14/03/2007 00:07 GMT+7

Nước mắt kỳ nam - Kỳ 4: Rừng xanh gục mặt

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Hàng triệu nhát rìu chém xuống, những thân gió gục ngã khắp mặt rừng bị băm nát do những người săn tìm trầm kỳ. Những cội gió trăm năm nhọc nhằn sinh trưởng đã bị xóa khỏi mặt rừng chỉ một thời gian ngắn. Những cây gió tơ thưa thớt chưa đủ nhú lên cũng bị chặt để tìm lấy trầm kỳ. Rừng thiêng đang vĩnh biệt trầm hương.

B0WPFzBL.jpgPhóng to
Xem mua gốc, thân gió rừng tại nhà một điệu ở Bình Sơn, Hiệp Đức (Quảng Nam) - Ảnh: H.V.Mỹ
TT - Hàng triệu nhát rìu chém xuống, những thân gió gục ngã khắp mặt rừng bị băm nát do những người săn tìm trầm kỳ. Những cội gió trăm năm nhọc nhằn sinh trưởng đã bị xóa khỏi mặt rừng chỉ một thời gian ngắn. Những cây gió tơ thưa thớt chưa đủ nhú lên cũng bị chặt để tìm lấy trầm kỳ. Rừng thiêng đang vĩnh biệt trầm hương.

Kỳ 1: “Làng kỳ nam” trên rẻo cao Kỳ 2: "Săn kỳ nam “chuyên nghiệp” Kỳ 3: Nỗi đau còn lại

Đào quật tan hoang

Rất nhiều người săn trầm đã lùng sục lại cả một vùng rừng rộng lớn nơi ông Phạm Văn Sắc ở làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ, Quảng Ngãi) “nhặt” được khối kỳ nam hồi năm ngoái để tìm cho ra đe (gốc) của cây gió đã sản sinh khối kỳ đó. Điệu Trà ở Phú Hương (Đại Lộc, Quảng Nam) kể chỉ dăm bảy hôm sau ngày ông Sắc được kỳ nam, cả một vùng rừng ngót ngàn mét vuông đã bị đào xới nát như tương.

Nhiều điệu kể rằng có rất nhiều đe gió được “chăm sóc” kỹ với mức đào rộng chừng ngàn mét vuông là chuyện thường. “Rễ gió ăn rất xa, nhiều cây gió to rễ đi xa đến năm bảy chục mét. Trầm kỳ kết ở rễ cũng lạ lắm, nhiều khi ở tận mút rễ. Bởi vậy, đã gặp đe là phải đào “đến bến” mình mới an tâm”, một điệu ở Phú Hương nói.

Những đe gió khó đào, tốn nhiều công theo họ là do nằm ở rừng rậm, muốn đào theo rễ gió phải đốn hạ những cây đứng kề đó. Không chỉ đào rộng mà còn phải đào sâu vì những cây gió lớn nên gốc rễ ăn khá sâu. “Người các nơi thấy tụi tui đào đe ai cũng “kính nể”. Họ nói ngoài dân làm trầm rục tụi tui ra không ai có thể làm được thế này”, điệu Mạnh ở Đại Lộc kể lại với vẻ tự hào song thật chua chát.

WJ0siAye.jpgPhóng to
Một hố đào gốc gió rục ở rừng Tiên Phước (Quảng Nam) - Ảnh: H.V.Mỹ

Vậy là cây gió vừa bị đốn hạ đến mức gần như bị hủy diệt hoàn toàn trên mặt rừng, nay lại bị quật đe đào rễ để tìm trầm kỳ như là để xóa hẳn mọi tàn tích còn lại của chúng. Những cây gió có đe mục hầu hết là những cây gió lớn, còn những cây gió choai, gió tơ cũng như những cây chưa già lắm sau khi bị đốn hạ vẫn có thể tái sinh, mọc lại mầm chồi và to lớn dần.

Những cây gió tơ non, bé bỏng bị “giết hại” thời săn trầm có một số là do chính tay người săn trầm với chủ ý “làm sạch cây gió để sau con cháu mình khỏi đi săn trầm, khỏi lặp lại nỗi khổ săn trầm của mình” theo kiểu “giận cá chém thớt” vì luôn phải “chạy gió” - tìm mãi vẫn không gặp trầm kỳ.

Cũng như những loại cây tái sinh khác, cây gió tái sinh rất chóng lớn. Và đây chính là mục tiêu lý tưởng của người săn trầm rục (trầm lấy từ cây gió đã bị rục), vì theo họ vết thương cây gió trải qua chính là cơ hội để gốc rễ kết trầm.

Người săn trầm kỳ đã không bỏ qua phần thân của cây gió tái sinh bởi có điệu nào khi đốn hạ cây gió xuống cũng mổ xẻ thân gió ra để kiếm trầm. Và cũng những cây gió con vừa mới lớn cũng như những cây gió họa hoằn còn bị “lọt sổ” trong mùa hủy diệt “hồng thủy” tìm trầm trước đây, nay cũng bị người săn trầm rục “ưu tiên” tìm kỳ nam.

Cây gió hết bị đốn chặt lại bị quật gốc đào rễ, rừng thêm những vết thương. Ở nhiều khu rừng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi..., không chỉ mặt rừng bị đào bới mà còn bị tổn thất bởi những cây cối đứng chung quanh đe gió cũng bị đốn ngã.

Từ dăm ba chục đến dăm ba trăm, đến một ngàn mét vuông mặt rừng bị đào quật để sàng lọc nhặt nhạnh không bỏ sót một phiến trầm kỳ vụn nào. Vết thương của rừng mùa săn trầm rục nhức nhối, cây cối gãy đổ theo cây gió bị đốn hạ trong mùa săn trầm sanh (trầm lấy từ cây gió còn sống) có thể tái sinh chồi mầm nhanh chóng, nhưng cây cối bị đào quật theo đe gió thì không thể. Chỉ có chờ đất mọc lên cây mới từ những hạt giống rơi rớt hoặc những loại dây leo, lau lách...

eeluenqd.jpgPhóng to
Cuộc săn tìm hủy diệt

Ngoài những đội quân săn trầm rục “viễn chinh” và địa phương, giờ đây nhiều cánh rừng lại xao xác bởi những toán săn trầm sanh mới xuất hiện. Sau nạn săn trầm sanh hủy diệt cây gió, vẫn còn lại một số rất ít sống sót. Đó là những cây gió còn rất nhỏ bé mới lớn lên.

Ngay sau những mùa săn trầm sanh trước đây kết thúc, việc trồng gió được nghĩ đến, một số cư dân vùng cận sơn đã đổ lên rừng tìm nhổ những cây gió con về trồng, cơ may còn nối lại giống cây gió nơi xứ sở của mình. Vậy mà nay...

Thấy săn trầm kỳ không dễ “trúng mánh”, có khi lại “mất ba lô” - lỗ vốn - một số điệu trầm rục đã chuyển sang săn trầm sanh từ những cây gió mới lớn. “Tôi bỏ trầm rục đã vài năm nay. Thôi, chừ mình chỉ gỡ mót trầm sanh ở rừng Trà My, Phước Sơn...”, điệu Ngô Anh ở Đại Lộc nói.

Những điệu trầm rục “viễn chinh” cho biết ở những vùng rừng đến săn lùng, họ đã gặp những toán săn trầm sanh là người địa phương. Những người săn trầm này chính là những điệu thời trước, do không rành nghề săn trầm rục nên đã hướng đến cây gió còn sót lại ở rừng của địa phương mình.

Cuộc săn vét gió sanh ở thế hệ gió cuối cùng đã diễn ra. Giá trầm kỳ lên cao một phần do sự giao lưu mặt hàng này đã khá thông với bên ngoài, thúc đẩy người săn trầm ra sức săn lùng. Cũng như những lái trầm đã tổ chức mạng lưới săn lùng kỳ nam với những đội quân riêng để nắm ưu thế trong việc thu mua, có một số lái trầm đã chi vốn, tạm ứng tiền sắm chuyến cho một số điệu lên rừng săn vét trầm sanh, chịu thu mua cả đến phần trầm loại bét nhất, thậm chí cả đến phần giác xông (phần thân gió có màu vàng rất nhạt, đùng để đốt thay nhang hoặc chế biến nhang).

Ông Nguyễn Thanh - một cư dân người Kor ở rừng Bồng Miêu (Quảng Nam) - kể chuyện những toán săn trầm đã chặt hạ những cây gió tơ ở khu rừng làng Trà Ven của ông: “Mấy cây gió non mới bằng cái bắp chân mà họ cũng không tha. Gió rừng còn lại thì coi như giao cho họ rồi, chỉ ngặt họ lẻn xuống vườn mình chặt hết mấy cây gió trồng. Nước này thì gió chết hết”. Nỗi lo của ông Thanh cũng là của những cư dân vùng cận sơn và cả vùng cao trước những toán săn trầm đang lùng sục những cây gió rừng còn sống sót.

Những đội quân săn trầm rục, săn trầm sanh từ thế hệ gió cuối cùng đang tăng lên. Những cung rừng đang bị lùng sục “cú chót” này như oằn nặng nỗi đau. Bao vết thương, bao nỗi đau rừng đã trải, có lẽ với trầm hương là nỗi đau lớn nhất bởi đây là loại cây quí làm vinh danh rừng thiêng bị vĩnh viễn xóa khỏi mặt rừng trong những “cơn sốt” kỳ nam lần này.

Ông Hồ Xoa (81 tuổi) kể lại chuyện săn trầm kỳ thời trước: “Hồi tui 18 tuổi, theo lớp cha anh làng Phú Hương ra săn trầm ở rừng Quảng Trị, Thừa Thiên, chỉ tìm trầm ở những cây gió rục nằm trên mặt đất. Còn ở cây gió sanh thì chỉ đốn hạ những cây nào mình đoán chắc là có trầm trong đó. Thời đó người tìm trầm rất kỵ chuyện đốn cây gió tràn lan để tìm trầm”.

Còn những điệu vùng Khánh Hòa thì kể người săn trầm ở vùng này thời trước bên cạnh việc săn trầm giống như ông Xoa kể còn biết cách “nuôi trầm”. Họ chuyên đục khoét vào thân cây gió ra để chờ ngày chúng tạo nên trầm rồi đến lấy.

Và khi lấy trầm, nhờ thân gió khá lớn, họ chỉ men theo dấu khoét lấy phần trầm để sau đó lại còn có thể lấy thêm trầm lần nữa nếu có thể được. Bởi vậy nghề làm điệu ở đây như là nghề cha truyền con nối. Còn bây giờ, tất tần tật đều bị đốn hạ trong “cơn sốt” kỳ nam.

“Nghề” săn trầm kỳ sẽ còn kéo dài được bao lâu nữa khi những cuộc bới đào đã làm tan hoang những khu rừng? Những giấc mơ đổi đời nhờ kỳ nam liệu có còn khi ăn của rừng rưng rưng nước mắt?

Kỳ tới: Hết rồi trầm hương

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên