tuổi, cho rằng ông Trump đang cố dùng Iran để đẩy Mỹ vào một cuộc chiến tranh, từ đó đánh lạc hướng dư luận khỏi phiên tòa luận tội tổng thống ở thượng viện dự kiến tổ chức trong tháng 1 này.
Người này dùng những lời gay gắt để nói về tổng thống: "Muốn gây xao nhãng à? Khởi động một cuộc chiến tranh. Và tôi sợ ông ta sẽ vô tình khởi đầu cho một trận đại hỏa hoạn ở Trung Đông".
Shirin, một người Mỹ gốc Iran, thì lo ngại về khả năng chiến tranh khi Iran tuyên bố trả thù sau cái chết của Soleimani. Người phụ nữ 31 tuổi này cho rằng cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003 đã gây bất ổn khắp khu vực và đã khiến giúp Iran mạnh lên, trở thành "một thế lực chính trị, xã hội và văn hóa tại Iraq".
Mối lo chiến tranh càng lớn hơn sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ đã nhắm đến 52 địa điểm của Iran, phòng trường hợp Tehran tấn công công dân hay bất cứ tài sản nào của nước Mỹ để trả đũa vụ Soleimani.
Trong khi đó, đo lường phản ứng dư luận sau vụ không kích vừa qua cho thấy những người ủng hộ ông Trump vẫn thể hiện sự tán thành với quyết định này. Đảng Dân chủ cũng không hẳn phản đối quyết liệt, còn các đồng minh của Mỹ ở châu Âu thì thận trọng đánh giá.
Biểu ngữ kêu gọi Mỹ rút binh sĩ tại Iraq - Ảnh: AFP
Ủng hộ nhưng mong tránh xung đột lan rộng
Israel, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, tỏ ý chào đón với thông tin về cái chết của ông Soleimani. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói với báo chí: "Tổng thống Trump xứng đáng được ghi nhận vì hành động quyết đoán, mạnh mẽ và mang tính bước ngoặt. Israel sát cánh với Mỹ trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, an ninh và tự vệ".
Trong khi đó, Yair Lapid, lãnh đạo phe đối lập ở Israel, ca ngợi vụ không kích giết ông Soleimani và khẳng định ông này "đã nhận lấy chính xác những gì ông ta đáng phải nhận".
Ông Yoel Guzansky, chuyên gia về Iran tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia (trụ sở Tel Aviv, Israel), cũng khẳng định những màn trả đũa của Iran nhằm vào Mỹ có khả năng chỉ được thực hiện trong ngắn hạn, trong khi cái chết của Soleimani là đòn đau cho Iran, cũng như khôi phục vị thế của Mỹ trong khu vực.
Theo tạp chí TIME, các đồng minh châu Âu của Mỹ thể hiện sự ủng hộ với màn không kích giết Soleimani, nhưng cũng lập tức kêu gọi kiềm chế giữa các bên và ủng hộ tránh một cuộc xung đột lan rộng.
Trong nội bộ Mỹ, Đảng Dân chủ đi cùng "tone" ủng hộ việc tiêu diệt Soleimani, nhưng cũng phản đối cách làm của Tổng thống Trump - một thành viên Đảng Cộng hòa.
Ứng viên tranh cử tổng thống bên phe Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden ngày 3-1 ra thông điệp nói ông Soleimani "đáng bị mang ra trước công lý cho những tội ác chống lại lính Mỹ và hàng ngàn người vô tội trong khu vực". Tuy nhiên, hành động quân sự chống lại Soleimani là "một động thái gây căng thẳng to lớn", vốn sẽ gần như chắc chắn kích cho Iran tấn công Mỹ hơn là ngăn chặn xu hướng này.
Hai thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Ro Khanna ngày 4-1 đã cùng trình một dự luật ngăn chặn cấp tiền cho bất kỳ lực lượng quân sự nào tấn công hoặc có các hành động chống lại Iran mà không có sự cho phép trước đó của quốc hội. Theo các nghị sĩ này, điều cần ưu tiên trước nhất là các nhu cầu của người dân Mỹ chứ không phải tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD cho những cuộc chiến không rõ hồi kết ở Trung Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận