Công đoạn sản xuất nước mắm truyền thống Phan Thiết tại Bình Thuận - Ảnh: T.T.D.
Ông Đào Trọng Hiếu - phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (CB&PTTTNS) Bộ NN&PTNT, thành viên ban soạn thảo quốc gia TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Hiếu nói: "Bộ NN&PTNT và Bộ KH-CN sẽ phối hợp tiếp thu các ý kiến từ hiệp hội, doanh nghiệp, người dân. Ý kiến nào phù hợp, chính đáng, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu một cách cầu thị. Điều nào không tiếp thu, ban soạn thảo cũng sẽ giải trình, trả lời bằng văn bản".
* Trong quá trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm, ban soạn thảo có tính đến việc xây dựng tiêu chuẩn riêng dành cho và nước mắm công nghiệp hay không?
Ông Đào Trọng Hiếu
- Trong quá trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, ban soạn thảo không tính đến việc xây dựng 2 tiêu chuẩn riêng cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp vì chúng tôi căn cứ vào nội dung của tiêu chuẩn là hướng dẫn quy trình chung cho bất kể sản phẩm nước mắm nào cũng phải đi từ cá, muối và phải ủ chượp lên men 6 tháng trở lên.
Hơn nữa, việc làm rõ nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp không nằm trong phạm vi của tiêu chuẩn này. Cục CB&PTTTNS chỉ thực hiện theo quyết định được giao xây dựng tiêu chuẩn này là chuyển đổi tiêu chuẩn Codex sang tiêu chuẩn Việt Nam cho phù hợp với điều kiện tiêu chuẩn ở Việt Nam.
Phải có bộ tiêu chuẩn riêng
Tại buổi làm việc liên quan đến nội dung dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Hiệp hội Nước mắm Nha Trang tổ chức ngày 14-3, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại Nha Trang bày tỏ lo ngại nước mắm truyền thống sẽ bị tổn hại bởi dự thảo có nhiều quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm.
Theo các doanh nghiệp, dự thảo đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn bất hợp lý.
Ông Nguyễn Sỹ Huynh - chủ doanh nghiệp nước mắm Thu Hà - cho rằng nếu áp dụng theo tiêu chuẩn của dự thảo, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống mà hàng ngàn ngư dân đánh bắt thủy sản cũng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Diệp - chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang - cho rằng việc xây dựng tiêu chuẩn cho nước mắm là cần thiết nhưng phải có bộ tiêu chuẩn riêng biệt cho nước mắm truyền thống, đồng thời loại bỏ những quy định không phù hợp.
ĐÀM LINH
* Sau khi tạm dừng để tiếp thu ý kiến, ban soạn thảo có xem xét xây dựng riêng tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hay không?
- Để xây dựng tiêu chuẩn riêng hay chung thì luật đã quy định, các tổ chức, đơn vị, hiệp hội, nhà sản xuất đều có quyền đề xuất, xây dựng lên, kể cả tiêu chuẩn quốc gia, chỉ cần xây dựng rồi trình Bộ KH-CN phê duyệt, nếu Bộ KH-CN thấy cần thiết sẽ lên kế hoạch và thực hiện.
Nếu muốn xây dựng riêng cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, các hiệp hội, đơn vị phải có kế hoạch để trình cho Bộ KH-CN.
Nếu thấy đề xuất phù hợp, Bộ KH-CN sẽ đưa vào kế hoạch, phê duyệt. Khi đó chúng tôi mới thực hiện. Chúng tôi cũng không có quyền công bố, chỉ có quyền đề xuất sang Bộ KH-CN.
* Có thông tin cho rằng một doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp đã tham gia quá trình soạn thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm?
- Thông tin này không chính xác, có sự nhầm lẫn với Quy chuẩn Việt Nam đang được Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) xây dựng, chưa ra đời, chưa công bố.
Tôi xin khẳng định trong ban soạn thảo tiêu chuẩn quy phạm sản xuất nước mắm hoàn toàn không có doanh nghiệp hay hiệp hội nào tham gia, chỉ có đại diện của Bộ NN&PTNT và Bộ KH-CN.
Cũng xin nói rõ là chỉ có quy chuẩn được cơ quan quản lý nhà nước ban hành mới phải bắt buộc áp dụng, còn việc áp dụng tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất là hoàn toàn tự nguyện.
* Các ý kiến cũng cho rằng tiêu chuẩn TCVN 12607:2019 không nên áp dụng với tiêu chuẩn Codex vì chưa phù hợp và cần có nghiên cứu riêng về histamine tại Việt Nam?
- Tiêu chuẩn Codex 10 năm nay đã áp dụng, chứ không phải bây giờ mới có và chúng tôi không đưa ra chỉ tiêu, tiêu chí (chất lượng sản phẩm đầu ra - PV). Tôi cũng nói rõ là tiêu chuẩn này về quá trình làm mắm, bất kể loại mắm nào.
Theo đó, cá và muối phải thế nào, ủ ra làm sao, thời gian ủ tối thiểu, muối đạt chất lượng ra sao, cá phải tươi tốt như thế nào trên từng công đoạn... để phân tích mối nguy. Các mối nguy này chúng tôi không tự bịa ra, mà thế giới đã công nhận.
Còn nghiên cứu riêng histamine lại càng không nằm trong phạm vi của tiêu chuẩn này, chúng tôi không liên quan đến việc kiểm soát histamine bao nhiêu cả.
Dư luận đang nhầm lẫn giữa tiêu chuẩn quá trình sản xuất - áp dụng tự nguyện, với quy chuẩn nước mắm và tiêu chuẩn 5107-2018 nước mắm (tiêu chuẩn này đã ban hành) - bắt buộc thực hiện.
Bộ Y tế nói gì về "Ban vận động thành lập Hội nước mắm VN"?
Trao đổi với báo chí ngày 14-3 về thông tin Bộ Y tế ký quyết định thành lập "Ban vận động thành lập Hội nước mắm VN" có thành phần là các cựu quan chức của bộ này và một số doanh nghiệp sản xuất nước chấm, muối (không sản xuất nước mắm), đại diện Bộ Y tế cho biết khi ký quyết định này, Bộ Y tế chịu trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thực phẩm, trong đó có nước mắm.
Và theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đó, doanh nghiệp sản xuất nước mắm phải công bố tiêu chuẩn chất lượng.
"Bộ Y tế là cơ quan quản lý và có thể có quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội nước mắm VN, đồng ý cho thành lập hội hay không là quyền của Bộ Nội vụ. Sau này Bộ Nội vụ đã trả lại hồ sơ" - vị này nói, đồng thời cho biết sau khi Chính phủ ban hành nghị định 15 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm vào năm 2018, việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn nước mắm đã được giao lại cho Bộ NN&PTNT.
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận