12/04/2016 08:53 GMT+7

Nước mắt những người mẹ Gạc Ma

PHAN SÔNG NGÂN - 
DUY THANH - PHƯƠNG TRÀ
PHAN SÔNG NGÂN - 
DUY THANH - PHƯƠNG TRÀ

TTO - Ngày 11-4, đại diện báo Tuổi Trẻ tại Văn phòng Nam Trung bộ và Tây nguyên tiếp tục đi thăm và trao số tiền 20 triệu đồng/suất cho thân nhân các liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma.

Mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn bùi ngùi khi nhắc lại chuyện về người con đã hi sinh ở đảo Gạc Ma - Trường Sa hơn 28 năm trước- Ảnh: Phan Sông Ngân
Mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn bùi ngùi khi nhắc lại chuyện về người con đã hi sinh ở đảo Gạc Ma - Trường Sa hơn 28 năm trước- Ảnh: Phan Sông Ngân

Đó là mẹ của liệt sĩ Trương Văn Thịnh (P.9, TP Tuy Hòa, Phú Yên), mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, Phú Yên), cha mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn (xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) và vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (P.Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hòa).

Mẹ Nguyễn Thị Đảo, 87 tuổi, mẹ liệt sĩ Thịnh, xúc động khi nhận số tiền này (do Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh tài trợ thông qua báo Tuổi Trẻ - PV). “Má sẽ nói mấy đứa con ra ngân hàng lập cái sổ tiết kiệm, để dành phần tiền này hằng năm trích ra làm đám giỗ cho thằng Thịnh” - mẹ Đảo kể về ý định sử dụng món quà vừa nhận.

Mẹ Đảo cũng nói gia đình đã làm ngôi mộ gió cho anh Thịnh và làm lễ rước vong linh anh từ nơi biển đảo xa xôi của Tổ quốc về một ngôi chùa gần nhà. Còn mẹ Lê Thị Niệm, 88 tuổi, mẹ liệt sĩ Dư, không kềm được những dòng nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo khi nhận món quà của bạn đọc Tuổi Trẻ.

“Má xúc động lắm vì xã hội, đồng đội không quên thằng Dư và các anh em chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Trường Sa. Mới rồi đám giỗ chung 64 đứa, anh em khắp nơi đến thăm nhà, tổ chức lễ kỷ niệm lớn, má thấy ấm lòng, phần nào vơi đi nỗi thương nhớ đứt ruột đứa con trai mới 20 tuổi vĩnh viễn nằm lại ngoài biển cả xa xôi” - mẹ Niệm rưng rưng.

Nhắc lại những chuyện “hồi xưa” về liệt sĩ Võ Đình Tuấn, mẹ Phan Thị Đay, 81 tuổi, lại nhiều lần kéo vạt áo lên chặm vội đôi mắt ứa lệ. Mẹ Đay nhớ lại: “Hồi đó nhà khổ quá, con người ta đến trường thì có áo quần lành lặn, còn thằng Tuấn phải mặc cái quần với hai miếng vá to bằng bàn tay ở phía sau. Có lần tới trường họp phụ huynh nhìn thấy con mình mà tui lén khóc, tội nghiệp, quá thương.

Thằng Tuấn nhìn thấy tui khóc mới hỏi sao mẹ lại khóc, tui giả đò ngước mắt nhìn lên rồi trả lời với con là do hạt bụi rơi vào mắt mẹ”.

Một câu chuyện xúc động khác được nối tiếp theo mạch: chị Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Doanh, kể cô con gái duy nhất của anh chị đến nay đã tốt nghiệp đại học, ra trường và đang làm cho một công ty cổ phần dược tại TP.HCM.

Mong muốn nhất của chị Hà cũng như của cả mẹ anh Doanh cùng các bác ở ngoài Bắc là con gái anh Doanh sớm lập được gia đình riêng. Vì “hiện tại cháu ở nhà trọ, đi làm một mình ở tận Sài Gòn nên đêm nào tui cũng thấy lo”. Còn chị Hà đã thôi theo “nghề” phụ hồ được mấy năm rồi, từ khi con gái ra trường đi làm thì gánh nặng nuôi con ăn học của chị cũng đã được vơi đi...

Trong căn nhà của chị Hà, đèn hương bên ảnh liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh vẫn sáng tỏa suốt hơn 28 năm qua, kể từ ngày anh hi sinh vào năm 1988. Nhưng căn nhà nhỏ ấy dường như rất rộng với người vợ liệt sĩ bao năm đi về một mình, thiếu vắng người thương yêu.

PHAN SÔNG NGÂN - 
DUY THANH - PHƯƠNG TRÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên