19/10/2022 11:05 GMT+7

Nước mắt mồ côi đã thôi rơi

DIỆU QUÍ - PHƯƠNG QUYÊN
DIỆU QUÍ - PHƯƠNG QUYÊN

TTO - Cô bé mới 4 tuổi, đã phải chịu mồ côi vì COVID-19, một mình co ro lạnh lẽo bên bàn thờ mẹ năm ngoái nay đã vào mẫu giáo. Bảo Châu giờ lanh lợi, ngoan ngoãn, biết nấu mì gói và quấn ba Kiên không rời...

Nước mắt mồ côi đã thôi rơi - Ảnh 1.

Bé Châu được ba dẫn đi chơi Ngày quốc tế thiếu nhi. Em là người quấn quýt ba Kiên nhất - Ảnh: NVCC

Hơn một năm trước, giữa lúc đại dịch COVID-19 căng thẳng nhất, thiếu tá Nguyễn Trung Kiên (chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TP.HCM) cùng đồng đội đi trao tro cốt người mất về gia đình, đã ứa nước mắt trước tình cảnh bé gái Phạm Thị Bảo Châu nhỏ xíu phải ngồi một mình trong phòng trọ, bên hũ cốt mẹ. Và anh đã cưu mang bé, nhận bé làm con mình.

"Mẹ ở trong cái hũ rồi"

Bảo Châu ra đời trong sự thiếu thốn tình cha. Từ khi cha bỏ đi, Châu lớn lên ở khu trọ dành cho lao động nghèo bằng tình yêu thương của mẹ. Hằng ngày, em cùng mẹ mưu sinh bằng đủ mọi nghề.

Tháng 7-2021, bé Châu và mẹ là chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (44 tuổi, ngụ phường Tân Phú, TP Thủ Đức) bị mắc COVID-19 nên được đưa đến Bệnh viện TP Thủ Đức điều trị. Và đại dịch đã khiến Châu trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ chỉ sau một tháng nhập viện điều trị.

Xót thương phận trẻ bơ vơ, thiếu tá Kiên đã nhận đỡ đầu cho Bảo Châu. Từ một người xa lạ, anh Kiên xem Châu như con ruột trong gia đình, anh sắp xếp cho Châu có nơi ở tốt nhất và bắt đầu hành trình tìm kiếm người thân để con gái có thể an toàn trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Không lâu sau đó, anh tìm được nhà bà ngoại của Châu ở quận 4 rồi đưa em đến đoàn tụ cùng bà và anh chị ruột là Đình Huy (11 tuổi), Bảo Ngọc (9 tuổi). Trước đó, chỉ dịp Tết ba anh em mới có dịp sum họp.

Thời điểm đầu, anh Kiên giấu người bà và ba đứa nhỏ về chuyện mẹ của chúng đã mất. Tuy nhiên, một lần Bảo Ngọc vô tình thấy trong điện thoại của anh Kiên những thông tin về cái chết của mẹ, dần dà bà ngoại cũng hay tin. Riêng Bảo Châu, em chỉ hồn nhiên nói với anh chị: "Mẹ ở trong cái hũ rồi. Ba Kiên kêu em lạy mẹ đi".

Hay tin mẹ mất, mấy đứa trẻ trở nên trầm tính, ít nói, những lúc xem phim hoặc nhắc tới mẹ đều khóc. "Lúc đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện làm sao giúp tụi nhỏ ở nhiều khía cạnh. Thương hoàn cảnh các con, tôi giúp hết khả năng mình, cố gắng dang rộng vòng tay để các con có một mái ấm, một gia đình. Tôi luôn nói các con phải mạnh mẽ, cố gắng học, vươn lên", anh Kiên xúc động trải lòng.

Được đến trường bằng tình thương của ba Kiên

Nước mắt mồ côi đã thôi rơi - Ảnh 2.

Anh Kiên kiểm tra và hướng dẫn bài vở cho các con - Ảnh: NVCC

Tình thương của anh đã tưới tắm tâm hồn những đứa trẻ bất hạnh này, các con dần ổn định tâm lý, chịu cởi mở, hoạt bát và cũng bớt đau buồn khi nhắc đến mẹ. Một ngày, Bảo Ngọc ôm chầm lấy chú Kiên, thỏ thẻ: "Cho con gọi chú Kiên bằng ba nha. Con không có ba, con muốn có ba để được ba thương".

Thời gian sau, các con cũng đồng ý gọi vợ anh Kiên bằng mẹ. Vậy là vợ chồng anh có thêm ba đứa con trong niềm hạnh phúc, bên cạnh hai cậu con trai ruột.

Trước khi gặp anh Kiên, hai bé Huy và Ngọc phải đi nhặt ve chai kiếm sống, việc học hành cũng trở nên dang dở. Do đó, sau khi nhận đỡ đầu, anh Kiên mau chóng tìm cách cho các con được tới trường. Thời điểm các trường còn dạy online, anh đi xin điện thoại cũ, mua sim để con học trực tuyến cùng cô giáo và bạn bè.

Giờ đây, hai bé lớn đã bắt kịp kiến thức ở trường, dù phải học sau vài lớp so với lứa bạn cùng tuổi. Còn cô bé út giờ cũng đã vào mẫu giáo. Để con bớt mặc cảm chuyện không có cha mẹ ruột, trong những lần họp phụ huynh, anh Kiên trao đổi với giáo viên rằng anh và ba đứa nhỏ chính là một gia đình, đầy đủ cha mẹ và mong nhận được sự đồng lòng, cùng giáo dục nhận thức để con không tự ti.

Mong muốn bù đắp thiệt thòi cho các con, mỗi lần sau khi làm xong nhiệm vụ anh Kiên đều ghé qua nhà, mang đồ ăn, chơi với bọn trẻ và dạy chúng nấu ăn, luyện chữ, lễ nghĩa. Sống cùng bà ngoại già yếu đã 88 tuổi, ba đứa nhỏ phải tự lập từ sớm, mỗi ngày Huy và Ngọc thay nhau nấu cơm, dọn dẹp nhà, giặt đồ, riêng bé Châu đã nấu được mì gói dù mới 5 tuổi.

Nước mắt mồ côi đã thôi rơi - Ảnh 3.

Bé Châu một mình bên bàn thờ mẹ trong phòng trọ bị phong tỏa vì đại dịch cách đây một năm - Ảnh: NGUYỄN TRUNG KIÊN

Ấm lòng sau những mất mát

Vợ chồng thiếu tá Kiên cũng thường đưa ba đứa nhỏ ra ngoài chơi với hai con trai mình. "Thường khi đi chơi đông thì phải thuê xe đi. Còn đi gần thì hai vợ chồng mỗi người chạy một chiếc chở mấy con", anh vui vẻ nói.

Hôm nào bận, anh gọi video để hỏi thăm các con hôm nay ăn gì, học bài chưa, có dọn dẹp nhà không. "Mỗi lần điện thì các con sẽ thay phiên nhau nói, hôm nay ai giỏi cái gì, ví dụ anh Huy được bầu làm cái gì đó, được điểm nào đó thì các con khoe để mình động viên. Cũng có hôm Châu sẽ méc bị anh chị ăn hiếp ra sao, rồi anh chị méc lại. Rồi có lần tôi trực ở đơn vị, các con gọi bảo ba Kiên ơi hôm nay lạnh lắm, ba nhớ mặc thêm áo cho ấm, đắp thêm mền nha",

anh tâm sự.

Nếu Huy và Ngọc sống tình cảm, hiểu chuyện, thì Châu là bé quấn quýt ba Kiên nhất. Không chỉ vậy, hai đứa con của anh cũng thường xuyên nhắc ba đưa em Châu và anh chị về chơi. "Mỗi lần ngủ thì các cháu giành ngủ với nhau hết, tách ra là khóc", anh cười kể.

Để con được trải nghiệm nhiều hơn, anh Kiên cho các bé tham gia những lớp học kỹ năng sống, học bơi lội, đi xe đạp. Dịp 1-6, anh dẫn các cháu ra công viên, mời các bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rồi tổ chức chơi trò chơi để các con đồng cảm, biết chia sẻ với bạn bè. Hôm trung thu vừa rồi, do bận trực nên anh chỉ kịp mua cho mỗi đứa một cái bánh trung thu rồi tổ chức nhỏ tại nhà cho các

bé vui chơi.

Hơn một năm trôi qua, điều mà anh Kiên vui mừng nhất là trong cái suy nghĩ của các con biết mình đã có một gia đình và tâm lý cũng ổn định. Căn nhà các con đang ở cũng được sơn sửa lại sau thời gian xuống cấp. Sách vở, đồ dùng học tập cũng đã mua khá đầy đủ.

"Thời gian tôi không đưa đón các con được thì nhờ bạn bè giúp đưa đón. Tôi có tạo một tài khoản riêng cho ba đứa nhỏ bằng số điện thoại của mình, đó là sự hỗ trợ tài chính của cá nhân tôi và bạn bè, nhà hảo tâm trong việc học hành, hoạt động ngoại khóa, ăn uống, sinh hoạt của các con. Và địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện cho các con", anh Kiên vui vẻ trải lòng thêm rằng sẽ cố gắng hết khả năng để các con có cuộc sống ổn định, có một gia đình thương yêu.

Anh Kiên tâm sự thêm nhiều lúc bận việc, không được ở lâu bên các con, Châu nói "ba Kiên ở với con thêm một chút nữa đi". Hôm chúng tôi đến nhà bọn trẻ, lúc biết ba sắp về, Châu nũng nịu ôm chầm ba, không đồng ý để ba đi.



2 (1) be chau nam nay 1(Read-Only)

Mỗi lần sang thăm, ba anh em Bảo Châu đều được ba Kiên dắt đi mua quà bánh - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Văn Phúc (54 tuổi, đối diện nhà bé Châu) cho hay nhờ anh Kiên mà mấy đứa nhỏ được như hôm nay, được đi học, đi chơi, mua quà bánh, không còn cảnh hai anh em Huy - Ngọc đi lượm ve chai như trước nữa. Ông vui vì thấy tụi nhỏ lanh lợi, hoạt bát hơn trước nhiều.

"Chú Kiên giúp đỡ cho các bé nhiều lần lắm. Lúc trước, vừa mới hết dịch là chú ấy qua thăm hỏi, mua đồ rồi cũng vận động nhà hảo tâm gom góp tiền hỗ trợ chăm sóc cho bé. Chú Kiên ở Thủ Đức, rảnh là qua chở đi chơi nên mấy bé quấn chú ấy dữ lắm. Chú ấy rất tốt, chăm lo cho mấy đứa nhỏ rất chu đáo", ông Phúc nói.

'Bờ vai' của trẻ mồ côi

TTO - Trong gian sảnh ở ngay trụ sở Công ty thương mại Quảng Trị (TP Đông Hà, Quảng Trị) có một tấm bảng lớn gắn 57 bức ảnh của 57 đứa trẻ kèm thông tin hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai.

DIỆU QUÍ - PHƯƠNG QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên