Những du học sinh Việt làm thêm việc bán rau củ tại Úc. Hình ảnh mang tính chất minh họa, không liên quan nội dung bài viết - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Cuộc điều tra của SBS Australia, bắt đầu bằng một camera ghi hình bí mật, đã hé lộ phần nào câu chuyện đằng sau những tô phở, chiếc gỏi cuốn hay bánh mì Việt Nam mà người Úc đang thưởng thức hàng ngày.
Nhiều sinh viên Việt Nam và di dân mới đến đi làm công, đang bị bóc lột - thường bởi những người chủ đồng hương của mình. Câu chuyện này xảy ra không riêng gì ở cộng đồng người Việt mà cả với một số cộng đồng người châu Á khác.
Chèn ép quá sức
Sinh viên quốc tế thường làm nhiều hơn số giờ quy định trong visa của họ (40 tiếng trong mỗi 2 tuần) để trang trải các chi phí cần thiết. Do đó, người chủ có thể lợi dụng điểm yếu này bằng cách đe dọa báo cáo với Bộ Di trú, ngăn cản sinh viên tố cáo việc bị chủ bắt nạt hay đòi hỏi quyền lợi chính đáng.
Nhiều du học sinh chia sẻ với đài SBS Australia rằng họ không nhận thức được mức lương tối thiểu ở Úc và vai trò của Uỷ ban Công bằng tại Nơi làm việc (Fair Work Ombudsman). Một số sinh viên đề nghị lập ra danh sách những nhà hàng bóc lột sinh viên để báo cho Fair Work Ombudsman.
Vấn đề này vẫn tiếp diễn hàng ngày và chưa có dấu hiệu cải thiện và có vẻ tệ hại hơn.
Cách đây 2 tuần, một nhóm 5-7 du học sinh chia sẻ câu chuyện cũng tại diễn đàn này, một nhà hàng Việt Nam tại South Yarra, bang Victora từ chối trả lương cho một nữ nhân viên vì một số lý do “buồn cười” như “lông mi của sinh viên rớt vào ổ bánh mì”, thậm chí người chủ còn đe dọa nếu du học sinh dám báo cáo với Fair Work Ombudsman.
Nhóm sinh viên này đã quyết định khiếu nại nhà hàng nơi họ làm việc với Fair Work Ombudsman và Consumer Affair Victoria.
Phát ngôn viên của Uỷ ban Công bằng nơi làm việc Fair Work khẳng định với đài SBS rằng Fair Work nhận thức được thực tế các doanh nghiệp nhỏ đang lạm dụng và bóc lột những nhân viên có cùng sắc tộc với mình một cách "cực kỳ nghiêm trọng".
"Fair Work tập trung vào việc bảo đảm các doanh nghiệp ở những lĩnh vực đa dạng văn hóa và ngôn ngữ hiểu và tuân thủ luật lao động Úc. Chúng tôi hiểu rằng có những trở ngại về văn hoá và các nước trên thế giới có hệ thống luật pháp khác biệt, nhưng Fair Work muốn doanh nghiệp nâng cao nhận thức và hiểu rằng tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại Úc cần hiểu và áp dụng luật Úc", người phát ngôn cho biết.
Đã xử nặng nhưng...
Vào tháng 2-2017, một cặp vợ chồng người Malaysia sống ở Brisbane đã bị Tòa thượng thẩm phạt 200.000 AUD vì bóc lột nhân viên người Malaysia.
Khi phán xử tội danh của nhà hàng này, thẩm phán Salvatore Vasta nhấn mạnh hiện tượng "bóc lột những người đồng hương" là "đặc biệt đáng quan ngại".
"Có vẻ như nếu một người di cư từ một nền văn hóa khác đến Úc và được làm việc với những người có chung nguồn gốc sắc tộc với mình, họ sẽ ngay lập tức cảm thấy tin tưởng và thoải mái”, Thẩm phán Salvatore Vasta nhấn mạnh trong khi tuyên án.
Thế nhưng theo đài SBS Australia, nỗ lực của Fair Work chưa đáp ứng kỳ vọng của sinh viên Việt Nam tại đây.
Tổ chức Fair Work Ombudsman cho biết trong năm tài chính 2015-2016, cơ quan này đã giải quyết 1.894 hồ sơ tranh chấp cho các công nhân đang làm việc tại Úc với một loại visa nào đó, và 95% các vụ tranh chấp liên quan đến vấn đề trả lương thấp trái phép.
Trong số 1.894 vụ tố cáo đã được giải quyết: - Ngành khách sạn phục vụ và cung ứng thức ăn chiếm 30% - Công việc hành chính chiếm 20% - Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 8% - tiếp theo là bán lẻ và xây dựng. |
Phía sau những chiếc gỏi cuốn ngon lành trong nhà hàng Việt ở Úc có những giọt nước mắt của du học sinh bị bắt chẹt - Ảnh: Chân Tâm |
Lập lực lượng chuyên trách
Vào tháng 10-2016, chính phủ Úc đã thành lập The Migrant Workers Taskforce, một lực lượng đặc nhiệm mới nhằm bảo vệ lao động di dân trước sự bóc lột sức lao động của những chủ nhân vô lương tâm.
Lực lượng đặc nhiệm mới này sẽ xem xét và áp dụng một loạt các biện pháp nhằm bài trừ nạn bóc lột sức lao động của những công nhân dễ bị lạm dụng như công nhân có tay nghề cao đến Úc làm việc và du học sinh đi làm thêm ở Úc. Một trong số đó là tăng hình phạt đối với các chủ nhân có hành vi bóc lột công nhân và gian lận sổ sách.
Nhóm đặc nhiệm mới này sẽ tham vấn chính phủ những biện pháp để bảo vệ người lao động ngoại quốc tốt hơn.
Bà Michaelia Cash - Bộ trưởng Việc làm của Úc - khẳng định lực lượng đặc nhiệm này sẽ tăng cường những nỗ lực của Chính phủ để xóa bỏ tình trạng các chủ nhân lạm dụng công nhân di dân và mang đến sự bảo vệ tốt hơn cho tất cả người lao động nói chung.
“Một số trường hợp rất đáng chú ý gần đây trong đó công nhân di dân dễ bị lạm dụng đã phải làm việc với đồng lương dưới mức tối thiểu và bị bóc lột tại nơi làm việc, cho thấy những khoảng cách không thể chấp nhận được trong hệ thống”, bộ trưởng Cash tuyên bố.
Một khung hình phạt mới nặng hơn dành cho những ‘vi phạm nghiêm trọng’ vừa được tạo ra, và sẽ được áp dụng đối với bất kỳ chủ nhân nào cố ý lừa gạt công nhân, bất kể quy mô doanh nghiệp nhỏ hay lớn.
Tuy nhiên nhiều sinh viên quốc tế cảm thấy thất vọng khi cho rằng chính phủ chưa bảo vệ quyền lợi của họ đúng mức. Trong số nhiều sinh viên quốc tế đó có Aggie Phan khi cô chia sẻ với đài SBS: “Chuyện đó không có khó để chính phủ bắt được. Người ta muốn thì có thể điều tra, cài người vô để phát hiện ra chuyện trốn thuế đó, nhưng nó vẫn nhan nhản đó thôi. Em thất vọng. Nếu chính phủ muốn giải quyết thì cũng làm được vài trường hợp chứ, đằng này đầy ra đó”.
Gần đây nhất Fair Work Ombudsman vừa cho ra đời một ứng dụng trên điện thoại mới, Record My Hours, hướng đến giải quyết phần nào nạn bóc lột lao động di dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận