06/11/2018 15:15 GMT+7

Nước Mỹ chia rẽ trước bầu cử giữa kỳ

SƠ NGUYÊN
SƠ NGUYÊN

TTO - Tại Mỹ, so với bầu cử Tổng thống, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thường không thu hút được sự quan tâm của trong nước lẫn quốc tế. Nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6-11 hôm nay không phải là một sự kiện 'đến hẹn lại lên'.

Nước Mỹ chia rẽ trước bầu cử giữa kỳ - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump tỏ ra tự tin tại một cuộc vận động tranh cử ở Trung tâm Show Me, Cape Girardeau, bang Missouri ngày 5-11 - Ảnh: REUTERS

Nó đang diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi xã hội nước Mỹ ở trong bối cảnh mâu thuẫn sâu sắc và thế giới đang dõi theo liệu cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng đến chính sách của nước Mỹ với bên ngoài như thế nào.

Kể từ sau "cú sốc tâm lý" với việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống trước bà Hillary Clinton cách đây hai năm, đến bây giờ không còn một ai dám tự tin dự đoán về kết quả bầu cử nữa.

Có thể xảy ra 3 kịch bản kết quả lần này. Một là phe Cộng hòa sẽ giữ được cả Thượng viện và Hạ viện. Hai là Đảng Dân chủ sẽ lấy được Hạ viện. Và kịch bản thứ 3 là cả Thượng viện và Hạ viện sẽ rơi vào tay phe Dân chủ.

Kịch bản 2 là khả thi nhất. Trong lịch sử, các cuộc bầu cử giữa kỳ thường chứng kiến Hạ viện hoặc Thượng viện phải "đổi chủ". Kịch bản 1 kém khả thi hơn, còn kịch bản 3 chỉ tồn tại trên lý thuyết.

Quyết định tương lai 2-6 năm tới

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ lần này sẽ nói lên nhiều điều về tương lai của nước Mỹ trong 2-6 năm tới. 

Một kết quả tốt cho phe Cộng hòa sẽ giúp Tổng thống Trump ung dung tiếp tục với những chính sách của mình mà khó gặp phải sự cản trở lớn nào, đồng thời được quyền mơ tới nhiệm kỳ 2.

Ngược lại, nếu như phe Dân chủ chiếm được Hạ viện, ông Trump sẽ phần nào bị trói tay trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, cũng như đứng trước sức ép lơ lửng trên đầu về vụ điều tra nội bộ.

Bởi lẽ bầu cử giữa kỳ quan trọng như vậy, trong thời gian vừa qua ông Trump rất tập trung đi nói chuyện ở các bang ủng hộ mình để tranh thủ cử tri.

Những biểu hiện đối ngoại của chính quyền Trump trong những tháng qua rõ ràng đều có dáng dấp của mục đích tranh thủ cử tri của kỳ bầu cử tháng 11 này. 

Từ cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, vấn đề hóa giải hạt nhân Bắc Triều Tiên, cho đến các bài phát biểu của Tổng thống Trump tại LHQ và của Phó Tổng thống Mike Pence tại Viện Hudson... Chưa kể các chính sách đối nội như chính sách chống nhập cư bất hợp pháp và chuyện bỏ quyền sinh ở Mỹ là có quốc tịch mới đây. 

Tất cả đều hướng về một mục tiêu: vận động phiếu bầu.

Nước Mỹ chia rẽ trước bầu cử giữa kỳ - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Obama tại một sự kiện vận động cử tri ủng hộ cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ bao gồm Thượng nghị sĩ Bill Nelson và ứng cử viên thống đốc Florida gốc Phi Andrew Gillum tại Miami ngày 2-11 - Ảnh: REUTERS

Với phe Dân chủ, bầu cử giữa kỳ lần này cũng sẽ là cơ hội vàng để họ lật lại thế cờ sau cú thua bẽ bàng tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. 

Cựu Tổng thống Obama cũng rất tích cực để vận động cho đảng mình. Hiếm khi người ta thấy một vị cựu Tổng thống lại đi làm như vậy. 

Đồng thời, đây cũng chỉ dấu quan trọng cho các ứng cử viên của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Những cái tên đang dần lộ diện như Phó Tổng thống Joe Biden, cựu ứng cử viên Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren hay tỉ phú Michael Bloomberg. 

Họ sẽ nhìn vào diễn biến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ lần này để đặt ra kế hoạch cho chiến dịch tranh cử năm 2020 của riêng mình.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: chi phí 5,2 tỉ USD

TTO - Bất luận kết quả thế nào, cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ cũng đã đạt một dấu mốc lớn: số cử tri đi bầu sớm tăng gấp đôi năm 2014 và tổng chi phí cho kỳ này đạt mức kỷ lục: 5,2 tỉ USD.

Một nước Mỹ chia rẽ

Với người dân Mỹ, cuộc bầu cử giữa kỳ không chỉ có ý nghĩa đối với lợi ích sát sườn của họ mà còn là vấn đề của hệ giá trị. 

Một nửa nước Mỹ - phe Dân chủ đau xót vì những giá trị đạo đức mà họ tôn thờ bị làm hoen ố bởi một vị Tổng thống như ông Trump.

Trong khi đó, một nửa còn lại của nước Mỹ - những người ủng hộ ông Trump, cảm thấy quyền lợi chính đáng của mình và nước Mỹ phải được bảo vệ trước bên ngoài.

Dường như sau cú thua sốc của bà Hillary và sau 2 năm trải nghiệm sự lãnh đạo của ông Trump, người dân Mỹ đã ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đi bầu. Đó là lý do tỉ lệ đi bầu sớm lần này cao nhất trong 50 năm qua.

Nước Mỹ đứng trước bầu cử giữa kỳ trong bối cảnh chia rẽ chưa từng có, chỉ sau những năm 1960 với chiến tranh Việt Nam. 

Nước Mỹ chia rẽ trước bầu cử giữa kỳ - Ảnh 4.

Các nữ cử tri Mỹ trong buổi gặp ứng viên ở trung tâm Show Me Center tại TP Cape Girardeau, bang Missouri, ngày 5-11 - Ảnh: REUTERS

Nhưng dường như những chia rẽ sâu sắc nội tại trong lòng nước Mỹ vẫn chưa được cả ông Trump và phe Dân chủ giải quyết.

Ngược lại, cả hai bên khoét sâu vào mâu thuẫn đó để chỉ trích lẫn nhau, thu về phiếu bầu cho mình. 

Một bên khoe khoang đã làm được gì cho nước Mỹ trong một thời gian ngắn. Một bên tập trung chỉ trích chính quyền hiện tại đã làm hại gì cho những giá trị và thành tựu Mỹ suốt những thập kỷ qua.

Với ông Trump, nếu tâm lý người dân càng bất mãn với bên ngoài thì ông càng có lợi thế chính trị. 

Với phe Dân chủ, ngay cả khi chiếm được Hạ viện, ưu tiên của họ sau đó sẽ là ngăn cản và hạ bệ ông Trump hơn là làm cho nước Mỹ tốt đẹp trở lại.

Không bên nào quan tâm đến hàn gắn rạn nứt xã hội và hướng tới những giải pháp vì cái chung. Vì thế, dù kết quả bầu cử giữa kỳ như thế nào, khi những vở diễn chính trị hạ màn, các vấn đề cố hữu của nước Mỹ sẽ vẫn còn đó.

Đảng Cộng hòa lội ngược dòng nhờ thành tích kinh tế?

Kết quả cuộc thăm dò do tờ Washingon Post và ABC News công bố ngày 4-11 cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ vào Hạ viện là 50%. Trong khi đó, con số này đối với các ứng cử viên đảng Cộng hòa là 43%. Tỉ lệ này giảm nhẹ so với kết quả của cuộc thăm dò vào tháng 10 và giảm mạnh so với tháng 8 vừa qua.

Trong số các cử tri có khả năng đi bầu, đảng Dân chủ cũng giành được lợi thế so với đảng Cộng hòa với tỷ lệ 51% - 44%. Biên độ cách biệt 7% cũng tương tự như kết quả của các cuộc thăm dò khác được tiến hành hai tuần trước đó, giúp đảng Dân chủ có được đủ lá phiếu để chiếm thế đa số từ đảng Cộng hòa ở Hạ viện.

Nhưng không loại trừ khả năng những đánh giá tích cực ngày càng nhiều đối với kinh tế cũng như sự tập trung mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump vào những vấn đề như nhập cư và an ninh biên giới sẽ giúp đảng Cộng hòa có "cú ngược dòng" trong cuộc bầu cử quan trọng này.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy tỉ lệ cao kỷ lục về sự lạc quan đối với nền kinh tế Mỹ trong vòng hai thập kỷ qua với 65% số người Mỹ nói chung được hỏi đánh giá nền kinh tế hiện nay đang vận hành tốt và xuất sắc và chỉ có 34% số ý kiến đánh giá tiêu tực.

Trong số các cử tri được hỏi, 71% cho rằng nền kinh tế Mỹ tốt hoặc xuất sắc, tăng 60% so với kết quả cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 8 vừa qua. Tỉ lệ cử tri có quan điểm tích cực về nền kinh tế ủng hộ cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Hạ viện cao hơn so với các ứng cử viên đảng Dân chủ, với tỷ lệ tương ứng là 54% - 40%, cao hơn so với mức 49% - 42% hồi tháng 8 vừa qua. (TƯỜNG NGUYỄN)

SƠ NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên