18/08/2017 16:07 GMT+7

Nước mắt, sinh mạng trong cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Cháy hết mình trong cuộc chiến với các nhóm tội phạm công nghệ cao, Trung tá Nguyễn Thành Nhân, đội trưởng đội 8 đã phải hi sinh mạng sống trong lần lên đường làm nhiệm vụ lúc trời mờ sáng.

Trung tá Nguyễn Thành Nhân - đội trưởng đội 8 trong lần trả lời báo chí về các nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao - Ảnh: V.V.
Trung tá Nguyễn Thành Nhân - đội trưởng đội 8 trong lần trả lời báo chí về các nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao - Ảnh: V.V.

Sáng thứ bảy, 18-3-2017, một cán bộ của Phòng PC46 - Công an TP.HCM nhắn tin cho chúng tôi. Nội dung ngắn gọn: “Anh Nhân mất rồi”. Bàng hoàng.

Những ngày nghỉ, ngày lễ hay buổi tối, đêm khuya chúng tôi nhận tin nhắn từ các các cán bộ, chiến sỹ của phòng PC46 thì hầu hết là báo thông tin về các vụ bắt giữ tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng .

Nhận tin báo này, hình ảnh trung tá Nguyễn Thành Nhân (đội trưởng đội 8) mặc áo thun, quần lửng, đôi mắt thâm quầng vẫn cười nói, động viên anh em đồng đội, dặn dò phóng viên tác nghiệp hiện lên trong đầu, nước mắt bỗng rơi trong vô thức. 

Người đội trưởng hi sinh khi làm nhiệm vụ

16h ngày 17-3-2017, các điều tra viên đội 8 nhận được đơn của một người dân ở quận 7 (TP.HCM) trình bày bị lừa theo cách gọi điện thông báo nợ cước điện thoại rồi đe dọa buộc chuyển tiền vào tài khoản để chứng minh không phải “tiền bẩn”. 

Nạn nhân đã chuyển 6 tỉ đồng vào các tài khoản theo chỉ định của nhóm lừa đảo. Căn cứ vào giấy chuyển tiền, các điều tra viên xác định có hai nhóm, một ở Bình Phước, một ở Quảng Ninh và Hà Nam.

Hơn 2 tỉ đồng chuyển cho một người có tên Hoàng Văn Huân, mở tại một ngân hàng chi nhánh Bình Phước, tiền đang được giao dịch chuyển đi. Do đó, trung tá Nhân liên lạc và đề nghị phía ngân hàng tạo tình huống để tạm dừng giao dịch, chờ đối tượng tới trụ sở giao dịch vào sáng hôm sau để bắt giữ.

“Sau khi giao nhiệm vụ cho từng người, anh Nhân cùng ba cán bộ khác lên đường đi Bình Phước vào 4h sáng và tai nạn xảy ra, một mình anh ấy không thể trở về...” - đại úy Phạm Ân, một thành viên đội 8 nhớ lại.

Nói về những vụ phá án của đội 8 mang dấu ấn của đội trưởng Nguyễn Thành Ân, đại úy Phạm Ân kể vào đầu năm 2015, thời điểm bùng nổ các vụ lừa đảo trúng thưởng qua mạng xã hội, các ứng dụng Zalo, Messenger, Viber... Công an TP nhận đơn của một nạn nhân về việc bị lừa mất 20 triệu đồng.

Trước đó, cơ quan công an trên địa bàn cũng nhận một số tin báo về các vụ lừa đảo tương tự. Toàn bộ hồ sơ được chuyển giao cho đội 8 PC46 với sự gửi gắm của thiếu tướng Phan Anh Minh, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP: “Phải làm cho ra, xử lý triệt để băng nhóm lừa đảo này”.

Cho đến thời điểm đó, chưa có địa phương nào truy tìm được các nhóm tội phạm mạng do mọi đầu mối dẫn tới các nhóm này đều là ảo.

Tuy nhiên, căn cứ vào số tài khoản và thông tin liên quan thu thập được, trung tá Nguyễn Thành Nhân quyết định chia các thành viên trong đội thành ba nhóm để điều tra.

Trong đó, một nhóm đến Bình Dương truy tìm số điện thoại gọi cho nạn nhân, một nhóm đi Nghệ An - nơi chủ tài khoản ngân hàng đăng ký thường trú và nhóm còn lại đi Duy Xuyên (Quảng Nam) - nơi có biểu hiện là điểm tập trung các đối tượng cầm đầu.

Tang vật trong các vụ lừa đảo công nghệ cao bị dội 8, PC46 khám phá - Ảnh: V.V.
Tang vật trong các vụ lừa đảo công nghệ cao bị đội 8, PC46 khám phá - Ảnh: V.V.

Cuộc đối đầu với 30 người phê ma túy có vũ khí

Sau khi đến Bình Dương, các điều tra viên xác định người trực tiếp dùng điện thoại gọi cho nạn nhân là Nguyễn Thị Phương đã vừa rời Bình Dương về Quảng Nam.

Cùng lúc đó tại Quảng Nam, trung tá Nhân và tổ công tác đã bắt giữ được Lê Văn Pháp - “chồng hờ” của Phương - tại một tiệm Internet.

Trực tiếp khai thác nóng và được Pháp khai ra hai đồng phạm khác đang ở một điểm tập trung hàng chục con nghiện ma túy, trung tá Nhân giao cho một cán bộ ở lại làm việc với Pháp rồi cùng hai chiến sĩ khác đi tìm hai đồng phạm của Pháp.

Khoảng 2h sáng, các chiến sĩ mới đến địa chỉ được Pháp khai báo trước đó, nhưng bên trong cửa đóng then cài. Trung tá Nhân cử người đi nhờ công an địa phương hỗ trợ nhưng chỉ có một công an viên trực tới hiện trường.

Tuy nhiên, cả nhóm vẫn quyết tâm vào tìm cho được hai đối tượng khả nghi. Khi lọt qua 2-3 lớp cửa khóa, các chiến sĩ phát hiện bên trong có khoảng 30 thanh niên đang phê ma túy, say sưa lắc lư theo tiếng nhạc ầm ầm, nhiều đối tượng mang theo súng.

“May mà bữa đó cả nhóm phê thuốc, anh em cũng xử lý khéo, chứ để bốn người tay không chống lại hơn 30 thanh niên có dao, có súng thì không biết sẽ thế nào” - đại úy Ân nhớ lại.

Trung tá Trương Văn Thanh, phó đội trưởng đội 8, PC46 nhớ lại: “Đội tôi có hơn 20 người, lúc cao điểm toàn bộ chỉ huy, điều tra viên, cán bộ đều có mặt ở Quảng Nam và các tỉnh để lần theo đường đi của các đối tượng lừa đảo.

Có đêm anh em truy tìm đối tượng, mượn chiếc xe máy cũ của người dân, không đèn, đi trong đêm tối, qua cây cầu gỗ cheo leo qua sông chỉ sơ ý là rơi xuống, có thể tử nạn.

Chúng tôi còn đỡ, có bữa Phạm Ân và anh em còn phải ba người vác xe máy qua cầu, vì trời tối, không thể đi xe qua được. Đói, khát, thiếu ngủ trầm trọng nhưng ai cũng hừng hực khí thế, quyết tìm cho ra băng nhóm lừa đảo theo sự nhiệt tình, máu lửa của anh Nhân.

Nhờ sự quyết liệt này, 6 đối tượng trong tổ chức lừa đảo đã bị bắt, tiếp sau đó các tỉnh, thành phố ở miền Trung, miền Bắc cũng vào trao đổi kinh nghiệm và tiếp tục bóc gỡ thêm nhiều băng nhóm khác, cũng do các thanh niên ở Duy Xuyên, Quảng Nam thực hiện”.

“Điều khiến tôi không bao giờ quên về anh Nhân, đó là sự bao dung, che chở của anh ấy với anh em đồng đội. Anh ấy luôn ăn sau cùng, có khi nhịn nếu đồ ăn mang theo không đủ, để anh em ăn.

Có khi bắt được nghi phạm, cả nhóm mệt quá, nằm ngủ lăn lóc, chỉ một mình anh Nhân thức vừa canh, vừa làm việc với hai, ba đối tượng”, trung tá Thanh vừa nói vừa cố nén để nước mắt không trào ra. 

Nhai mì gói truy lùng tội phạm

“Các vụ án có đối tượng cầm đầu ở VN sử dụng phương pháp cao siêu tới đâu cũng còn manh mối, cơ sở để truy tìm. Còn các đối tượng lừa bằng chiêu gọi điện giả danh hù dọa đều ở nước ngoài, truy tìm ở VN đã khó, lần ra đầu mối ở nước ngoài còn khó gấp bội. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nản” - trung tá Trần Ngọc Ẩn, điều tra viên đội 8 PC46, tâm sự.

Theo lời kể của trung tá Ẩn, vào tháng 11-2016, bà H. (Q.6) trình báo về một vụ nghi vấn lừa đảo, sau khi chuyển cho các đối tượng lừa đảo hơn 600 triệu đồng.

Trước đó, bà H. nhận nhiều cuộc gọi của một phụ nữ xưng là nhân viên của VNPT đòi nợ cước, sau đó chuyển máy cho “cán bộ điều tra Công an Tây Ninh” làm việc.

Sau khi bị “cán bộ điều tra” buộc phải chuyển 2 tỉ đồng tiết kiệm để “kiểm tra có phải tiền bẩn hay không”, nếu không hợp tác điều tra sẽ bị bắt, bà H. đã chuyển 15 triệu đồng và được trả lại. Sau khi chuyển tiếp 600 triệu đồng vào hai tài khoản ở Bắc Ninh và Hải Phòng theo yêu cầu, bà H. nghi ngờ nên trình báo.

Ngay khi nhận tin báo, trung tá Nhân nhận định rằng “nếu không kịp thời có mặt, ngăn chặn các đối tượng rút tiền, toàn bộ số tiền sẽ bị chiếm đoạt” nên cấp tốc cử hai tổ công tác đi Bắc Ninh và Hải Phòng.

“Tôi và anh Nhân đi nhánh Bắc Ninh, ra tới nơi là 3h sáng, mấy anh em đóng vai người lang thang đi tìm các cây rút tiền tự động (máy ATM) và tìm trụ sở ngân hàng nơi mở tài khoản để chia nhau mật phục luôn” - trung tá Ẩn nhớ lại.

Do biết món ăn miền Bắc không hợp khẩu vị, lại ở một huyện nghèo nên anh em chuẩn bị sẵn mì gói, nhai ăn sống khi đói rồi uống nước suối. Cả nhóm chia nhau mật phục các điểm. Anh Nhân đến tận địa điểm chủ tài khoản đăng ký hộ khẩu, nhưng thất vọng quay về vì đó là thông tin giả.

Tuy nhiên, trung tá Nhân vẫn động viên: “Anh em cứ tin tôi, chắc chắn đối tượng này đang ở gần đây và sẽ xuất hiện”. Và cuối cùng, hai đối tượng làm giả CMND để mở tài khoản cũng xuất hiện và bị bắt ngay tại phòng giao dịch ngân hàng.

Sau khi trực tiếp khai thác, nắm được thông tin đối tượng cầm đầu đang ở huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), trung tá Nhân lập tức giao anh em trong đội làm việc tiếp, mượn xe máy chở anh Ẩn đi Quảng Ninh, lúc này đã 17h-18h.

“Trước khi đi Bắc Ninh, anh Nhân đang phải chăm mẹ già gần 90 tuổi bệnh nặng, hai con nhỏ ở nhà lúc đó cũng bệnh, trên đường đi vừa chỉ đạo anh em làm việc, vừa gọi về gia đình động viên người thân, nghĩ lại giờ này thấy xót xa quá.

Đêm đó hai anh em thay nhau chạy xe máy dù đêm trước đó không ngủ, nhưng vẫn cố gắng với niềm tin rằng sẽ bắt được kẻ cầm đầu” - trung tá Ẩn nhớ lại.

Đầu giờ sáng hôm sau, sau khi chạy xe máy đi chặng đường hơn 220km, cả hai tới được Đầm Hà nhưng đối tượng đã trốn về Trung Quốc từ trước do phát hiện bị lộ. Hai anh em lại chạy xe máy về Hải Phòng, nơi một tổ công tác cũng bắt được hai đối tượng trong vụ án để làm việc.

“Vụ án này cả đội đã bắt giữ được bốn đối tượng, khởi tố, đề nghị truy tố về hai tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, truy nã đối tượng cầm đầu, thu hồi được hơn 300 triệu đồng trả cho nạn nhân” - trung tá Ẩn cho biết.

Khi Nhân mất, mới biết Nhân nghèo đến không tưởng

Cuộc đời của trung tá Nguyễn Thành Nhân trong mắt đồng đội đẹp và buồn lắm. Lúc nào Nhân cũng lao vào công việc, cháy hết mình nên có phần thiếu thời gian cho gia đình, cho việc làm kinh tế. Khi Nhân mất đi, mọi người mới biết Nhân nghèo đến không tưởng.

Xe máy Nhân đi cũng là đồng đội đưa cho dùng, xe của Nhân là chiếc Dream Trung Quốc cũ nát. Nhà chung cư của Nhân ở xa, anh em động viên và cho vay để Nhân mua nhà trả góp qua ngân hàng.

Khi Nhân mất đi, căn hộ ấy vẫn còn nợ quá khả năng chi trả của vợ Nhân. Giờ căn hộ ấy cũng phải rao bán, buồn lắm, không nói gì được nữa...

Thượng tá Cao Xuân Lợi - phó trưởng PC46

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên