Hậu quả là 5,3 triệu con gà mái đã bị tiêu hủy trên toàn bang, gây thiệt hại khoảng 1/5 sản lượng trứng cung cấp cho cả nước Mỹ.
Trong khi đó, tính từ tháng 3-2015 đến nay, 7 bang khác ở khu vực trung tây đất nước này cũng bị nhiễm vi rút cúm gia cầm H5N2 và buộc phải tiêu hủy gần 7,8 triệu con, bao gồm cả gà tây.
H5N2 là vi rút có khả năng lây truyền rất cao, giết chết gia cầm nhanh chóng ngay khi nó xuất hiện trong một khu trại. Loại vi rút này giờ đây đang đe dọa nông trại ở vùng Iowa - nơi cung cấp gần 10% tổng số trứng gà cho toàn bang.
Điều này dấy lên những băn khoăn về dịch bệnh có thể bùng phát, tuy nhiên nguy cơ bùng phát rộng sẽ thấp nếu kiểm soát tốt nguồn cung thực phẩm.
Ngoài tiểu bang Iowa và Wisconsin, tiểu bang Minnesota cũng đã phát hiện có trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N2 trong 28 trang trại nuôi gà tây, con số cao hơn bất kì bang nào khác trên toàn nước Mỹ. Minnesota là bang cung cấp thịt gà tây hàng đầu của Mỹ, nơi có hàng nghìn hồ và ao lớn nhỏ, thu hút rất nhiều vịt và các loại chim nước đến.
Đại diện Cục Nông nghiệp cho rằng vi rút gia cầm có thể sẽ còn là vấn đề của nước Mỹ trong một vài năm nữa. Ông John Clifford, giám đốc phòng thú y của Cục Nông nghiệp Mỹ, cho hay trong tuần trước vi rút đã bị diệt khi thời tiết ấm lên, do đó những nhà cung cấp gia cầm và các nhà khoa học Mỹ đang hy vọng thời tiết nóng lên sẽ giúp loại trừ dịch cúm gia cầm đang hoàng hoành khắp khu vực Trung tây đất nước này.
Tuy nhiên nguy cơ có thể sẽ bùng phát dịch trở lại vào mùa thu khi những con chim nước hoang dã mang vi rút cúm gia cầm bay đến miền nam trú đông.
Hiện tại các nông trại gia cầm với bảo vệ phòng dịch nghiêm ngặt sẽ giới hạn người ra vào khu vực này. Người làm việc phải mặc đồ bảo hộ và bước vào khu vực khử tẩy trùng để loại trừ vi rút trước khi vào hoặc ra nông trại.
Mọi dụng cụ trong nông trại vào hay ra khỏi khu vực đều được tẩy trùng sạch sẽ. Tuy nhiên phương pháp này không đảm bảo hoàn toàn bởi nó đòi hỏi tất cả mọi người đều phải tuân thủ chặt chẽ.
Bên cạnh đó, thú gặm nhấm và chim hoang dã có thể lọt vào nông trại và đi ra mang theo vi rút.
Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 23-4 cho biết H5N2 là chủng vi rút khác với H5N1 từng lây lan từ gia cầm sang người trước đây. Cán bộ y tế cho biết vi rút H5N2 có khả năng làm chết toàn bộ một đàn gia cầm trong vòng 48 giờ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo nhiều chủng vi rút cúm gia cầm đang lưu hành có thể tái tổ hợp gen để tạo các chủng vi rút cúm mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm gia cầm H5N2. Hiện nay cũng là thời điểm tái đàn gia cầm mạnh nên nguy cơ lây lan vi rút cúm từ gia cầm sang người và bùng phát thành dịch là rất lớn.
Theo thông báo Cục Thú y trên cả nước, đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm H5N6 rải rác ở Hà Nam và H5N1 tại Cần Thơ.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc và triệt để các biện pháp sau: 1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. 2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. 3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. 4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận