TTCT - Một phần quan trọng trong nghị trình sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump là giảm quy mô của hệ thống nhà nước, với nhiệm vụ chính được giao cho hai doanh nhân Elon Musk và Vivek Ramaswamy. Hiện nay, nỗ lực của ông Donald Trump nhằm tinh giản bộ máy hành chính nước Mỹ không được báo chí Mỹ phân tích một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, một phần do ông Trump giao cho hai doanh nhân Elon Musk và Vivek Ramaswamy phụ trách, chứ không phải các quan chức chuyên nghiệp. Ảnh: Pew Research CenterHai ông này lại đặt tên cho cơ quan sẽ phụ trách việc tinh gọn bộ máy theo kiểu nửa đùa nửa thật - DOGE (Department of Government Efficiency, Bộ Chính quyền hiệu quả).3 hướng cải cáchTuy nhiên, nguyên lý hai ông dựa vào để tiến hành cắt giảm bộ máy hành chính là rất căn bản. Trong bài viết trên tờ Wall Street Journal tựa đề "Kế hoạch DOGE cải tiến chính phủ", Musk và Ramaswamy phân biệt rõ hai thứ: Luật do Quốc hội Mỹ thông qua và hàng chục ngàn quy tắc, quy định do các viên chức hành chính được bổ nhiệm, chứ không phải do dân bầu biên soạn và thực thi hằng năm. Hai ông cho rằng nhiệm vụ của DOGE là theo đuổi ba loại cải cách: bãi bỏ quy định, cắt giảm thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí.Dựa vào một tiền lệ Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết vào năm 2022, khẳng định các cơ quan chính phủ không được tùy tiện áp đặt quy định để giải quyết những vấn đề kinh tế hay chính sách trừ phi được Quốc hội ủy quyền, hai ông cho rằng DOGE sẽ rà soát quy định hiện hành của chính quyền liên bang, xem cái nào bất hợp lý, trái với hiến pháp hay mang tính tùy tiện rồi lập danh sách trình cho tổng thống tạm ngưng thi hành, khởi xướng quy trình xem xét và bãi bỏ chúng. "Điều này sẽ giải phóng cá nhân và doanh nghiệp khỏi các quy định bất hợp pháp chưa từng được Quốc hội thông qua và kích thích nền kinh tế", hai tác giả viết.Musk và Ramaswamy hứa hẹn sẽ làm khác những nỗ lực cải cách trước đó. Họ cam kết: "Chúng tôi là doanh nhân, chứ không phải chính trị gia. Chúng tôi sẽ phục vụ trong tư cách tình nguyện viên bên ngoài, chứ không phải quan chức hay nhân viên liên bang. Không giống các ủy ban chính phủ hay hội đồng tư vấn, chúng tôi không chỉ viết báo cáo hay cắt băng khánh thành. Chúng tôi sẽ cắt giảm chi phí".Cách làm của họ là hợp tác với các chuyên gia trong các cơ quan chính phủ, dùng công nghệ tiên tiến hỗ trợ để xác định đâu là quy định có thể cắt giảm bằng sắc lệnh hành pháp do tổng thống ký chứ không cần thông qua Quốc hội. Để khỏi mang tiếng mâu thuẫn với chính mình, hai doanh nhân này viết: "Sử dụng sắc lệnh hành pháp thay cho lập pháp nhằm thêm các quy tắc mới nặng nề là một sự vi phạm hiến pháp, nhưng sử dụng sắc lệnh hành pháp để hủy bỏ các quy định đã qua mặt Quốc hội một cách sai trái là hợp pháp và cần thiết…".Mục tiêu kế tiếp của họ là cắt giảm nhân sự bộ máy hành chính nhờ giảm các quy định không cần thiết. DOGE sẽ xác định số nhân sự tối thiểu một cơ quan chính phủ cần duy trì để thực thi các chức năng mà Quốc hội Mỹ đã giao phó. Như thế số lượng nhân viên liên bang được cắt giảm ít nhất cũng tương ứng với số lượng quy định bị vô hiệu hóa. Ở đây quan điểm cắt giảm là hạn chế quy mô thẩm quyền của cơ quan hành chính đúng như chủ trương của giới bảo thủ: vai trò nhà nước càng thu hẹp càng tốt.Hai tác giả tỏ ra khôn ngoan khi nhận định các nhân viên dư thừa phải được đối xử một cách tôn trọng và vai trò của DOGE là giúp họ chuyển dịch suôn sẻ sang khu vực tư nhân. Một quy định mà họ hy vọng giúp giảm người nhanh chóng là buộc tất cả phải vào cơ quan 5 ngày trong tuần chứ không được làm từ xa nữa. (Mới đây Cơ quan An sinh xã hội Mỹ ký văn bản đồng ý cho 42.000 nhân viên làm việc ở nhà cho đến năm 2029!)Musk (trái) và Ramaswamy. Ảnh: Fox NewsHiện nay bộ máy hành chính Mỹ có chừng 2,9 triệu nhân viên liên bang, còn ở cấp tiểu bang và địa phương con số cao hơn nhiều, lên đến 19,5 triệu người tính đến năm 2023. Dĩ nhiên nỗ lực cắt giảm của DOGE chỉ nhắm vào các cơ quan liên bang thôi.Bước cải cách cuối cùng là cắt giảm chi phí để giảm bội chi ngân sách. Ở bước này nhiều người nghi ngờ không biết DOGE làm được gì vì luật Mỹ ngăn không cho tổng thống cắt giảm ngân sách đã được Quốc hội thông qua. Một mặt hai tác giả nói quy định này là bất hợp hiến nên có thể Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét, nhưng trước mắt họ nhắm vào khoản chi ngân sách liên bang chừng 500 tỉ đô la không do Quốc hội phân bổ hay chi tiêu theo cách Quốc hội mong muốn, 535 triệu đô la hằng năm cấp cho cơ quan phát thanh công cộng, 1,5 tỉ đô la trợ cấp cho các tổ chức quốc tế, kể cả 300 triệu đô la cấp cho các tổ chức cấp tiến như tổ chức kế hoạch hóa gia đình.Một đích nhắm khác của họ là quy trình mua sắm chính phủ mà theo họ có nhiều vấn đề, cùng các hợp đồng liên bang từ lâu không được xem xét kỹ lưỡng. Chẳng hạn theo họ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã không qua được lần kiểm toán thứ bảy liên tiếp, cho thấy lãnh đạo bộ này không nắm rõ ngân sách hằng năm lên đến 800 tỉ đô la của họ được chi tiêu như thế nào.Tham vọng của DOGE là cắt giảm chừng 2.000 tỉ đô la, chiếm đến 1/3 chi tiêu ngân sách liên bang. Đây là việc cực kỳ khó vì nhiều lý do. Chẳng hạn hai khoản chi tiêu lớn nhất của ngân sách hiện nay là chi cho Medicare (bảo hiểm y tế) và an sinh xã hội, chiếm đến 1/3 ngân sách, nhưng chính ông Trump đã hứa hẹn với cử tri là sẽ không đụng đến các khoản này. Hằng năm Mỹ cũng phải chi đến 880 tỉ đô la (13% ngân sách) chỉ để trả lãi cho các khoản nợ quốc gia - món này cũng không có hy vọng cắt giảm.Từ doanh nghiệp sang chính phủPhải nói ông Musk có thừa kinh nghiệm trong việc tinh gọn bộ máy sản xuất để vừa thúc đẩy tốc độ vừa tăng năng suất. Chính ông là người xây dựng các quy trình hoàn chỉnh ở hãng xe Tesla, hãng không gian SpaceX để việc sản xuất xe điện hay tên lửa nhanh, gọn và rẻ hơn. Tuy nhiên, chuyển kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp sang cải tổ bộ máy hành chính không phải là chuyện dễ. Không giống ở doanh nghiệp nơi ông Musk có tiếng nói quyết định, với DOGE, ông phải tìm sự đồng thuận của các nhà lập pháp, quan chức hành pháp, đồng lãnh đạo Ramaswamy, nhất là với Tổng thống Trump.Đó là chưa kể vai trò doanh nhân có thể dẫn đến các xung đột lợi ích. Chẳng hạn, cơ quan ngốn tiền nhiều nhất ngân sách Mỹ là Bộ Quốc phòng, nhưng ông Musk hiện đang có nhiều hợp đồng béo bở với bộ này qua công ty SpaceX, vốn đảm nhận việc phóng một số vệ tinh cho không quân Mỹ hay các dự án đưa người lên không gian, quay trở lại Mặt trăng với NASA. Những hợp đồng như thế có thể trói tay ông Musk. Bản thân ông Trump muốn xây dựng một quân đội mạnh, nên cũng khó lòng cắt giảm ngân sách quốc phòng.Trang Facebook của Chương trình cải thiện cừu quốc gia Mỹ. Ảnh: FacebookPodcast The Daily của tờ The New York Times đưa ra một ví dụ để minh họa cái khó của việc cắt giảm ngân sách ở Mỹ. Có một cơ quan gọi là Trung tâm Cải thiện ngành nuôi cừu quốc gia với kinh phí chừng 1 triệu đô la, có nhiệm vụ tổ chức các cuộc thi để thưởng cho thợ cắt lông cừu giỏi và tổ chức các chuyến tham quan cho người nuôi cừu. Nhìn qua thấy phi lý, dễ cắt như thế, nhưng vẫn có những nỗ lực duy trì tổ chức này từ các nơi nuôi nhiều cừu như Montana, nên trước áp lực phản đối, cuối cùng việc bãi bỏ trung tâm này thất bại.Dù sao người dân Mỹ vẫn tỏ ra hào hứng, chờ xem hai tỉ phú có cách thức gì để cải cách bộ máy hành chính nặng nề của quốc gia hay không. Thông tin chính thức cho đến nay vẫn còn ít ỏi, nhưng kế hoạch đặt ra là đầy tham vọng. Ông Musk đang tuyển tình nguyện viên, làm việc mỗi tuần đến 80 giờ, nhưng lương là con số không tròn trĩnh. Mặc cho khối lượng công việc khổng lồ của DOGE, Musk và Ramaswamy đặt mục tiêu hoàn thành sứ mạng trước ngày 4-7-2026, tức quốc khánh lần thứ 250 của nước Mỹ, sau đó DOGE sẽ không còn tồn tại. Họ kết luận: "Không có món quà sinh nhật nào tốt đẹp cho đất nước chúng ta vào ngày sinh nhật thứ 250 hơn là bàn giao một chính phủ liên bang sẽ làm các nhà lập quốc tự hào". ■ Nước Mỹ có một danh sách dài các cơ quan và chương trình liên bang kỳ lạ tốn tiền ngân sách nhưng cực kỳ khó dẹp.Lấy ví dụ, Cơ quan Bảo tồn tài nguyên tự nhiên (NRCS), được lập năm 1935 để giúp nông dân "chống xói mòn đất" hiện có khoảng 12.000 nhân viên ở 2.500 văn phòng hiện trường và tiêu tốn 800 triệu đô la mỗi năm. Nhưng văn phòng Tổng kiểm toán Mỹ (GAO) nói họ thấy tình trạng xói mòn đất ở Mỹ không có gì thay đổi ở các vùng tham gia chương trình của NRCS so với các vùng không tham gia.Cơ quan Hỗ trợ nhà ở nông thôn liên bang (RHDS) thì chuyên cung cấp các khoản vay mua nhà cho người dân sống ở nông thôn Mỹ vào thời kỳ Đại suy thoái 1936-1939. Thời kỳ này tất nhiên kết thúc đã lâu. Việc mua nhà ở Mỹ nay cũng đã rất khác với nhiều cơ quan cho vay tư nhân lẫn nhà nước cực kỳ đa dạng. Nhưng RHDS vẫn tiếp tục tồn tại và cho vay hơn 1 tỉ đô la mỗi năm, với tỉ lệ nợ khó đòi vào loại cao nhất trong các chương trình nhà nước. Ước tính của tổ chức Heritage nói chấm dứt chương trình này sẽ tiết kiệm được khoảng 2 tỉ đô la tiền thuế trong vòng 5 năm. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Tinh gọn bộ máy Tiếp theo Tags: Bộ máy hành chínhÔng TrumpElon muskMỹVivek Ramaswamy
TP.HCM đề xuất miễn học phí cho toàn bộ học sinh các cấp HOÀNG HƯƠNG 16/12/2024 Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất miễn học phí cho học sinh mầm non, THPT, học viên hệ giáo dục thường xuyên từ năm học 2025 - 2026.
Sau các concert 'Anh trai', hãy mơ lớn PGS.TS BÙI HOÀI SƠN (ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC CỦA QUỐC HỘI) 16/12/2024 Các concert Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi mở ra một bước tiến mới đầy hứa hẹn cho các sự kiện biểu diễn quy mô lớn trong tương lai.
Tình báo Ukraine: Lính Triều Tiên bắn nhầm vào lực lượng Nga, 8 người chết THANH BÌNH 16/12/2024 Tổng cục Tình báo Ukraine tiết lộ đã xảy ra cảnh "quân ta bắn quân mình" bên trong các lực lượng Nga ở vùng Kursk.
Số người ăn thịt chó mèo ở Hội An giảm mạnh 3 năm qua THÁI BÁ DŨNG 16/12/2024 Thông tin về kết quả dự án nói không với thịt chó và mèo, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP Hội An Trần Thị Hồng Trang cho biết số quán thịt chó và lượng người dùng Hội An đã giảm hẳn từ năm 2021 đến nay.